Theo dõi Báo Hànộimới trên

WEF ASEAN 2018: Củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam

Hoàng Khuê| 15/09/2018 06:37

(HNM) - Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Chính phủ Việt Nam đồng tổ chức đã thành công tốt đẹp; tạo khí thế, xung lực mới thúc đẩy hội nhập quốc tế, đồng thời góp phần khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp tích cực của Việt Nam trong khu vực.

Hội nghị WEF ASEAN diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018. Trong phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chào đón nồng nhiệt lãnh đạo các nền kinh tế thế giới và gần 1.000 đại biểu đến từ các tập đoàn đa quốc gia. (Ảnh: TTXVN)


Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Tổ chức WEF ASEAN 2018 Bùi Thanh Sơn:
Thành công toàn diện

Hội nghị WEF ASEAN 2018, do WEF và Chính phủ Việt Nam đồng tổ chức đã thành công toàn diện trên tất cả các mặt. Nội dung tuyên truyền, thông tin về hội nghị đã được đưa tới người dân, doanh nghiệp không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà cả thế giới. Công tác an ninh, lễ tân, y tế, hậu cần được bảo đảm tốt nhất để hội nghị diễn ra thành công.

Chủ tịch WEF Borge Brende:
Việt Nam có bước phát triển nhanh

WEF ASEAN 2018 là hội nghị hết sức có ý nghĩa. Tin tức ở khắp nơi trên thế giới cho thấy ASEAN là khu vực rất năng động và phát triển nhanh chóng. Đây cũng là nét đặc trưng hết sức khác biệt với các khu vực còn lại của thế giới. Việt Nam đã có những bước phát triển hết sức phi thường. Kể từ WEF Đông Á năm 2010 tại TP Hồ Chí Minh tới nay, GDP của Việt Nam đã tăng trưởng gấp đôi. Nếu như vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Việt Nam có khoảng 50% người dân sống trong cảnh nghèo thì giờ đây con số này chỉ còn chưa đến 5%. Hiện tại, một số lượng lớn các doanh nghiệp trên thế giới đang rất quan tâm tới cơ hội kinh doanh tại Việt Nam và coi đây là một điểm đến tuyệt vời. Tôi thực sự hài lòng về những thành tựu mà mối quan hệ hợp tác giữa WEF và Việt Nam đem lại, cũng như Hội nghị WEF ASEAN lần thứ 27 này. Xin trân trọng cảm ơn Ban Tổ chức phía Việt Nam đã phối hợp hết sức chặt chẽ và hiệu quả với WEF trong các hoạt động.

Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF Justin Wood:
Sức hút của thị trường Việt Nam

Thực tế cho thấy, sự căng thẳng đang gia tăng giữa một số cường quốc kinh tế lớn nhất đã gây ra những tác động tiêu cực với thương mại toàn cầu. Do đó, ASEAN cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn khi kinh tế đạt mức tăng trưởng hơn 7%/năm; dân số trẻ gần 100 triệu người; lạm phát thấp và ổn định trong khi mức nghèo đang giảm. Không những vậy, giá trị thương mại và xuất khẩu tăng, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam cũng tăng. Tất cả những điều này trở thành sức hút với các đối tác vào thị trường Việt Nam. Sau 8 năm, Việt Nam đã có một giai đoạn phát triển kinh tế đầy ấn tượng. Điều này phù hợp với quy mô Hội nghị WEF ASEAN mà WEF và Chính phủ Việt Nam tổ chức năm nay.

Tổng Giám đốc nhà nhập khẩu Audi Việt Nam Laurent Genet:
WEF ASEAN 2018 là một bước tiến lớn

Là một trong những nhà tài trợ đặc biệt của WEF, Audi Việt Nam hết sức ấn tượng với quá trình phát triển kể từ khi Diễn đàn lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Trao đổi với Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch sáng lập WEF về vấn đề này, chúng tôi nhận thấy điểm nổi bật của sự kiện WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội nằm ở tầm nhìn xa và tư duy mạnh mẽ đối với mục tiêu hướng tới Cách mạng công nghiệp 4.0. Sự tham dự đông đảo của các Nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng và các Bộ trưởng Ngoại giao, cùng các nhà hoạch định chính sách từ các nước châu Á cho thấy WEF ASEAN 2018 là một bước tiến lớn. Việt Nam đã khẳng định được vai trò của mình trong việc thúc đẩy phát triển hợp tác khu vực, cũng như khát vọng đổi mới và tinh thần kinh doanh của thế hệ trẻ.

Giám đốc điều hành Tổ chức Plan International Anne-Birgitte Albrectsen:
Nhiều vấn đề được thảo luận cởi mở

Các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn lần này đã đem tới cơ hội thảo luận một cách cởi mở về nhiều vấn đề mà Chính phủ các quốc gia ASEAN quan tâm, đặc biệt là sự bao trùm về nội dung của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những nội dung thiết thực như: Rủi ro liên quan đến tin giả khiến hệ thống thông tin báo chí chính thống bị ảnh hưởng, nạn quấy rối tình dục nơi công sở, tạo điều kiện bình đẳng giới cho phụ nữ… đã được thảo luận nhằm đưa ra biện pháp giải quyết.

Giám đốc quản lý toàn cầu Công ty Tư vấn McKinsey Kevin Sneader:
Hướng tới một tương lai lạc quan

Diễn đàn lần này đã tạo cơ hội cho các cuộc tiếp xúc, trao đổi, tập hợp được nhiều ý kiến để cùng bàn thảo hướng tới một tương lai lạc quan hơn cho ASEAN. ASEAN là khu vực đang thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư từ các quốc gia phát triển, nhưng sự cạnh tranh từ những thị trường mới nổi cũng có tác động rõ rệt đòi hỏi ASEAN cần sớm thích nghi để "chống chọi" tốt hơn với thách thức. Hội nghị lần này chính là cơ hội để các quốc gia ASEAN hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về những biện pháp giải quyết các vấn đề như: Thâm hụt ngân sách, hỗ trợ thị trường nội địa, nạn đầu cơ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
WEF ASEAN 2018: Củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.