Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cực nhọc nghề "cửu vạn" chợ Đồng Xuân

Thanh Dung| 16/04/2018 21:17

(HNMO) -


Chợ Đồng Xuân được xây dựng từ năm 1889, là khu chợ lớn nhất Hà Nội từ xưa tới nay. Nằm ở vị trí cửa ngõ ra vào Thủ đô, chợ Đồng Xuân tấp nập người mua, kẻ bán và cả những người "cửu vạn". Chọn lựa công việc khó nhọc, vất vả, họ thường tự nhận mình là tầng lớp ở "đáy xã hội".

Người đàn ông  khuân bao hàng nặng khoảng gần 1 tạ di chuyển từ tầng 2 lên tầng 3 của khu chợ.

Đối với những bao hàng lớn, người làm "cửu vạn| sử dụng những xe đẩy hàng để có thể vận chuyển dễ dàng hơn.


Những người làm "cửu vạn" ở chợ Đồng Xuân hiện nay hầu hết đều thuộc sự quản lý của Công ty cổ phần Đồng Xuân. Ngoài những người  làm trong dịch vụ vận chuyển của chợ thì còn một số tự do hoạt động. Họ chủ yếu là nữ giới có độ tuổi trung bình khoảng 40-60 tuổi, ban ngày làm ở chợ Đồng Xuân, đêm đến làm ở chợ đầu mối hoa quả Long Biên. Một ngày làm ở đây bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 4h30 chiều (giờ mở, đóng cửa chợ).

Với những quãng đường xa thì xe đẩy giúp họ bớt vất vả hơn.

Anh Mai Văn Hiệu sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, theo người nhà vào làm vận chuyển ở chợ Đồng Xuân đến nay đã được 5 năm.

Ngoài việc vận chuyển những chuyến hàng, họ còn phụ giúp các tiểu thương công việc như cuốn vải, sắp xếp hàng...


Những người làm dịch vụ vận chuyển cho công ty có thu nhập được tính bằng số ngày công mà họ đáp ứng trong một tháng, trung bình khoảng 5-6 triệu đồng. Những người làm tự do thì có thu nhập bấp bênh hơn, phụ thuộc vào nhu cầu và lượng hàng hóa của các tiểu thương trong chợ. Nếu một ngày làm việc liên tục sẽ được khoảng vài trăm nghìn đồng, tuy nhiên, cũng có những ngày không thu được đồng nào.

Những người gánh hàng ở chợ Đồng Xuân hầu hết là những "cửu vạn" tự do.

Những người phụ nữ "cửu vạn" trong lúc ngồi chờ việc.


Những người "cửu vạn" thường sống tập trung ở gần chợ, thuê trọ trong những căn nhà giá rẻ và cùng ở với nhau để giảm chi phí. Sống tạm bợ trong những nhà trọ cũ kĩ, ẩm thấp khiến họ chẳng thể có được những giờ nghỉ ngơi thỏa mái sau ngày dài làm việc vất vả. Số tiền ít ỏi kiếm được, họ đều dành dụm tiết kiệm gửi về cho gia đình ở quê. Bà Lê Thị Hường, quê ở Nam Định, chia sẻ: "Cả hai vợ chồng tôi đều lên Hà Nội làm "cửu vạn", dù cực nhọc nhưng cũng có đồng ra đồng vào, chứ ở quê thì còn nghèo khó hơn nhiều".

Một người làm nghề "cửu vạn" chỉ duy trì được khoảng 5-10 năm bởi tính chất công việc quá vất vả, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi ngày vận chuyển hàng chục tấn hàng bằng nhiều cách khác nhau khiến họ gặp các bệnh về xương, khớp và cơ. Anh Mai Văn Hiệu, quê ở Thanh Hóa, làm ở chợ Đồng Xuân được 5 năm, chia sẻ: "Nghề này cực lắm, muốn làm nhiều cũng không có đủ sức làm".

Không thể khuân vác nặng như nam giới, hầu hết "cửu vạn" nữ đều chọn cách gánh hàng bằng quang gánh, dây thừng.

Đôi chân thoăn thoắt lên xuống những bậc cầu thang.


Hà Nội là một trong những thành phố có tỷ lệ người lao động nhập cư cao nhất cả nước. Những "cửu vạn" ở chợ Đồng Xuân đều là lao động nhập cư từ các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Nam Định, Thanh Hóa...

Phút nghỉ ngơi ít ỏi của những nhân viên vận chuyển hàng chợ Đồng Xuân.

Giấc ngủ tranh thủ của những "cửu vạn" ở khu vực hành lang chợ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cực nhọc nghề "cửu vạn" chợ Đồng Xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.