Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường hậu kiểm các nhà thuốc kết nối mạng: Tránh triển khai đối phó

Thu Trang| 16/09/2019 08:28

(HNM) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có 100% nhà thuốc và 95% quầy thuốc đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông việc cung ứng thuốc. Dù tiến độ kết nối liên thông đã đạt được yêu cầu đề ra, song để tránh tình trạng triển khai đối phó, Sở Y tế Hà Nội đang tăng cường hậu kiểm các nhà thuốc, quầy thuốc.

Người dân mua thuốc trên phố Ngọc Khánh (Hà Nội). Ảnh: Mạnh Hùng

Vẫn còn nhà thuốc lúng túng

Nếu như đầu tháng 3-2019, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là một trong 2 bệnh viện của thành phố chưa thực hiện kết nối liên thông các nhà thuốc, thì đến cuối tháng 8-2019, bệnh viện đã triển khai có hiệu quả chủ trương này. Ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, việc kết nối đã được liên thông từ bác sĩ kê đơn thuốc, nhà thuốc của bệnh viện cho đến Trung tâm Quản lý dược quốc gia. Nhờ có phần mềm quản lý, kết nối mạng, nên việc quản lý số lượng, chất lượng thuốc trong bệnh viện cũng dễ dàng và linh hoạt hơn. Lãnh đạo bệnh viện biết được thuốc nào đang được lưu hành, thuốc nào bị đình chỉ, thuốc nào chuẩn bị hết hạn, thuốc nào cần có cảnh báo với bác sĩ khi chỉ định dùng cho người bệnh…

Tương tự, từ cuối năm 2018, 4 nhà thuốc của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thực hiện việc kết nối liên thông. Theo ông Hà Quang Tuyến, Phụ trách Khoa Dược (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), ban đầu triển khai, bệnh viện cũng gặp một số khó khăn, do phần mềm quản lý chung của bệnh viện và phần mềm quản lý nhà thuốc chưa tương thích. Vừa làm, vừa khắc phục, hiện các nhà thuốc của bệnh viện đã triển khai rất tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin. “Nhờ việc kết nối, các văn bản của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội về chất lượng thuốc, việc đình chỉ lưu hành hay thu hồi thuốc được chuyển đến các nhà thuốc nhanh hơn so với gửi theo đường công văn truyền thống. Mặt khác, khi có thuốc thu hồi hoặc nghi ngờ về chất lượng có thể xem được lịch sử sử dụng thuốc, thuốc còn tồn ở các nhà thuốc để giám sát…”, ông Hà Quang Tuyến cho biết thêm.

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết tháng 8-2019, trên địa bàn thành phố có 6.904 cơ sở cung ứng thuốc, trong đó có 1.129 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu thuốc; 3.501 nhà thuốc và 2.274 quầy thuốc. Hiện tại, 100% nhà thuốc và 95% quầy thuốc trên địa bàn Hà Nội đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối liên thông việc cung ứng thuốc theo Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 23-8-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý, kết nối các cơ sở cung ứng thuốc.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn có đơn vị đã kết nối liên thông, nhưng chưa cập nhật đầy đủ, thường xuyên dữ liệu hoạt động quản lý kinh doanh thuốc, nên không tránh khỏi việc triển khai mang tính đối phó. Tình trạng này có thể thấy rõ tại nhà thuốc của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc - một trong những đơn vị triển khai khá sớm việc kết nối liên thông cung ứng thuốc. Cụ thể, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện nhà thuốc của bệnh viện vi phạm việc cập nhật dữ liệu thuốc. Nhà thuốc mới thực hiện kết nối, cập nhật dữ liệu của 292/401 danh mục thuốc (chiếm hơn 72%). Ngoài ra, nhà thuốc chưa cập nhật thông báo thu hồi, tiêu hủy các loại thuốc kém chất lượng và chưa cập nhật thuốc tồn kho.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác thành phố triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, nêu thực tế, việc kết nối mạng chung theo chuẩn của Bộ Y tế đòi hỏi nhân lực phải có kỹ năng, trang thiết bị đồng bộ cùng đường truyền tốt hơn, khiến không ít nhà thuốc gặp lúng túng.

Tăng cường hậu kiểm

Ông Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằng, kết nối liên thông các nhà thuốc là một chủ trương lớn có lợi cho người dân và việc quản lý thuốc của bệnh viện. Nếu như tất cả các bệnh viện làm nghiêm túc điều này, các đơn thuốc của bác sĩ kê ra đều được kiểm soát một cách chặt chẽ. Còn tất cả những thuốc ở nhà thuốc, quầy thuốc có kết nối mạng được khẳng định về chất lượng, vì đều nằm trong danh mục được Bộ Y tế kiểm tra, kiểm soát và cho phép lưu hành.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội kiểm tra việc kết nối mạng tại nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc. Ảnh: Xuân Lộc

Còn theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), khi 100% nhà thuốc kết nối mạng, người dân sẽ dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc, như: Nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng. Người dân cũng có thể so sánh giá thuốc, qua việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại hoặc tra cứu thông tin trên website như các loại hàng hóa thông thường khác. Ngoài ra, khi kết nối mạng giữa các nhà thuốc trên toàn quốc được hoàn tất, các cơ sở kinh doanh thuốc có công cụ quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh: Quản lý bán hàng, kho, hóa đơn điện tử, kiểm soát hạn dùng thuốc, cảnh báo thuốc sắp hết hạn, thuốc bị thu hồi.

Để triển khai hiệu quả việc kết nối, cùng với khắc phục những hạn chế về nhân lực và trang thiết bị, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng của thành phố đang tăng cường việc hậu kiểm các nhà thuốc, quầy thuốc kết nối mạng xem họ triển khai trên thực tế như thế nào, tránh tình trạng thực hiện đối phó.

"Trong quá trình hậu kiểm, với những nhà thuốc, quầy thuốc cố tình không chấp hành quy định, chúng tôi kiên quyết đóng cửa, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Thành phố cũng sẽ tổ chức họp đánh giá, rút kinh nghiệm những gì đạt được, những gì còn tồn tại để trong năm 2019, 100% nhà thuốc, quầy thuốc đều được kết nối và ứng dụng cập nhật đầy đủ dữ liệu kinh doanh thuốc. Từ đó, tạo sự liên thông, quản lý tốt việc cung ứng thuốc trên địa bàn thành phố", ông Trần Văn Chung nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường hậu kiểm các nhà thuốc kết nối mạng: Tránh triển khai đối phó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.