Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỷ niệm 42 năm Ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc: Thành viên tin cậy, có trách nhiệm

Thùy Dương| 20/09/2019 03:34

(HNM) - Hôm nay (20-9), Việt Nam kỷ niệm 42 năm Ngày gia nhập Liên hợp quốc, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh. Trong suốt 42 năm qua (20/9/1977 - 20/9/2019), mối quan hệ này không ngừng được củng cố, phát triển và Việt Nam luôn nỗ lực là một thành viên tin cậy, có trách nhiệm của Liên hợp quốc.

Cách đây hơn 70 năm, từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Liên hợp quốc. Tháng 1-1977, sau nhiều lần dùng quyền phủ quyết của Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an để ngăn cản Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, Mỹ đã đồng ý kết nạp Việt Nam là thành viên thứ 149 của tổ chức này.

Kể từ đó, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc không ngừng phát triển. Trong đó, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 32 (1977), Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh.

Cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện Dã chiến cấp hai tham gia lớp huấn luyện tiền triển khai tại Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Từ một đất nước nghèo nàn, lạc hậu sau chiến tranh, cùng với sự chung tay giúp đỡ, hỗ trợ của Liên hợp quốc và các nước bạn bè trên thế giới, Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Công cuộc đổi mới và chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ “sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy” giúp Việt Nam nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng quốc tế. Từ chỗ bị bao vây cấm vận kinh tế, chưa có tiếng nói trên các diễn đàn đa phương, Việt Nam đã có một vị thế quan trọng trên trường quốc tế. 

Không chỉ là thành viên tích cực trong nỗ lực chung tay xây dựng hòa bình, Việt Nam luôn đề cao sự cần thiết tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực…

Ghi nhận những đóng góp nhiều mặt của Việt Nam vào sự phát triển của Liên hợp quốc, các quốc gia thành viên đã nhiều lần bầu Việt Nam vào cơ chế lãnh đạo của nhiều cơ quan Liên hợp quốc như: Giữ chức Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1997, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực (FAO), Phó Chủ tịch Hội đồng Chấp hành tổ chức Chương trình Phát triển Liên hợp quốc/Quỹ Dân số Liên hợp quốc…

Đặc biệt, ngày 16-10-2007, với 183/190 phiếu ủng hộ, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009. Lần đầu tiên trên cương vị này, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực ngăn ngừa khủng hoảng, gìn giữ hòa bình, có những đề xuất quan trọng về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy quyền con người...

Tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam luôn cố gắng hoàn thành tốt trọng trách, chủ động đưa ra nhiều sáng kiến thiết thực. Việt Nam luôn ủng hộ các mục tiêu hàng đầu của Liên hợp quốc như duy trì hòa bình và an ninh, chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Để thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, tháng 6-2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Tính đến tháng 5-2019, Việt Nam đã cử 30 sĩ quan quân đội và 1 bệnh viện dã chiến cấp hai gồm 63 cán bộ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan).

Nhằm thúc đẩy Liên hợp quốc phát huy vai trò là một thể chế đa phương toàn cầu công bằng, hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng chung của nhân loại, Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và thực thi các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc. Trong năm 2017, Việt Nam là một trong 52 nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân và năm 2018 là nước thứ 10 phê chuẩn hiệp ước này.

42 năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực là một thành viên tin cậy, có trách nhiệm của Liên hợp quốc. Trên tinh thần chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam một lần nữa được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục 192/193 phiếu. Sự kiện này không chỉ đưa đối ngoại đa phương Việt Nam lên tầm cao mới mà còn khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta.

Với mong muốn thật sự trở thành “Đối tác vì hòa bình bền vững”, trong nhiệm kỳ hai năm sắp tới, Việt Nam sẽ có cơ hội chủ động đề xuất, thúc đẩy những sáng kiến nhằm góp phần duy trì hòa bình, an ninh phát triển và tiến bộ trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 42 năm Ngày Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc: Thành viên tin cậy, có trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.