Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ “đi chợ hộ”: Xu hướng mới của xã hội hiện đại

Khánh Linh| 17/05/2020 07:07

(HNNN) - Cách đây vài năm, Now và Vinmart đã nhanh tay mở dịch vụ “đi chợ hộ” với tên gọi Now Fresh và Scan&Go nhằm phục vụ chị em công sở, văn phòng... bận rộn không có thời gian đi chợ.

Khi dịch Covid-19 hoành hành, dịch vụ này càng “hot” và các doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội mở rộng quy mô. Với nhiều tiện ích đi kèm, trong tương lai, kể cả khi dịch qua đi, dịch vụ “đi chợ hộ” chắc chắn vẫn là xu hướng được ưa chuộng.

Cuộc đua của những thương hiệu lớn

Dịch vụ Now Fresh thuộc Công ty cổ phần Foody được triển khai từ sớm (năm 2018) và có quy mô, lượng đối tác khá lớn (537 địa điểm ở Hà Nội). Now Fresh hiện là một trong những dịch vụ “đi chợ hộ” thu hút sự chú ý của người dùng nhiều nhất nhờ một loạt ưu điểm “sáng giá” như: Dễ dàng đặt hàng, đa dạng gian hàng và sản phẩm, nhiều chương trình khuyến mãi...

Với Scan&Go, khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm ngay tại nhà thông qua cẩm nang mua sắm - Catalogue siêu thị VinMart 4.0, quét mã vạch các mặt hàng mình muốn mua và thanh toán; nhân viên siêu thị gần nhất sẽ giao hàng đến tận tay. Bên cạnh đó, khách hàng còn có thể quét mã vạch sản phẩm ngay tại các “siêu thị dán tường” của VinMart. Đó là các tấm áp phích in hình ảnh sản phẩm kèm mã QR được đặt tại các nơi công cộng như sảnh chung cư, trạm xe bus, cổng trường học... Do vậy, người tiêu dùng không cần phải tới siêu thị chọn hàng hay mang những món hàng lỉnh kỉnh đến quầy thanh toán và chờ đợi để tính tiền như trước kia.

Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam và đặc biệt là khi yêu cầu giãn cách xã hội có hiệu lực, dịch vụ “đi chợ hộ” được “để ý” nhiều hơn, các ứng dụng khác cũng nhân thời cơ này mở rộng thị phần. Đầu tiên là Grab với ứng dụng GrabMart. Với kinh nghiệm đã triển khai ứng dụng này trước đó tại các thị trường Thái Lan, Indonesia... trước khi vào Việt Nam, Grab nhanh chóng chiếm lợi thế tại thị trường trong nước. Về tổng thể, GrabMart vẫn dựa trên nền tảng mô hình kinh tế chia sẻ. Tham gia mô hình này, khách hàng muốn đặt hàng sẽ vào ứng dụng GrabMart, chọn cửa hàng, loại hàng hóa và nhấn nút đặt hàng. Ứng dụng sẽ lựa chọn ngẫu nhiên một phương tiện gần nhất. Khi đó, đối tác tài xế của GrabMart chỉ cần đến báo số đơn, nhận và giao hàng. Bên cạnh đó, Grab cũng chọn một chiến lược khôn ngoan là liên kết với các đối tác bán lẻ lớn như BigC, Co.op Mart bên cạnh các cửa hàng nhỏ lẻ. Việc liên kết với những “ông lớn” giúp GrabMart xây dựng một mạng lưới phủ khắp các khu vực dân cư quan trọng, thuận tiện cho việc đặt và giao hàng.

Với nhiều tiện ích đi kèm, dịch vụ “đi chợ hộ” đang trở thành xu hướng tiêu dùng được nhiều người ưa chuộng.

Cùng thời gian với GrabMart, ứng dụng Be cũng ra mắt tính năng “Be Đi chợ”. Khác với dịch vụ GrabMart, dịch vụ của Be được triển khai theo cách sau: Tài xế BeBike chính xác là người mua hộ đơn hàng sau khi khách hàng đã nhập đầy đủ thông tin từ địa chỉ cửa hàng đến các sản phẩm muốn mua. Không chờ đợi lâu, hệ thống siêu thị Vinmart nhanh tay ra mắt “đội quân đi chợ hộ” với cách mua hàng linh hoạt tại 3 kênh: Qua điện thoại, qua app và qua website. Theo đó, bên cạnh tính năng “đi chợ” qua App VinID trước đó, khách hàng có thêm sự lựa chọn khi có thể đặt hàng qua điện thoại hoặc truy cập vào website của Vinmart để đi chợ online. Tương tự, hệ thống siêu thị Big C mới đây đã triển khai dịch vụ đặt hàng qua điện thoại và nhận giao hàng miễn phí với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên, trong bán kính 10km. Tuy nhiên, Big C chỉ nhận giao hàng là thực phẩm khô, không nhận giao các mặt hàng tươi sống, sản phẩm đông lạnh và sản phẩm từ sữa...

Chị Nguyễn Hồng Nhung, nhân viên Ngân hàng HD Bank chia sẻ: “Do công việc phải đi sớm về muộn nên hai tháng nay tôi đã chọn dịch vụ “đi chợ hộ” và điện thoại của tôi giờ kín App của các hãng công nghệ như Now, Grap, Vinmart... Chỉ cần vào các App đó rồi chọn đồ, các shipper sẽ mang hàng đến tận nơi, rất tiện lợi”. Còn chị Hoàng Lan Hương (phố Hoàng Như Tiếp, quận Long Biên) cho biết: “Mùa hè, thời tiết nắng nóng, ra đường cứ như đứng trong chảo lửa, không khí lúc nào cũng ngột ngạt lại phải nhích từng mét một để đi chợ thì quả là nỗi ám ảnh. Thế nên, cứ đến mùa hè là tôi lại sử dụng dịch vụ đi chợ hộ. Tan sở, tôi chỉ việc đi thẳng về nhà chế biến thức ăn thôi”.

Bên cạnh đó, các ứng dụng công nghệ, dịch vụ “đi chợ hộ” còn có sự tham gia của hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm, hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch Tâm Đạt Hữu Cơ, Vicook... với nhiều cách thu hút khách hàng khác nhau như dịch vụ chọn box thực phẩm đã được sơ chế sẵn hoặc combo món đã được tẩm ướp sẵn... kèm theo menu hướng dẫn nấu, giúp cho việc nội trợ trở nên vô cùng đơn giản. Thời gian mua hàng và giao hàng cũng linh hoạt hơn. Khách hàng có thể chọn khung giờ giao hàng từ 7h30 đến 19h. Trong vòng chưa đến 2 giờ, nhân viên sẽ giao các món đã sơ chế sẵn để khách tự nấu.

Giám đốc điều hành Vicook Nguyễn Sơn Hoàng cho biết: “Chứng kiến sự vất cả của những phụ nữ trong gia đình như mẹ và chị vừa phải chăm sóc gia đình vừa phải lo toan công việc ngoài xã hội mà không có thời gian để nấu cho mình một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng, tôi quyết định thành lập Vicook để hỗ trợ họ phần nào. Vicook hiện tại là một “nhà bếp trực tuyến” đầu tiên tại Việt Nam, đưa ra danh sách thực đơn bữa ăn theo chế độ dinh dưỡng, tuyển chọn nguồn nguyên liệu an toàn, sơ chế sẵn sàng và giao đến tận nhà. Và người nấu ăn chỉ mất thêm 20 phút để tự tay mình hoàn thiện bữa ăn. Bên cạnh đó, thực đơn cũng được thay đổi liên tục để tránh nhàm chán và phù hợp với nhu cầu của từng người tiêu dùng. Với một xã hội đang phát triển như Việt Nam, áp lực lên đời sống đô thị ngày càng nhiều, tôi tin rằng dịch vụ của Vicook sẽ có ích”.

Xu hướng của tương lai

Như vậy, các dịch vụ ”đi chợ hộ” không chỉ được quan tâm trong thời gian xuất hiện dịch Covid-19 mà nhìn rộng ra, như Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan từng nhấn mạnh thì đây là thời điểm để thúc đẩy thương mại điện tử của Hà Nội tăng trưởng.

Có một điều dễ nhận thấy: Vì là những mô hình mới nên các ứng dụng đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Now Fresh, “lão làng” trong nghề “đi chợ hộ” đã được triển khai từ lâu, tuy nhiên hiện Now Fresh chỉ tập trung vào các loại thực phẩm, nước uống chứ không thể đặt các mặt hàng khác như đồ dùng trong nhà, đồ dùng cá nhân... GrabMart hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm nên ứng dụng vẫn còn nhiều nhược điểm như: Hệ thống điểm bán lẻ liên kết còn ít dẫn đến việc có những người dùng phải đặt giao hàng từ khoảng cách rất xa, phí ship còn cao, quy trình bồi hoàn còn nhiều hạn chế khi phải mang hàng trực tiếp đến các điểm hỗ trợ của Grab để xử lý... Còn dịch vụ “Be đi chợ”, với lợi thế có thể triển khai nhanh vì không cần liên kết với các cửa hàng, giờ đang lộ nhược điểm như việc người tiêu dùng mất rất nhiều thời gian để “gõ” đủ và đúng món cần mua vào ứng dụng, và khách hàng sẽ nhanh nản nếu muốn mua nhiều thứ cùng lúc...

Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, để duy trì bền vững dịch vụ “đi chợ hộ”, các đơn vị cung cấp cần có nguồn hàng tốt, sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và độ tươi ngon. Bên cạnh đó, cần rút kinh nghiệm, cải thiện dịch vụ từ chính những trải nghiệm, đánh giá của người tiêu dùng trong thời gian vừa qua như vấn đề thanh toán, chất lượng hàng hóa, phương thức giao hàng cần được nâng cao... Có như vậy, dịch vụ “đi chợ hộ” mới có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng, trở thành xu hướng mới trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ “đi chợ hộ”: Xu hướng mới của xã hội hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.