Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng phối hợp, rõ trách nhiệm các ngành, địa phương trong quản lý khai thác cát, sỏi

Đỗ Minh| 24/06/2018 07:10

(HNM) - Trước tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép trên sông và cửa biển diễn biến phức tạp, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung kiểm tra, xử lý; đặc biệt kiểm điểm, xử lý cả cá nhân, tổ chức ở địa phương để việc khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra kéo dài...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam Lại Hồng Thanh.


Nhiều địa phương chưa kiên quyết xử lý

- Thưa ông, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép đang diễn ra tại nhiều địa phương, gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn lúng túng. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

- Cát, sỏi lòng sông, lòng hồ (gọi chung là cát, sỏi) là khoáng sản rất phổ biến trên địa bàn cả nước. Đây là loại khoáng sản được khai thác với công nghệ đơn giản, thiết bị khai thác linh hoạt từ quy mô nhỏ (hộ gia đình) đến quy mô lớn - cơ giới hóa (do các doanh nghiệp thực hiện). Thực hiện thẩm quyền theo quy định tại Điều 82 Luật Khoáng sản năm 2010, đến nay, hầu hết UBND các tỉnh, thành phố cả nước đã lập quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông (hoặc lồng ghép trong quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) làm cơ sở cấp phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến đầu năm 2017, đã có 707 giấy phép thăm dò, 755 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được UBND 61 tỉnh, thành phố cấp phép, trong đó có 87 giấy phép khai thác cấp thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản với tổng trữ lượng cát, sỏi đã được 49/63 UBND tỉnh, thành phố phê duyệt là gần 700 triệu mét khối. Có thể nói, hầu hết hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông đã có giấy phép theo quy định với sản lượng khai thác hằng năm trung bình từ 70 đến 90 triệu mét khối, đáp ứng cơ bản nhu cầu sử dụng cát, sỏi làm vật liệu xây dựng và san lấp ở các địa phương…

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép vẫn còn diễn ra, nhất là hoạt động khai thác cát, sỏi không có giấy phép tại các khu vực giáp ranh địa giới hành chính của hai hay nhiều tỉnh. Theo thống kê, đến cuối năm 2017, khai thác cát, sỏi không có giấy phép vẫn còn diễn ra tại 20 tỉnh, thành phố.

- Ông có thể nói rõ hơn về những vi phạm nhức nhối thời gian qua?

- Các vi phạm trong khai thác cát, sỏi thời gian qua chủ yếu là hoạt động khai thác không có giấy phép. Nó gây bức xúc trong dư luận xã hội ở chỗ diễn ra công khai bất kể ngày - đêm, làm thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường; đặc biệt là nguyên nhân dẫn tới sạt lở bờ sông, làm mất đất canh tác của người dân. Hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép còn gây thất thu thuế, thất thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đồng thời gây mất trật tự, an ninh địa phương.

Dạng vi phạm thứ hai là các tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông nhưng hoạt động không đúng quy định ghi trong giấy phép, không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật... Đơn cử như, khai thác vượt quá độ sâu cho phép, khai thác không đúng vị trí được phép khai thác… gây tác động tới lòng, bờ, bãi sông, dòng chảy. Bên cạnh đó, hoạt động nạo vét, khơi thông luồng lạch thực hiện không đúng thiết kế; lợi dụng hoạt động nạo vét để khai thác cát, sỏi lòng sông… gây sạt lở bờ sông, cửa sông, cửa biển.

- Thực tế là đã có nhiều hội nghị được triển khai nhằm bàn giải pháp xử lý, song đến nay tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Có một số nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn diễn ra tại nhiều địa phương, đó là: Nhu cầu cát cho xây dựng cơ sở hạ tầng của các địa phương rất lớn; giá cả tăng rất cao, nhất là thời gian gần đây. Cùng với đó, công nghệ khai thác cát, sỏi lòng sông đơn giản, phương tiện khai thác cát, sỏi gọn nhẹ và linh hoạt; hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép diễn ra bất kể ngày - đêm, không theo quy luật, địa bàn cố định gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng. Đặc biệt, nhiều địa phương chưa kiên quyết xử lý người đứng đầu chính quyền cơ sở, nhất là cấp xã buông lỏng quản lý, thậm chí dung túng cho hoạt động khai thác trái phép; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh địa giới hành chính; xử lý chưa kiên quyết, đồng bộ và kịp thời đối với hành vi khai thác trái phép, nhất là đối với cát, sỏi lòng sông; chưa kiểm soát chặt chẽ bãi tập kết cát, sỏi…

Nghiên cứu quy định pháp lý bảo đảm hiệu lực, hiệu quả

- Quản lý khai thác cát, sỏi đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, địa phương rất chặt chẽ, ông có đề xuất gì để sự phối hợp này hiệu quả hơn, thưa ông?


- Quản lý cát, sỏi lòng sông có tính đặc thù. Ngoài những lý do như đã nêu trên thì quản lý cát, sỏi lòng sông còn liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của nhiều bộ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giao thông - Vận tải, NN&PTNT, Công an... Mặt khác, để ngăn chặn hiệu quả hoạt động khai thác cát, sỏi không có giấy phép, cần quản lý chặt chẽ, có hiệu quả đối với các hoạt động mua - bán, vận chuyển, tập kết cát, sỏi lòng sông. Điều này đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả của các lực lượng liên ngành như đã nêu trên.

Theo tôi, trong quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông, rất cần văn bản có hiệu lực pháp lý đủ để xác định, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương có liên quan và bảo đảm tính khả thi khi thực hiện. Theo đó, quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong quản lý cát, sỏi theo địa giới hành chính; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương có chung ranh giới là con sông. Trong đó, cần chú trọng các khâu: Quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác; phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thông qua quy chế phối hợp; quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành nêu trên trong xây dựng quy hoạch, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến cân đối cung - cầu cát, sỏi lòng sông; điều tra, đánh giá khoáng sản có thể sử dụng làm cát nhân tạo; phối hợp trong việc khơi thông dòng chảy, chỉnh trị dòng sông gắn với các hoạt động bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; khai thác cát, sỏi lòng sông và xử lý hành vi vi phạm trong khai thác cát, sỏi trái phép.

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông. Ông có thể giới thiệu thêm về những điểm mới trong dự thảo Nghị định này?


- Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, cơ chế, quy định nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với cát, sỏi lòng sông như: Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30-3-2015 về tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; bổ sung cụ thể trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29-11-2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản; bổ sung hành vi, tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép lên 2-3 lần trong Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3-4-2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.

Tuy nhiên, như đã nêu trên, việc quản lý cát, sỏi lòng sông cần có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương liên quan và cần được quy định trong văn bản có tính pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, quản lý toàn diện của Chính phủ. Do đó, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2017, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Nghị định quản lý cát, sỏi lòng sông để trình Chính phủ ban hành trong năm 2018. Nội dung chính của Nghị định là: Quy định quản lý thống nhất từ khâu điều tra, lập quy hoạch, cấp phép khai thác đến tập kết, mua bán, vận chuyển cát, sỏi; quản lý cát, sỏi lòng sông thông qua quy hoạch quản lý cát, sỏi theo lưu vực sông (là hợp phần của quy hoạch vùng liên quan); quy định trách nhiệm cụ thể đối với tổ chức, cá nhân thuộc các bộ, ngành liên quan và UBND các cấp trong bảo vệ lòng, bờ, bãi sông gắn với công tác quản lý cát, sỏi lòng sông.

- Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 4001/VPCP-NC ngày 2-5-2018 chỉ đạo xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác cát, sỏi, quản lý, bảo vệ rừng và quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Ông có thể cho biết giải pháp trước mắt là gì?

- Trước mắt, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại văn bản này. Đó là, công an các đơn vị, địa phương tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi; thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi tại các địa phương. Đối với địa bàn “nóng” thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, xử lý vi phạm.

Ngoài ra, một số địa phương để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép phức tạp, gây bức xúc dư luận kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan...

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị các ngành, địa phương nghiên cứu các vấn đề từ thực tiễn quản lý góp ý vào Dự thảo Nghị định quản lý cát, sỏi lòng sông. Ngoài ra, cát, sỏi tự nhiên là hữu hạn trong khi nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ liên quan trong xây dựng, nghiên cứu, sản xuất cát nhân tạo, vật liệu thay thế… nhằm giảm áp lực về nguồn cung và từng bước ổn định thị trường cát, sỏi…

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng phối hợp, rõ trách nhiệm các ngành, địa phương trong quản lý khai thác cát, sỏi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.