Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Người mẹ thứ hai” của những trẻ sơ sinh

Thu Trang| 14/10/2019 07:22

(HNM) - Một ngày 24 giờ là quá ít ỏi với người phụ nữ này. Không chỉ miệt mài ngày đêm giành giật sự sống cho những trẻ sơ sinh không may mắc bệnh, bác sĩ Vũ Thị Thu Nga, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) còn hết lòng chăm sóc người chồng đang mắc bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng, dù ở cương vị nào, nữ bác sĩ được mọi người quen gọi là “người mẹ thứ hai” của trẻ sơ sinh đều làm tròn vai.

Thầm lặng chắt chiu từng mầm sống...

Hiền lành, dễ mến - đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi tiếp xúc với bác sĩ Vũ Thị Thu Nga. Lời đầu tiên, bác sĩ xin lỗi vì cuộc gặp với chúng tôi không diễn ra theo đúng lịch hẹn. Nhìn ánh mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, mái tóc buộc vội, đôi bàn tay thoăn thoắt lật giở hồ sơ từng bệnh án, dặn dò điều dưỡng viên lưu ý đến những trẻ sơ sinh mới vào khoa… tôi đã phần nào hiểu được sự bận rộn, vất vả của chị.

Sinh ra ở tỉnh Thái Nguyên, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, bác sĩ Vũ Thị Thu Nga thi đỗ vào ngành Y. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa cùng bằng chuyên khoa sơ bộ về nhi khoa, bác sĩ Nga về công tác tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.

Không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ chuyên môn, bác sĩ Nga đã hoàn thành khóa học cao học nhi khoa, rồi sau đó là khóa đào tạo bác sĩ chuyên khoa II chuyên ngành Nhi - Sơ sinh tại Trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi học xong, bác sĩ Nga được lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tin tưởng giao phó việc mở rộng và phát triển đơn nguyên sơ sinh.

Bác sĩ Vũ Thị Thu Nga, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tận tình chăm sóc trẻ sơ sinh. Ảnh: Trang Thu

Bác sĩ Nga kể: "Thời điểm đó, nhân lực không đủ nên chúng tôi chỉ dám nhận khám cho 50% trẻ được sinh ra tại bệnh viện này, đó là những trẻ có nguy cơ mắc bệnh và những trẻ đẻ mổ. Sau 2 năm, đơn nguyên sơ sinh dần lớn mạnh và bệnh viện đã mạnh dạn tách riêng thành Khoa Sơ sinh. Đến nay, sau 5 năm thành lập, Khoa Sơ sinh đã khám cho 100% trẻ sinh ra tại đây với nhiều bệnh như: Suy hô hấp nặng phải thở máy, nhiễm khuẩn sơ sinh, nhiễm khuẩn huyết, vàng da… Thậm chí, tại đây đã nuôi được những trẻ đẻ non, có cân nặng chỉ từ 1,3kg. Đặc biệt, khoa còn khám sàng lọc phát hiện bệnh lý sau sinh cho trẻ như: Đo thính lực, siêu âm tim sàng lọc dị tật bẩm sinh của tim, sàng lọc lấy máu gót chân xác định các bệnh về rối loạn chuyển hóa…".

Nghề y vất vả, đòi hỏi sự hy sinh, nhưng riêng với chuyên ngành Sơ sinh lại đặc thù hơn. Chăm sóc, điều trị các trẻ sơ sinh mắc bệnh hay sinh non là một cuộc chiến thầm lặng đòi hỏi sự cố gắng, kiên nhẫn, bền bỉ của các bác sĩ, điều dưỡng. Cùng lúc, các y, bác sĩ phải theo dõi, chăm sóc, lắng nghe sự sống của hàng trăm đứa trẻ, trong đó có những trẻ sinh non, nhẹ cân với nhiều bệnh lý hiểm nghèo.

"Không chỉ theo dõi từng nhịp thở, nhịp tim trên máy móc mà chúng tôi còn phải liên tục “lượn” quanh các con, thậm chí kê ghế ngồi cạnh lồng kính, quan sát từng nét nhăn mặt, từng cái cựa mình, gồng bụng hay tình trạng nôn trớ để biết con bị làm sao còn kịp thời điều chỉnh. 24/24 giờ đều giờ như thế" - bác sĩ Nga chia sẻ.

“Có đêm, dù không phải ca trực nhưng đến 3h sáng, một bé sơ sinh diễn biến nặng, các bác sĩ lại gọi tôi vào bệnh viện để hỗ trợ. Hôm đó, trời tối đen, lại mưa như trút nước nhưng tôi vẫn cố lao nhanh đến bệnh viện. Có hôm, mâm cơm vừa dọn ra, nhận được điện thoại từ bệnh viện, tôi lại lập tức lao đến viện... Xong việc, trở về nhà mọi người đã đi ngủ, tôi lại ngồi ăn cơm một mình. Hằng ngày, nhìn các bé nằm trong lồng ấp xanh xao, yếu ớt và ngoài kia là những ánh mắt đau đáu lo âu của người thân các bé, chúng tôi biết mình phải cố gắng rất nhiều, chắt chiu từng mầm sống” - đó là lý do vì sao bác sĩ Nga gắn bó với Khoa Sơ sinh như ngôi nhà thứ hai của mình.

Tâm thiện của người thầy thuốc

Dù cuộc sống gia đình rất vất vả, chồng bị suy thận đến nay là năm thứ 10 nhưng bác sĩ Vũ Thị Thu Nga luôn có một tinh thần lạc quan và nghị lực phi thường.

"Khi chồng tôi phát hiện bị bệnh cũng là lúc bệnh tình đã bước sang giai đoạn nặng. Sau 5 năm điều trị, cuối cùng chồng tôi phải chạy thận nhân tạo. Tháng 12 năm ngoái, chồng tôi được ghép thận để duy trì sự sống. Sau ca ghép thận, sức khỏe của anh tiến triển rất tốt. Tuy nhiên, 10 tháng sau khi được ghép thận, chồng tôi bị nhiễm bệnh viêm phổi và phải nằm điều trị tại bệnh viện 3 tháng liền. Cuộc chiến của chúng tôi với bệnh tật lại tiếp tục bắt đầu", bác sĩ Nga tâm sự.

Nói về người đồng nghiệp cũng là người thầy dìu dắt mình trong công việc, Điều dưỡng trưởng của Khoa Sơ sinh Phan Thị Loan cho biết, dù cuộc sống vất vả nhưng chị Nga luôn là người tận tâm, có trách nhiệm với công việc. Những ngày chăm chồng sốt cao trong bệnh viện, dù cả đêm không ngủ nhưng sáng sớm hôm sau, mọi người vẫn thấy chị đến từng lồng ấp, kiểm tra sức khỏe của từng trẻ sơ sinh.

Thậm chí, dù rất bận rộn nhưng chị vẫn cố gắng dành quỹ thời gian ít ỏi còn lại để truyền đạt kiến thức, “cầm tay chỉ việc” cho những cán bộ trẻ tại khoa. Đặc biệt, từ tháng 5-2018 đến nay, tại Khoa Sơ sinh có 4 trẻ bị mẹ bỏ rơi. Cùng với các nhân viên y tế nơi đây, chị Nga kiêm thêm nhiệm vụ làm “mẹ” của các bé trong khoảng thời gian các cháu bị bỏ rơi ở bệnh viện.

Sau khi tìm được người thân cho các bé, bác sĩ Nga đã khuyên nhủ mẹ các bé vượt qua khó khăn, quay trở lại bệnh viện đón con. Vừa là một bác sĩ, lại là một người mẹ, chị hiểu hơn ai hết trẻ sơ sinh rất cần bàn tay ấm áp, tình yêu thương của người thân để phát triển cả về thể chất và tinh thần.

Thế nhưng, với hai bé Trần Việt Anh (đẻ non, cân nặng 1,4kg bị suy hô hấp sau sinh, viêm phổi nặng) và bé Vương Thu Thảo (suy hô hấp sau sinh), sau khi không tìm được người thân, bác sĩ Vũ Thị Thu Nga đã động viên đồng nghiệp nỗ lực điều trị bệnh, chăm sóc chu đáo cho các bé.

Hằng ngày, chị và các đồng nghiệp phải xuống Khoa Sản xin sữa non của những sản phụ mới sinh cho các bé. Sau gần 2 tháng điều trị tích cực tại bệnh viện, sức khỏe của hai bé hồi phục nhanh, tăng cân và phát triển tốt.

Hiện tại, Việt Anh và Thu Thảo đã được hai gia đình có tâm nguyện nuôi dưỡng, được sống trong tổ ấm mới của mình bên vòng tay yêu thương của bố mẹ nuôi. “Làm việc tại Khoa Sơ sinh, chúng tôi luôn lấy sức khỏe, tiếng cười của các bé là niềm vui, động lực để cố gắng mỗi ngày. Khi các bé khỏe mạnh, được xuất viện trở về với vòng tay của mẹ chính là một phần thưởng vô giá với chúng tôi”, bác sĩ Nga nói.

Năm 2018, bác sĩ Vũ Thị Thu Nga vinh dự được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố. Thế nhưng, với người bác sĩ giản dị ấy, làm việc thiện không phải để khẳng định mình hay để nổi bật hơn người khác mà chỉ đơn giản là được mở rộng vòng tay giúp đỡ bệnh nhân nghèo, hay những trẻ em bị bỏ rơi... Nghề y cần lắm những người có tâm thiện như thế!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Người mẹ thứ hai” của những trẻ sơ sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.