Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chìa khóa tạo lợi nhuận tỷ đô của tập đoàn tàu điện ngầm Hong Kong

Hồng Anh| 20/03/2019 13:46

(HNMO) - Trong khi nhiều doanh nghiệp vận tải quốc doanh của một số nước đang phải hứng chịu tình trạng thua lỗ hoặc cần sự cứu trợ của Chính phủ thì Tập đoàn đường sắt đô thị Hong Kong (MTR) vẫn đạt mức lợi nhuận đáng kinh ngạc.


Trong năm 2018, lợi nhuận ròng của tập đoàn này vượt mức 16 tỷ đô la Hong Kong (tương đương khoảng 2 tỷ USD), là một trong những công ty tàu điện ngầm “ăn nên làm ra” nhất thế giới.

Nếu tại một quốc gia, việc dịch vụ đường sắt công cộng bị gián đoạn, hoãn chuyến hoặc tăng giá vé là điều vẫn thường xuyên xảy ra, thì tại Hong Kong, MTR luôn bảo đảm tỷ lệ đúng giờ đạt 99,9%. Giá vé luôn được duy trì ở mức thấp, từ khoảng 4 tới 59,5 đô la Hong Kong, tùy chặng. Với lượng hành khách đông đảo khoảng 5,8 triệu người mỗi ngày, dù giá vé thấp nhưng nguồn doanh thu mang lại đã có thể đáp ứng 170% tổng chi phí hoạt động của toàn hệ thống.

Hành khách trên tàu điện ngầm MTR.


Điều đáng nói là nguồn lợi nhuận của MTR không chỉ tới từ kinh doanh vận tải đường sắt mà còn tới từ hệ thống bất động sản được xây dựng đồng bộ cùng các ga tàu điện ngầm. Chính quyền Hong Kong là một trong những cổ đông chính của MTR. Tập đoàn này được cấp phép xây dựng các tuyến đường sắt mới và tổ chức đấu thầu để các nhà phát triển tư nhân xây dựng các bất động sản thương mại bên trên các ga tàu điện ngầm.

Sau khi quá trình xây dựng hoàn tất, MTR sẽ được hưởng lợi tức từ việc bán hoặc cho thuê các bất động sản này. Nguồn lợi từ việc kinh doanh bất động sản sẽ giúp MTR mở rộng hoạt động, chi trả cho hoạt động bảo trì và tiến hành các dự án mới.

Kể từ khi mô hình kinh doanh “đường sắt kết hợp bất động sản” bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1980, MTR đã không ngừng mở rộng phát triển mô hình này. Tổng cộng, tập đoàn này đã phát triển 47 bất động sản tại 93 ga tàu. 

Civic Square, tòa nhà được xây dựng bên trên ga tàu điện ngầm Kowloon là một ví dụ. Đây là tòa nhà cao 118 tầng, tích hợp khu mua sắm cao cấp, 6.300 căn hộ và 2 khách sạn 5 sao hiện đang thuộc quyền sở hữu và khai thác của MTR.

Lối vào Civic Square.


Trong năm 2018, việc kinh doanh bất động sản đã mang lại cho tập đoàn này 5 tỷ đô la Hong Kong, lợi nhuận trước thuế đạt gần 2,6 tỷ đô la Hong Kong.

“Khi chúng tôi xây dựng tuyến đường sắt, giá trị của bất động sản trong khu vực sẽ tăng lên và chúng tôi sẽ tận dụng đà tăng giá này. Nếu chúng tôi thiết kế đẹp, lên kế hoạch tốt và xây dựng những công trình chất lượng cao, chúng tôi sẽ thu được lợi nhuận”, ông Jacob Kam, Giám đốc điều hành MTR cho biết.

Ngoài ra, ông Kam cho rằng, mô hình xây dựng chuỗi cơ sở hạ tầng đồng bộ với tuyến đường sắt sẽ góp phần cải thiện bộ mặt giao thông đô thị.

“Tại các thành phố lớn, nguồn cung đất đai luôn hạn hẹp. Vì thế, cần phải tìm cách để sử dụng đất đai phục vụ nhiều mục đích cùng lúc. Việc mở rộng tuyến đường sắt vừa giúp tăng chất lượng phát triển, vừa giúp sử dụng đất tại các đô thị hiệu quả hơn”, ông Kam nói.

Trên thực tế, tại Hong Kong, cùng với sự mở rộng của tuyến đường sắt đô thị, một môi trường sống chất lượng cao cũng được hình thành, với sự kết nối linh hoạt giữa đường sắt, các điểm trung chuyển xe buýt, chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhà ở, khách sạn và văn phòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chìa khóa tạo lợi nhuận tỷ đô của tập đoàn tàu điện ngầm Hong Kong

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.