Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhân dân

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thế Hanh| 25/07/2019 07:32

(HNM) - Trong bản Di chúc lịch sử để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến trọng trách lịch sử của đảng cầm quyền trong quan hệ với nhân dân. Mối quan hệ này tập trung vào vấn đề: Đảng ta là đảng cầm quyền, là người lãnh đạo và là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Cán bộ, đảng viên phải phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân vô điều kiện. Trong ảnh: Cán bộ bộ phận "một cửa" quận Thanh Xuân hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.
Ảnh: Viết Thành

Đảng cầm quyền, người lãnh đạo của nhân dân

Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Như vậy, từ trong di sản Hồ Chí Minh có thể hiểu quan điểm “Đảng ta là đảng cầm quyền” chính là thông qua việc nắm quyền, Đảng thực hiện sứ mệnh: Lãnh đạo xã hội, lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo nhân dân, để đạt được mục tiêu cách mạng mà Đảng và dân tộc đồng thuận xác định từ khi thành lập Đảng. Khái quát hơn, Đảng cầm quyền là tiếp tục vai trò lãnh đạo đất nước để đạt được mục tiêu, lý tưởng cách mạng trong điều kiện đã có chính quyền trong tay.

Trong khi đó, với vị trí Đảng là người lãnh đạo, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng là tổ chức lãnh đạo chứ không phải là cơ quan quản lý; Đảng không có quyền lực nhà nước; Đảng không làm thay công việc quản lý của cơ quan nhà nước; Đảng chỉ thực hiện việc quản lý tổ chức Đảng và đảng viên trong nội bộ theo Điều lệ Đảng.

Đối tượng lãnh đạo của Đảng gồm tất cả các thành tố trong hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và toàn xã hội. Đảng không chỉ lãnh đạo chính trị, mà còn lãnh đạo cả tư tưởng, tổ chức và công tác cán bộ.

Đảng lãnh đạo quần chúng nhân dân có nghĩa là Đảng phải trở thành lực lượng tiên phong trong dân chúng, vạch hướng, xác định mục tiêu đúng đắn, đáp ứng được nguyện vọng, lợi ích cơ bản của đông đảo quần chúng nhân dân.

Đồng thời, Đảng phải có uy tín cao do làm tốt sứ mệnh “người đầy tớ trung thành của nhân dân”. Đảng lấy uy tín của mình là một Đảng có “đạo đức và văn minh”, để thuyết phục quần chúng nhân dân đi theo, ủng hộ, thực hiện cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng.

Lịch sử và thực tế đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và toàn thể dân tộc Việt Nam. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài mưu cầu lợi ích cho nhân dân, Tổ quốc và dân tộc.

Đảng đã gan góc hy sinh, dũng cảm tổ chức nhân dân phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam. Không lực lượng nào có được những phẩm chất đó và cũng không lực lượng nào đủ uy tín trước nhân dân và dân tộc Việt Nam như thế. Điều này cũng đã được thực tế gần 90 năm qua của lịch sử Việt Nam minh chứng.

Đảng là “người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với nhân dân. Ở đó, dân tìm thấy Đảng với tư cách là người tập hợp, lãnh đạo quần chúng làm cách mạng. Người chỉ rõ: Đảng trở thành Đảng lãnh đạo chính quyền thì Đảng cầm quyền, dân là chủ. Vì vậy, trong mối quan hệ với nhân dân, Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là “người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Điều này có nghĩa: Đảng và từng cán bộ, đảng viên phải phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân vô điều kiện. Luận điểm này thể hiện vai trò người lãnh đạo và đầy tớ thống nhất trong một chủ thể, đó là đảng cầm quyền. Có giữ vững và làm tốt vai trò người lãnh đạo, thì mới có điều kiện để thực hiện bổn phận người đầy tớ.

Ngược lại, có làm tròn bổn phận người đầy tớ thì vị trí, vai trò người lãnh đạo mới được giữ vững. Để Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa “là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, đòi hỏi Đảng phải biết thu phục, thuyết phục được quần chúng. Đó là một quá trình phấn đấu liên tục, bền bỉ của cả Đảng và nhân dân. Song, trong mối quan hệ đó, Đảng là người có trách nhiệm chính.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh: Cán bộ, đảng viên không những là người lãnh đạo quần chúng mà còn phải xác định mình là đầy tớ, là công bộc, là người phục vụ lợi ích của nhân dân. Đây là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi cán bộ, đảng viên, mọi cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước.

Đầy tớ của nhân dân cũng có nghĩa là: Nếu dân đói, dân rét, dân dốt, dân ốm thì Đảng và Chính phủ có lỗi. Cán bộ, đảng viên không những phải yêu dân, kính dân mà còn phải biết ơn nhân dân vì cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Đầy tớ của nhân dân, đó là những người “việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”.

Tuy nhiên, là người đầy tớ, nhưng không phải là Đảng theo đuôi quần chúng, mà Đảng phải thực sự tiên phong về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thực sự tiêu biểu cho trí tuệ, lương tâm, danh dự của dân tộc, đạo đức, văn minh của thời đại.

Người yêu cầu, Đảng muốn lãnh đạo giỏi thì phải làm đầy tớ giỏi. Đảng phải chăm lo lợi ích của nhân dân, luôn đặt lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, của cả dân tộc lên trên hết. Đảng và Nhà nước phải tôn trọng quyền làm chủ, lắng nghe ý kiến của nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Mọi hoạt động của Đảng cũng như của đảng viên phải chịu sự kiểm soát của nhân dân để làm tròn nhiệm vụ “đầy tớ trung thành của nhân dân”.

... 50 năm đã qua, những lời dặn mang ý nghĩa định hướng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc đã và đang soi đường để củng cố hơn nữa mối quan hệ bền chặt giữa Đảng và nhân dân trong công cuộc đẩy mạnh hội nhập và đổi mới hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhân dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.