Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô

Trung tướng Đoàn Duy Khương| 09/10/2019 06:12

Qua 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành kể từ ngày được đổi tên thành Sở Công an Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2019), dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội; sự phối hợp của các bộ, ban, ngành ở trung ương và thành phố, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang; với sự nỗ lực, cố gắng của các thế hệ lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng Công an thành phố đã lập nhiều thành tích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp hết sức quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phục vụ công cuộc xây dựng, kiến thiết Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, trở thành trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và giao dịch quốc tế của cả nước, được UNESCO vinh danh là “Thành phố Vì hòa bình”.

1. Vào sáng ngày 10-10-1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội chia làm nhiều cánh quân, trong đó có những chiến sĩ trinh sát Công an Bắc Bộ, Công an xung phong, Cảnh sát xung phong, Cảnh sát trật tự đã anh dũng chiến đấu bảo vệ Thủ đô với lời thề thiêng liêng: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã tiến vào giải phóng Hà Nội trong niềm hân hoan chào đón của hơn 20 vạn nhân dân Thủ đô, đánh dấu mốc son chói lọi, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta, mở ra thời kỳ phát triển mới của Thăng Long - Hà Nội và của đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh. Chính trong tháng ngày lịch sử hào hùng đó, càng tự hào hơn khi Công an Khu Hà Nội được đổi tên thành Sở Công an Hà Nội.

Ngay sau ngày tiếp quản Thủ đô, trước công việc bộn bề và hết sức cấp bách, cùng với việc kiện toàn tổ chức, xây dựng lực lượng, Công an thành phố Hà Nội đã tập trung ổn định trật tự xã hội, bảo vệ các cơ quan, kho tàng quốc gia và tài sản của nhân dân; tiến hành đăng ký, quản lý phương tiện giao thông, đăng ký, quản lý, thu hồi vũ khí vật liệu nổ, nắm tình hình ngoại kiều, trấn áp các loại tội phạm, phục vụ công cuộc khôi phục kinh tế địa bàn Thủ đô; đồng thời chủ động đấu tranh chống địch cưỡng ép dân di cư vào Nam, có biện pháp đấu tranh, vô hiệu hóa hoạt động cài gián điệp trong kế hoạch hậu chiến của địch. Nhờ quán triệt sâu sắc, kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên và chuẩn bị kỹ lưỡng, chỉ sau 3 tháng, Công an thành phố Hà Nội đã cơ bản ổn định được trật tự, bảo vệ thành công cuộc mít tinh của nhân dân Thủ đô và các lực lượng vũ trang chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, Chính phủ trở về vào ngày 1-1-1955 và kỷ niệm Quốc khánh 2-9 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đầu tiên sau ngày Hà Nội được giải phóng (2-9-1955)...

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, dưới ánh sáng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (tháng 2 năm 1961), Thủ đô Hà Nội được xác định là đầu não của hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam, phải được xây dựng, củng cố vững chắc về mọi mặt, nhất là an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Trong thời kỳ mới, Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Thủ đô, bảo vệ chính trị nội bộ, phát động phong trào “Bảo mật phòng gian, bảo vệ trị an”, tạo thế trận tổng hợp, liên hoàn và thế trận lòng dân vững chắc trong phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động; phát hiện, kịp thời ngăn chặn việc nhen nhóm, hình thành các hội, nhóm, tổ chức phản cách mạng như “Đảng Quốc đại”, “Mặt trận Liên hiệp cách mạng phái hữu miền Bắc”, “Tân Dân chủ nghĩa’, “Đảng nhị thập bát tú”, “Đảng Đại đồng Châu Á”, “Mặt trận nhân dân cứu quốc”, “Công nông trí thức Đảng”, “Đảng Công nông liên minh” “Ủy ban đoàn kết chống chiến tranh”…; điều tra, khám phá nhanh chóng nhiều vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội như các vụ trộm cắp tại tổng đại diện Pháp, Bảo tàng Lịch sử quốc gia; vụ trộm cắp tem gạo, tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa tại Cửa hàng Lương thực 64 Ngô Thì Nhậm thuộc Công ty Lương thực Hà Nội…, góp phần hoàn thành các kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa ở Thủ đô.

Hưởng ứng phong trào thi đua: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, Công an thành phố Hà Nội đã triển khai thực hiện công tác phòng không nhân dân, tham mưu với UBND thành phố nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân trong trường hợp sơ tán lâu dài, sơ tán đột xuất và sơ tán tại chỗ, củng cố các đội phòng cháy, chữa cháy chuyên nghiệp và lực lượng phòng cháy, chữa cháy trong nhân dân; xây dựng phương án bảo vệ các công trình trọng điểm, tuyến đường huyết mạch (tuyến sân bay Nội Bài, Hà Nội, cầu Long Biên); kết hợp với lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tổ chức hiệp đồng chiến đấu ngay tại thành phố, góp phần làm thất bại hoạt động phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. Đặc biệt là trong chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không”, Công an thành phố đã tổ chức vận động, khẩn trương sơ tán nhanh, gọn, an toàn cho hơn 500.000 người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, tích cực thực hiện tuần tra canh gác, báo động phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tham gia cứu thương, cứu nạn…

Vào những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX và giai đoạn đầu thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước, trong bối cảnh chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới tạm thời lâm vào thoái trào sau sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô cũ và Đông Âu và sự khó khăn về kinh tế do bao vây, cấm vận ở trong nước, các thế lực thù địch đã xác định Thủ đô Hà Nội là một trọng điểm trong thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”.

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Đảng bộ Hà Nội, Công an thành phố đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng triển khai các biện pháp, chủ động phòng ngừa và phát hiện nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại, khủng bố, bạo loạn, lật đổ, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, điển hình là các chuyên án SH76, TC15, H380, T690, triệt phá các tổ chức phản động “Đại nghĩa chính cương”, “Tu hội hy vọng”, “Liên minh các lực lượng giải phóng dân tộc”, “EMMANUEL”, “Đảng xã hội khoa học Việt Nam”, vụ cướp máy bay lên thẳng ở sân bay Bạch Mai…; tổ chức rộng khắp mạng lưới “Thông tin an ninh nhân dân”, kiểm tra, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ; phòng, chống tư tưởng hữu khuynh trong xử lý tội phạm, mở nhiều đợt tấn công cao điểm với tội phạm trộm cắp, đánh bạc; tích cực điều tra, làm rõ nhiều vụ án tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, tội phạm hình sự nguy hiểm, đầu cơ, buôn lậu, điển hình là vụ giết người ở phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, vụ giết người, cướp tài sản tại phố Hàng Thùng, cướp có vũ khí tại tiệm vàng Kim Yến, quận Hoàn Kiếm, vụ cháy kho Tổng công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp 1, vụ cháy chợ Đồng Xuân, vụ tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa trong việc xây dựng đường Bắc Thăng Long - Nội Bài…, góp phần ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại địa bàn Thủ đô, cùng toàn Đảng, toàn dân ta đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng, giữ vững niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

Thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đặc biệt sau khi Hà Nội được điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính (1-8-2008), ý thức được trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, gương mẫu đi đầu trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí lực lượng bám sát đơn vị trực tiếp chiến đấu, địa bàn cơ sở theo phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an Thủ đô vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu có hiệu quả với Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt, lĩnh vực công tác công an trên địa bàn, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự; bảo vệ an toàn các hội nghị trong nước và quốc tế diễn ra trên địa bàn Thủ đô, làm tốt vai trò thường trực các Ban Chỉ đạo 197, 138, Chương trình 05 của Thành ủy. Đồng thời, coi trọng công tác phòng ngừa từ xa, từ cơ sở, kết hợp phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, hạn chế các nguyên nhân, điều kiện phạm tội, không để hình thành các tụ điểm phức tạp, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, không để tội phạm hình sự nguy hiểm, có tổ chức hoạt động công khai, lộng hành; duy trì, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình bảo vệ an ninh trật tự có hiệu quả như mô hình 141, 142 và các tổ công tác tại các bệnh viện lớn trên địa bàn; nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; được nhân dân đánh giá cao trong thực hiện cải cách và kiểm soát thủ tục hành chính theo hướng hiệu quả, đơn giản hóa; triển khai các dịch vụ công trực tuyến (cấp thị thực, gia hạn tạm trú, cấp thẻ tạm trú, cấp thẻ thường trú, cấp hộ chiếu, cấp thẻ căn cước công dân, đăng ký thường trú, đăng ký, quản lý phương tiện giao thông đường bộ…).

Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc, Công an thành phố Hà Nội đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 5 lần được Bác Hồ đến thăm, 15 lần được Người tặng lẵng hoa, 3 năm liên tục được Người tặng Cờ luân lưu; 3 lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ đổi mới; 1 Huân chương Sao vàng, 2 Huân chương Hồ Chí Minh và 2 Huân chương Quân công, 31 năm được Chính phủ tặng Cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua Vì an ninh Tổ quốc”; có 25 đơn vị và 11 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 3.000 lượt tập thể, cá nhân được Nhà nước tặng thưởng huân chương các loại và 66 cá nhân được tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh; Công an Thủ đô được quần chúng nhân dân tin yêu, giúp đỡ, gửi nhiều thư cảm ơn; nhiều cá nhân được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú”, được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” và nhiều phần thưởng cao quý khác.

2. Trong thời gian tới, phát huy những kết quả thành tích đã đạt được, tiếp tục quán triệt các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, xác định chủ đề công tác: “Hoàn thiện quy định, quy chế, quy trình công tác; tăng cường cơ sở” và phương châm, khẩu hiệu hành động: “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, “Chủ động, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an thành phố lần thứ XXVII, bảo đảm vững chắc an ninh trật tự, bảo vệ an ninh, an toàn cho đại hội Đảng các cấp của Thành ủy và Đại hội lần thứ XIII của Đảng, góp phần xây dựng Thủ đô trật tự, kỷ cương, an toàn, văn minh, hiện đại và bình yên, Đảng ủy và Giám đốc Công an thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Một là, chú trọng xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an Thủ đô thực sự trong sạch, liêm chính, gần dân, sát dân, trọng dân, tăng cường “tương tác” với nhân dân để phục vụ nhân dân được tốt hơn gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng và Quy định số 08-QĐi/TƯ, ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trọng tâm là tiếp tục kiện toàn tổ chức, bố trí, sắp xếp cán bộ, tăng cường bố trí công an chính quy xuống công an xã, bảo đảm “Công an huyện nắm xã, công an xã nắm hộ, nắm người”; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa, kiên quyết xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.

Hai là, phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt, trực tiếp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của thành phố. Chủ động làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động “cách mạng màu”, bạo loạn, lật đổ, kích động biểu tình, gây rối an ninh trật tự của các thế lực thù địch, phản động, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong phòng, chống tội phạm, kết hợp chặt chẽ hơn nữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, không để xảy ra oan, sai, chống bức cung, dùng nhục hình.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chỉ huy, cải tiến lề lối, tác phong làm việc theo hướng “4 hóa” (hạt nhân hóa lãnh đạo, chuẩn quy hóa văn bản, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tự giác hóa tổ chức thực hiện), xây dựng hình ảnh đẹp của người cán bộ, chiến sĩ công an Thủ đô “tận tụy, trách nhiệm, thân thiện và vì nhân dân phục vụ” trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, mãi xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.