Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không tán thành “đổi vai” chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết

Phong Thu| 13/09/2019 18:59

(HNMO) - Chiều 13-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Theo Tờ trình của Chính phủ, qua 3 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) với nhiều quy định mới, có thể khẳng định, công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, việc thi hành Luật năm 2015 thời gian qua cũng đặt ra một số vấn đề cần được tiếp tục xử lý.

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến là về trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật năm 2015 (Điều 74, 75, 76, 77) theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Theo tờ trình, việc đổi mới này có một số ưu điểm: Bảo đảm tính liên tục, thống nhất trong quá trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết từ khi nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất chính sách, soạn thảo, trình đến giai đoạn chỉnh lý dự thảo; tăng tính chủ động và trách nhiệm đến cùng của cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trong quá trình chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết...

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, hầu hết ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và ý kiến của nhiều đoàn đại biểu Quốc hội tán thành nội dung sửa đổi, bổ sung như trong dự thảo luật.

Cho ý kiến tại phiên họp, một số đại biểu không tán thành việc “đổi vai” này mà đề nghị tiếp tục thực hiện như quy định hiện nay để bảo đảm thuận lợi cho việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý dự án, đồng thời cũng tránh xáo trộn trong việc tổ chức thực hiện.

Bày tỏ quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Luật hiện hành không hạn chế vai trò của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh. Hơn nữa, thực tế cho thấy quá trình tham gia chỉnh lý, các cơ quan chủ trì soạn thảo một số dự án luật chưa thực sự tích cực, chưa phát huy vai trò của mình.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: “Nếu như “đổi vai” sang cho Chính phủ để chủ trì, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý thì liệu có đủ thời gian để thẩm định lại trước khi trình Quốc hội thông qua hay không?”.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về việc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đưa ra các phương án đề nghị bổ sung việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Lý do là thời gian qua, công tác này tuy đã có những thay đổi tích cực nhưng cũng còn tồn tại hạn chế, bất cập như tình trạng lùi, rút dự luật còn diễn ra khá phổ biến; tính dự báo của chương trình không cao, tính kế thừa cho năm tiếp theo thấp, thường xuyên bổ sung dự án mới vào chương trình.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giữ nguyên như luật hiện hành, không sửa đổi, bổ sung 4 điều của Luật năm 2015 (các điều 74, 75, 76 và 77) như dự thảo luật đưa ra.

Tương tự, quy định về việc lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng sẽ được giữ nguyên như hiện nay để bảo đảm tính chủ động của Quốc hội trong kế hoạch lập pháp, nhưng cần có sự đổi mới trong cách làm để hạn chế tình trạng lùi, rút, điều chỉnh chương trình như thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không tán thành “đổi vai” chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.