Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao kỹ năng tương tác với cử tri

Việt Tuấn| 22/10/2019 07:23

(HNM) - Để xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, mỗi đại biểu HĐND các cấp cần tự trang bị cho mình kỹ năng qua hoạt động chất vấn, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân. Kinh nghiệm của nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội cho thấy, kênh thông tin trên báo chí, tăng cường đi cơ sở được nhiều đại biểu chọn lựa để nâng cao kỹ năng tương tác với cử tri...

Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội giám sát về cơ sở vật chất tại một trường học ở quận Nam Từ Liêm.

Tương tác qua giám sát trực tiếp

Từ đầu năm 2019 đến nay, công tác tổ chức kỳ họp HĐND các cấp thành phố Hà Nội tiếp tục được đổi mới, hoạt động chất vấn được chú trọng. Trong đó, ở cấp thành phố, đại biểu không chuyên trách đăng ký chất vấn ở kỳ họp và phiên giải trình tăng hơn 30% so với năm 2018. Đối với cấp quận, huyện, thị xã, hoạt động chất vấn của đại biểu cũng sôi động hơn. Đây là kết quả từ những nỗ lực tăng cường khả năng tương tác với cử tri của đại biểu dân cử.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà nhận định, chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp, thời gian qua, HĐND các quận, huyện, thị xã đã phát huy tốt vai trò giám sát theo hướng này. Cụ thể, kỳ họp HĐND huyện Mỹ Đức có 15 lượt đại biểu HĐND huyện tham gia chất vấn; tại thị xã Sơn Tây, cả 3 phiên họp HĐND từ đầu năm 2019 đến nay đều tổ chức chất vấn…

Đại biểu Đỗ Mạnh Hải (Tổ đại biểu HĐND thành phố tại huyện Thường Tín) cho biết, để chất vấn trúng vấn đề, đại biểu phải thường xuyên tham gia các đợt giám sát chuyên đề để nắm bắt những bất cập, khó khăn từ cơ sở. “Lĩnh vực y tế, giáo dục luôn được nhiều cử tri quan tâm. Vì thế, tôi thường xuyên tham gia các đợt giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, tìm hiểu lý do bất cập, tồn tại để kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước thông qua các kỳ họp cũng như phiên giải trình”, đại biểu Đỗ Mạnh Hải nhấn mạnh.

Theo đại biểu Đỗ Thùy Dương (Tổ đại biểu HĐND thành phố tại quận Cầu Giấy), để nghe, hiểu, đồng cảm với cử tri, bản thân phải đọc nhiều. Những chính sách mới, quy định mới, ngoài cập nhật theo hệ thống, thì cần tham khảo trên báo chí chính thống để làm dày thêm kiến thức. Có thời điểm, để có cái nhìn đa chiều đối với vấn đề quan tâm, đại biểu còn tương tác với cử tri qua mạng xã hội, từ đó sàng lọc thông tin cần thiết trước khi đưa vào nghị trường.

Cử tri Nguyễn Đức Vũ (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) nhận xét, các phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố được nhiều người quan tâm theo dõi. Khác với thời gian trước, 3 kỳ họp gần đây, đại biểu chất vấn thể hiện sự am hiểu ngành, lĩnh vực và truy đến cùng đối với cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực còn quanh co, trả lời chưa rõ. Điều này cho thấy, kỹ năng tương tác của đại biểu ngày một tốt hơn.

Sự tương tác của đại biểu với cử tri qua tiếp công dân, tiếp xúc cử tri cũng rất quan trọng. Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên Nguyễn Văn Hội, không chỉ tham gia đủ các cuộc tiếp xúc cử tri, đại biểu còn định hướng, gợi mở, tạo điều kiện để cử tri phát biểu. “Đây là dữ liệu quan trọng để đại biểu đề cập, chất vấn cơ quan quản lý tại các kỳ họp”, ông Nguyễn Văn Hội cho biết thêm.

Cần nỗ lực từ nhiều phía

Dù rất tích cực, nhưng thực tế vẫn còn một số đại biểu HĐND các cấp chưa chú trọng nâng cao kỹ năng hoạt động, chất lượng phát biểu thảo luận còn hạn chế; hoạt động tiếp công dân ở một số nơi hiệu quả chưa cao. “Tham gia chất vấn, thảo luận tại những kỳ họp của HĐND thành phố có phát thanh, truyền hình trực tiếp phần lớn là những đại biểu cử tri đã nằm lòng”, bà Chu Thị Hồng (phường Thạch Bàn, quận Long Biên) cho biết.

Theo Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Nguyễn Công Thành, việc tiếp công dân đa phần liên quan đến vụ việc phức tạp, kéo dài, đòi hỏi đại biểu phải có kiến thức, am hiểu pháp luật. Vì thế, kỹ năng tiếp công dân cũng rất cần thiết, giúp hoạt động thu thập, xử lý thông tin của đại biểu hiệu quả.

Ngoài ra, kỹ năng trình bày ý kiến tại kỳ họp, giám sát hay tiếp công dân… rất quan trọng, nhưng không phải đại biểu nào cũng làm tốt việc này. Theo đại biểu Đỗ Thùy Dương (Tổ đại biểu HĐND thành phố tại quận Cầu Giấy), bên cạnh đại biểu tự rèn luyện cho mình phong cách trình bày ý kiến tự tin, mạch lạc thì HĐND các cấp cũng cần tổ chức thêm các hội nghị trao đổi kinh nghiệm về cách diễn đạt vấn đề cho đại biểu.

Theo đại biểu Phạm Thị Thanh Hương (Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố) để thực hiện tốt chức năng giám sát, người đại biểu phải nghiên cứu kỹ các quy định, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của thành phố. Ngoài ra, đại biểu cần nắm bắt các thông tin qua báo cáo, dư luận, đơn thư của công dân, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng... về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực giám sát.

Tiếp xúc cử tri là hoạt động thường xuyên của đại biểu nhằm giữ mối liên hệ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri nơi bầu ra mình. “Để  đại biểu thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri, thì kỹ năng cũng cần linh hoạt, trong đó ghi chép tổng hợp và đôn đốc, xử lý các kiến nghị của cử tri phải được thực hiện nghiêm túc”, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố chia sẻ.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, thời gian tới, Thường trực HĐND thành phố tiếp tục duy trì các hội nghị trao đổi, tọa đàm chuyên đề cho đại biểu HĐND các cấp. Qua đó, cung cấp kỹ năng toàn diện cho đại biểu, nhằm tăng tính tương tác với cử tri, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử các cấp. Đây chính là nhiệm vụ trọng tâm được HĐND thành phố Hà Nội đặt ra trong thời gian tới và cũng cần sự tham gia tích cực từ các đại biểu...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao kỹ năng tương tác với cử tri

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.