Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa ánh sáng văn hóa Hồ Chí Minh: Bác vẫn soi đường cho chúng con đi

Xuân Đức| 04/09/2019 16:49

(HNMCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xa chúng ta tròn 50 năm. Nửa thế kỷ đã qua nhưng ánh sáng văn hóa của Người, từ tầm vóc tư tưởng, quan điểm về văn hóa và phát triển văn hóa, cho đến tình yêu thương con người, tấm gương đạo đức, văn hóa ứng xử, nhân cách của Người, vẫn lan tỏa, soi rọi đến mọi người, mọi nhà, mọi miền đất nước, không chỉ ở dân tộc Việt Nam mà bao trùm cả nhân loại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm lớp vỡ lòng ở phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958. Ảnh tư liệu

1. Không chỉ là một nhà chính trị lỗi lạc, Anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một nhà văn hóa kiệt xuất.

Con đường hình thành Danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh là một con đường hiếm thấy, vừa kết hợp nhuần nhị, hài hòa giữa nghiên cứu lý luận với thực tiễn đời sống, vừa kế thừa, phát huy những giá trị, cốt cách, bản sắc văn hóa, truyền thống bốn nghìn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam và tiếp thu tinh hoa nhân loại. Ngay từ tháng 8-1943, Người đã đúc kết quan điểm của mình về văn hóa như sau: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của tâm hồn”.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa nói riêng và chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung đóng vai trò quan trọng, tạo nên sức mạnh trong tư duy và hành động cho các dân tộc bị áp bức, bóc lột có thể giải phóng mình, chiến thắng ngoại xâm theo tinh thần “văn minh chống bạo tàn”. Từ quan điểm này, Người đã đem ánh sáng văn hóa mới của chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường cho dân tộc ta và các dân tộc bị áp bức khác trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng con người - con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Đối với Hồ Chí Minh, văn hóa còn có tác dụng “sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, sửa xã hội cũ, xây xã hội mới”. Thế nên, sau khi giành được chính quyền, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người đã phát động phong trào “diệt giặc dốt”, bởi “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người cũng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường dân tộc”, “phải xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho kháng chiến kiến quốc”.

2. Ngay từ khi tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chủ trương xây dựng một xã hội tương lai, trong đó việc xây dựng một nền văn hóa mới đóng vai trò quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng. Người cho rằng, văn hóa là tinh hoa của dân tộc, văn hóa phải góp phần khẳng định vị thế của dân tộc, và yếu tố dân tộc là yếu tố quyết định nhất của một nền văn hóa mới, dựa trên cơ sở gốc là văn hóa dân tộc, lấy đó làm điều kiện, cơ sở để tiếp thu văn hóa nhân loại. Vì vậy, để xây dựng nền văn hóa mới phải thực hiện ba nhiệm vụ chính: Thứ nhất là củng cố, bảo tồn, phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống của dân tộc, thứ hai là khắc phục những thiếu hụt của văn hóa truyền thống, và cuối cùng là tạo ra những giá trị văn hóa tương lai, hoàn thiện nhân cách, hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng Lao động Việt Nam (tháng 2-1951), Người chỉ rõ: "Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”.

Văn hóa phụng sự nhân dân, vì hạnh phúc của nhân dân là quan điểm xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người nhắc nhở giới cầm bút: Viết cái gì, viết cho ai, viết như thế nào. “Nói ít, nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn thì quần chúng thích hơn”. Người khẳng định: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có một nhiệm vụ nhất định, đó là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân”. “Văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng - nội dung văn hóa phải có ý nghĩa giáo dục...”. Để văn hóa trở thành sức mạnh làm nên thắng lợi trong kháng chiến kiến quốc, giành độc lập tự do cho dân tộc, hòa bình thống nhất cho đất nước, Người căn dặn văn nghệ sĩ: “Văn hóa cũng là một mặt trận. Anh chị em là những chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu sâu sắc vai trò to lớn của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội: “Trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ... cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Trước lúc “đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin và các vị cách mạng đàn anh khác”, Người vẫn đau đáu căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Có thể thấy, đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, lĩnh vực văn hóa và phát triển văn hóa luôn có tầm quan trọng ngang với kinh tế và phát triển kinh tế. Kinh tế có tác dụng nâng cao đời sống vật chất, còn văn hóa nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đây là hai lĩnh vực liên kết biện chứng, gắn bó mật thiết trong đời sống xã hội. Theo GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), “đây là trách nhiệm rất lớn của Đảng cầm quyền, để thể hiện sự ham muốn tột bậc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm cho mọi người được ấm no, tự do, hạnh phúc”.

Văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu trong mọi lĩnh vực hoạt động của Người, sau nửa thế kỷ vẫn mãi lan tỏa, soi rọi đến mọi người, mọi nhà, không chỉ ở dân tộc Việt Nam mà bao trùm cả nhân loại.

3. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt khi nói về Đảng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Vốn đặc biệt đề cao văn hóa đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định con người phải có “tứ đức” (cần, kiệm, liêm, chính), “thiếu một đức thì không thành người” và cho rằng cần, kiệm, liêm, chính là thước đo văn minh của một dân tộc: “Một dân tộc biết cần kiệm, biết liêm chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”. Từ quan điểm này Người chỉ rõ đạo đức cách mạng là các giá trị cụ thể như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, cần được thể hiện ở phẩm chất của từng đảng viên. Những giá trị đạo đức cao cả này sẽ theo suốt quá trình hoạt động, chiến đấu, công tác của người đảng viên. Đây chính là văn hóa Đảng, được xây dựng từ đội ngũ cán bộ đảng viên trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước...

Là người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm ý thức được nguy cơ nếu đội ngũ cán bộ, đảng viên không thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, hôm qua là vĩ đại có sức hấp dẫn lớn, không nhất định ngày hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Vì vậy, Người nhắc nhở: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”, “chớ xa dân, chớ vác mặt quan cách mạng để làm hại dân”, “quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người đặc biệt yêu cầu cán bộ, đảng viên phải khắc phục những căn bệnh quan liêu, lãng phí, tham ô và những tiêu cực khác mà Người gọi đó là “giặc nội xâm”...

4. Không chỉ đưa ra các quan điểm lý luận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người “nói luôn đi đôi với làm”. Cuộc đời hoạt động của Người là tấm gương sáng ngời về thực hành cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư cho các thế hệ sau noi theo. “Nâng niu tất cả chỉ quên mình”, cả cuộc đời Bác chỉ có một tâm nguyện duy nhất, như Người gọi là “ham muốn tột bậc”, đó là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Có lẽ chẳng có dẫn chứng nào thuyết phục hơn những vần thơ viết về một CON NGƯỜI vĩ đại, cao quý mà rất đỗi giản dị, khiêm nhường: “Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Không chỉ là một tấm gương đạo đức sáng ngời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một điển hình mẫu mực về văn hóa ứng xử. Ứng xử của Người chu đáo, ân cần, lịch thiệp và tinh tế, giàu lòng nhân ái, vị tha, có sức mạnh cảm hóa, lôi cuốn và thúc đẩy mọi người làm điều hay điều tốt, khơi dậy ý thức tự tu dưỡng, gieo niềm tin vào mọi điều tốt đẹp của cuộc sống và hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ...

Văn hóa Hồ Chí Minh, thấm sâu trong mọi lĩnh vực hoạt động của Người, từ tầm vóc tư tưởng, quan điểm về văn hóa cho đến tình yêu thương con người, tấm gương đạo đức, văn hóa ứng xử, nhân cách..., sau nửa thế kỷ vẫn mãi lan tỏa, soi rọi đến mọi người, mọi nhà, không chỉ ở dân tộc Việt Nam mà bao trùm cả nhân loại. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người học trò ưu tú của Người - lúc sinh thời đã khái quát: "Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu mà ai cũng cảm thấy thân thiết từ lâu”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa ánh sáng văn hóa Hồ Chí Minh: Bác vẫn soi đường cho chúng con đi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.