Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh viện Tim Hà Nội: Điểm sáng của ngành Y tế Thủ đô

Xuân Lộc| 16/08/2019 08:35

(HNM) - Là một bệnh viện của thành phố, lại ở vị trí cách không xa so với Viện Tim mạch quốc gia và nhiều trung tâm tim mạch hiện đại của các bệnh viện trung ương khác, song nhờ hướng đi đúng đắn và táo bạo, Bệnh viện Tim Hà Nội ngày càng phát triển vững mạnh, trở thành điểm sáng của ngành Y tế Thủ đô. Đây cũng là một trong hai bệnh viện của ngành Y tế Hà Nội được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối, với nhiều kỹ thuật về tim mạch sánh ngang tầm khu vực và thế giới.

Từ những nỗ lực không ngừng...

Vừa đặt chân đến Hà Nội trong chuyến du lịch cùng người thân, người đàn ông 79 tuổi, quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc) bỗng nhiên xuất hiện cơn đau ngực dữ dội. Bệnh nhân nhanh chóng được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Tại đây, khi các bác sĩ đang làm xét nghiệm để chẩn đoán, bệnh nhân đột ngột ngừng tim, hình ảnh siêu âm cho thấy, có nhiều máu trong màng tim, dấu hiệu điển hình của vỡ tim do nhồi máu cơ tim, cơ hội sống chỉ còn chưa đến 1%. Ngay lập tức, đội ngũ bác sĩ phẫu thuật, gây mê được huy động, vừa hồi sức ép tim, vừa chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, đồng thời cho mở ngực để vá lại chỗ vỡ...

Theo dõi kết quả điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt

Bác sĩ Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Tim Hà Nội nhớ lại, thời điểm đó, các bác sĩ phải chạy đua từng giây để cứu bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản, thoát thở máy và sức khỏe cải thiện rất tốt. Từ Đài Loan đến thăm bệnh nhân, gia đình ông vô cùng ngạc nhiên khi biết, bệnh nhân được cứu sống khi tim đã ngừng đập. Đây cũng là thành công hiếm gặp ngay cả trên thế giới.

Không chỉ với các trường hợp cấp cứu, những trường hợp đến khám tim mạch định kỳ, bệnh nhân đều được khám tổng thể sức khỏe, như: Kiểm tra huyết áp, xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang… Nếu bệnh nhân huyết áp quá cao, bác sĩ sẽ chỉ định chuyển sang phòng cấp cứu điều trị kịp thời. Tại các chuyên khoa, phòng nào cũng sạch sẽ, yên tĩnh, bác sĩ ân cần hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân, đọc kỹ các kết quả xét nghiệm để kê đơn cấp thuốc… Thậm chí, có những người bệnh khi ra viện đã được bệnh viện tặng cuốn sách “Tự sự của trái tim” của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội...

Với tôn chỉ và mục tiêu “Vì một trái tim khỏe”, sau 15 năm hoạt động và phát triển, bệnh viện đã phẫu thuật được hầu hết các bệnh lý tim mạch bẩm sinh và mắc phải phức tạp, trong đó có những kỹ thuật mà cả nước chỉ có một số trung tâm thực hiện được, nhiều kỹ thuật đã đạt tầm thế giới. Nhờ đó, số lượng bệnh nhân đến với bệnh viện ngày càng tăng lên. Nếu như năm 2005, bệnh viện mới tiếp nhận 11.370 lượt bệnh nhân đến khám, thì đến năm 2018 đã tăng lên gần 355.000 lượt bệnh nhân (gấp 30,4 lần) và số người điều trị nội trú cũng tăng gấp 13,6 lần so với trước… Đặc biệt, quy mô giường bệnh cũng tăng nhanh, từ chỗ chỉ có 15 giường bệnh, đến nay, Bệnh viện Tim Hà Nội đã tăng lên 380 giường (gấp 7,6 lần), với 5 mũi nhọn chuyên môn, gồm: Phẫu thuật tim mạch, can thiệp tim mạch, tim mạch nội khoa, tim mạch nhi khoa và tim mạch chuyển hóa. 

... Đến những khát vọng vươn xa

Chỉ có chuyên môn tốt chưa chắc đã thu hút được bệnh nhân, mà cần thêm một yếu tố quan trọng, đó là thái độ phục vụ của y, bác sĩ, nhân viên y tế. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, bệnh viện đang hoạt động hiệu quả theo cơ chế tự chủ tài chính, với phương châm 3H (Head, Hand, Heart - tức là làm việc với trí tuệ, kỹ năng và cái tâm) và 3 TH (bệnh viện thân thiện, dịch vụ thuận tiện, nhân viên thanh lịch) của các y, bác sĩ dành cho người bệnh.

“Một lúc phải đi nhiều con đường, cả về nhân lực, trang thiết bị và thương hiệu, hành vi ứng xử đồng bộ mới tạo ra thành công trong quá trình phát triển. Đó là chiến lược phát triển của chúng tôi. Đặc biệt, tại Bệnh viện Tim Hà Nội hoàn toàn không có chuyện nhân viên y tế đòi hỏi “phong bì” của người bệnh. Bất kỳ trường hợp nào được phát hiện sẽ lập tức bị buộc thôi việc”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn khẳng định.

Để tăng cường công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển hoạt động sự nghiệp, khai thác nguồn thu, tăng thu, tiết kiệm chi, bệnh viện đã xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ. Những ngày đầu thành lập, giá trị tài sản của bệnh viện chỉ khoảng 50 tỷ đồng, nguồn thu dịch vụ y tế cả năm 2005 là 22,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên là 1,34 triệu đồng/người/tháng. Đến nay, sau 15 năm hoạt động, nguồn thu của bệnh viện đã đạt 1.139 tỷ đồng (tăng gấp 50 lần), thu nhập bình quân của cán bộ, nhân viên là 24,3 triệu đồng/người/tháng (gấp 18,1 lần). Theo bà Vũ Quỳnh Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, nhờ thu nhập ổn định, bảo đảm đời sống, cán bộ nhân viên đã yên tâm công tác. Bệnh viện cũng chủ động trong công tác thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sâu, được đào tạo bài bản về làm việc.

Không dừng lại ở đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tuấn luôn tâm niệm, nếu không có các kỹ thuật mũi nhọn, thế giới sẽ không biết đến nền y khoa Việt Nam. Đây cũng chính là chiếc cầu nối giúp người bệnh tiếp cận các kỹ thuật can thiệp hiện đại trên thế giới ngay tại quê nhà với chi phí thấp hơn, không phải tốn kém đi ra nước ngoài chữa bệnh. Chính vì vậy, thời gian tới, bệnh viện tiếp tục đa dạng hóa các dịch vụ khám bệnh, tập trung nghiên cứu, triển khai các kỹ thuật khám, chữa bệnh tim mạch chuyên sâu trong lĩnh vực phẫu thuật, can thiệp tim mạch, cấp cứu, gây mê hồi sức... Cùng với đó là phấn đấu mỗi năm có 5-10 kỹ thuật mới được áp dụng tại bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh viện Tim Hà Nội: Điểm sáng của ngành Y tế Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.