Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý an toàn thực phẩm: Gắn trách nhiệm của người đứng đầu

Xuân Lộc| 19/07/2018 07:34

(HNM) - Theo UBND TP Hà Nội, trong quý II-2018, thành phố đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, nếu không gắn trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy và chính quyền; các cơ quan, đơn vị, địa phương thì mọi quyết tâm, nỗ lực đẩy lùi tình trạng mất an toàn thực phẩm sẽ chỉ là con số 0.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm thành phố kiểm tra tại siêu thị Fivimart (81 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân).


Vẫn thiếu người, thiếu trình độ

Xác định rõ, việc bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo, điều hành, TP Hà Nội đã nhanh chóng kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm, phân công, phân cấp quản lý rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả. Mặt khác, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong bảo đảm an toàn thực phẩm, chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tại các quận, huyện, thị xã, chủ tịch UBND trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm của địa phương; chủ động tổ chức lực lượng, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn tại các xã, phường, thị trấn, hằng tuần, chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND trực tiếp đi kiểm tra an toàn thực phẩm.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tuyến quận, huyện, xã, phường đã kiểm tra được hơn 32.000 cơ sở thực phẩm, tuyến thành phố kiểm tra 247 cơ sở. Qua đó, tiến hành xử phạt 1.578 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 4,4 tỷ đồng và tiêu hủy sản phẩm của 213 cơ sở.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đánh giá, công tác thanh tra, kiểm tra đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, ý thức vệ sinh môi trường, vệ sinh ngoại cảnh khu vực kinh doanh cũng tốt hơn. Cùng với đó, thành phố không ngừng mở rộng kênh phân phối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn thông qua siêu thị, cửa hàng tiện ích phủ khắp khu vực nội thành và phát triển ra ngoại thành...

Dù vậy, trong quá trình thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg, Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn. Số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ không có giấy phép kinh doanh tại tuyến xã còn nhiều và phần lớn chưa đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại, không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản xuất nông nghiệp thì manh mún, phân tán và áp lực của việc nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng đã làm tăng việc sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, nuôi trồng.

Trong khi đó, số lượng cơ sở áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến: GMP, SSOP, HACCP... còn ít. Bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ngành Nông nghiệp, Công Thương tại các quận, huyện, xã, phường còn thiếu. Trình độ quản lý về an toàn thực phẩm còn hạn chế, chưa có chuyên trách về công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản.

Còn ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, một bộ phận người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, chưa phản ánh với cơ quan quản lý và tẩy chay các cơ sở thực phẩm không an toàn. Đặc biệt, đa số người tiêu dùng chưa biết hoặc không thường xuyên sử dụng công nghệ thông tin như điện thoại thông minh để kiểm chứng nguồn gốc thực phẩm, nên việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm còn hạn chế.

Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước

Theo Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, thực tế cho thấy, ở đơn vị nào có sự tham gia quyết liệt của người đứng đầu thì ở đó công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đạt kết quả cao. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố đặt ra trong thời gian tới, đó là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm của chính quyền các địa phương, nhất là đối với cấp quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền cho biết thêm, thành phố sẽ đẩy mạnh phối hợp liên ngành; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, giám sát hậu kiểm việc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đặc biệt, siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất sử dụng trong nông nghiệp như: Hóa chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm rau, củ, quả; chất kháng sinh và chất cấm tăng trưởng trong sản phẩm thủy sản, gia súc, gia cầm…

Cùng với việc tăng cường năng lực quản lý, ông Trần Văn Chung cho biết, thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin kịp thời về thực trạng an toàn thực phẩm, khuyến khích cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, công khai các cơ sở vi phạm trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Ngoài ra, thành phố phát triển mạnh các vùng rau an toàn, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, quản lý các chợ, siêu thị; xây dựng, nâng cấp cơ sở kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm..., góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân Thủ đô.

Hiện tại, số nhân lực làm công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố có khoảng 12.000 người, nhưng chỉ có khoảng 280 cán bộ chuyên trách an toàn thực phẩm, còn lại là cán bộ kiêm nhiệm, tham gia vào công tác an toàn thực phẩm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý an toàn thực phẩm: Gắn trách nhiệm của người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.