Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu phí phương tiện vào nội đô là nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường

Tuấn Lương| 11/11/2018 06:42

(HNM) - Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh chủ trương thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội vừa được Chính phủ đồng ý cho phép xây dựng đề án thực hiện.

Ông Vũ Văn Viện.


Vì lợi ích chung

- Ông có thể cho biết tại sao đề án thu phí vào nội đô Hà Nội phải xin ý kiến của Chính phủ?

- Như chúng ta đã biết, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND (ngày 4-7-2017) thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Nghị quyết cũng nêu rõ nhiều giải pháp đồng bộ để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu đề án đặt ra nhằm góp phần giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Một trong những giải pháp được đặt ra trong nghị quyết là bổ sung giải pháp thu phí các phương tiện giao thông đường bộ vào khu vực nội đô hay nói cụ thể hơn là vào các khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cao.

Mặc dù đã đưa vào nghị quyết từ giữa năm 2017, song đây là một trong những vấn đề mới mà theo Luật Phí, lệ phí đã được Quốc hội thông qua thì việc thu phí các phương tiện giao thông vào nội đô chưa nằm trong danh mục phí và lệ phí. Chính vì thế, HĐND thành phố đã có nghị quyết giao cho UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo. Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, Thủ tướng đã đồng ý để Hà Nội xây dựng đề án này. Thủ tướng sẽ xem xét việc trình Quốc hội để có thể bổ sung thu phí của các phương tiện giao thông vào nội đô ở các tỉnh, thành phố, không chỉ riêng Hà Nội.

- Như ông vừa nói, sẽ không chỉ có Hà Nội thực hiện thu phí phương tiện giao thông vào nội đô?

- Đúng vậy. Trong báo cáo thẩm định của Bộ Tài chính trình Thủ tướng và văn bản chỉ đạo của Thủ tướng cũng nói rất rõ là giao cho Hà Nội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố có những mục tiêu, yêu cầu chung (như TP Hồ Chí Minh) cùng nghiên cứu đề án này để trình Thủ tướng Chính phủ. UBND TP Hà Nội cũng đã giao cho Sở Giao thông - Vận tải chủ trì, xây dựng đề án này. Chúng tôi đã cùng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông - Vận tải) nghiên cứu kinh nghiệm từ các đô thị lớn của các nước trên thế giới.

Trên cơ sở đó, mục tiêu của đề án khẳng định rõ, đây là biện pháp về kinh tế để góp phần giảm ùn tắc giao thông cũng như giảm ô nhiễm môi trường. Thứ hai là góp phần phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân. Thứ ba là góp phần điều chỉnh thói quen sử dụng phương tiện giao thông cũng như lựa chọn những tuyến đường tham gia giao thông vừa phù hợp với yêu cầu cá nhân, nhưng đồng thời phù hợp với phương án tổ chức giao thông phục vụ lợi ích chung của thành phố. Đây chính là mục tiêu xuyên suốt mà chúng tôi xác định trong quá trình thực hiện đề án này.

Giao thông công cộng phát triển tương ứng

- Sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho Hà Nội lập đề án, xin ông cho biết những bước tiếp theo?

- Chúng tôi xác định, việc lập đề án phải bảo đảm 5 nguyên tắc. Một là, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu trong đề án về quản lý phương tiện giao thông đã được HĐND thành phố thông qua. Thứ hai, phải bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân, không chỉ người dân Thủ đô, mà của cả các tỉnh, thành phố khác. Về nguyên tắc, tất cả các loại xe khi đi vào khu vực thu phí thì đều phải thu phí, không phân biệt xe ngoại tỉnh, hay xe của Hà Nội. Thứ ba, việc thu phí phải bảo đảm tính khoa học, thực tiễn cũng như các điều kiện khả thi. Thứ tư, phải hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trong các khu vực chịu tác động. Thứ năm, có giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn khi tổ chức thu phí.

Trên cơ sở 5 nguyên tắc này, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cũng nghiên cứu một số nội dung mà đề án phải giải quyết. Một là, phạm vi, đối tượng thu phí. Thu phí ở khu vực nào, đối tượng thu phí là ai? Thứ hai, khi đã xác định được phạm vi, đối tượng, chúng ta phải phân vùng và tổ chức giao thông để bảo đảm cho những người không muốn trả phí vẫn có đường để đi. Tức là phải có phương án tổ chức kết nối giao thông hiệu quả để bảo đảm nhu cầu đi lại của nhân dân. Mức thu phí thế nào là vừa phải cũng cần được nghiên cứu cho phù hợp.

- Hà Nội sẽ chỉ thu phí với ô tô, hay cả với xe máy, thưa ông?


- Ở các nước trên thế giới, phương tiện cơ giới chủ yếu là ô tô. Nhưng, với Hà Nội, hiện nay Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND đặt ra là sẽ hạn chế xe máy và chấm dứt việc sử dụng xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030. Trong đề án cũng nói là sẽ mở rộng vùng hạn chế xe máy thì cũng không loại trừ trong quá trình nghiên cứu, các chuyên gia sẽ đề xuất thu phí xe máy. Một trong những nguyên tắc để bảo đảm việc thu phí và việc dừng hoạt động xe máy là phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Như vậy, việc phát triển giao thông công cộng cũng phải phát triển tương ứng để bất cứ người dân nào cũng có thể lựa chọn được phương tiện đi lại phù hợp phục vụ nhu cầu của mình.

Ứng dụng công nghệ thu phí tự động

- Xin ông cho biết rõ hơn về lộ trình thực hiện việc thu phí phương tiện giao thông vào nội đô?


- Hiện, đề cương xây dựng đề án đã được UBND thành phố phê duyệt. Chúng tôi sẽ lựa chọn những đơn vị tư vấn có kinh nghiệm của Bộ Giao thông - Vận tải cùng phối hợp với các chuyên gia để xây dựng đề án này. Hy vọng đề án này sẽ được trình HĐND thành phố trong năm 2019 và sau khi được thông qua, đề án sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh trình Chính phủ xem xét thông qua vào cuối năm 2019.

- Hình thức thu phí sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?


- Phương án thu phí sẽ học tập kinh nghiệm của Singapore. Nếu triển khai thu phí bằng thủ công sẽ gây ra ùn tắc. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chắc chắn phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để nhận biết được xe trong diện thu phí và ứng dụng các loại hình thu phí tự động để bảo đảm tính khả thi của đề án này cũng như hạn chế những tác động tiêu cực của việc thu phí đến việc ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ mà chúng ta tổ chức thu.

Trong nghị quyết đã nói, chúng ta tổ chức thu phí để bảo đảm mục tiêu nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Quá trình nghiên cứu sẽ cố gắng cụ thể hóa các tiêu chí này, nhưng mục tiêu của việc thu phí không phải nhằm gây khó khăn, hoặc nhằm tăng thu cho ngân sách, mà là biện pháp để người tham gia giao thông lựa chọn được tuyến đường đi hợp lý nhất để vừa bảo đảm nhu cầu đi lại, vừa bảo đảm yêu cầu tổ chức giao thông chung của thành phố.

- Hiện, các phương tiện đã phải nộp phí bảo vệ môi trường thông qua xăng dầu. Liệu việc thu phí phương tiện có dẫn tới phí chồng phí, thưa ông?


- Mỗi loại phí có một mục tiêu và nhu cầu khác nhau. Trong yêu cầu của Chính phủ và Bộ Tài chính nêu ra khi xây dựng đề án này là phải làm rõ mục tiêu thu phí. Như tôi đã nói mục tiêu chính là giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Đây là những vấn đề đang gây nên những quan ngại, bức xúc đối với mỗi đô thị. Trên thực tế, phí này như các mục tiêu đã trình bày ở trên thì sẽ không chồng lấn với các loại phí khác. Không giải quyết được các vấn đề về ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường sẽ gây thiệt hại rất lớn về thời gian, kinh tế cho mọi đối tượng khi tham gia giao thông.

Vì thế, mục tiêu của Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND đã khẳng định rõ là phải bảo đảm cho mọi người dân được đi lại thuận lợi cũng như góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho những khu vực mà chúng ta thấy có nguy cơ ô nhiễm cao của đô thị.

Phí ô nhiễm môi trường được thu trong xăng dầu và có nhiều đối tượng sử dụng xăng dầu khác nhau phải chịu loại phí này. Tuy nhiên, đối tượng chúng ta thu ở đây nằm trong khu vực hạn chế và có yêu cầu cao về bảo đảm mục tiêu chống ùn tắc giao thông là chủ yếu. Trên cơ sở đề nghị của thành phố, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính xem xét đưa ra một loại phí mới, đó là phụ thu phí khí thải đối với phương tiện giao thông.

Đối với các nước, phương tiện giao thông có mức độ ô nhiễm cao, thì càng phải thu phí cao để bảo đảm người tham gia giao thông phải cân nhắc lựa chọn sử dụng những phương tiện giao thông sạch, thông minh, qua đó hạn chế các phương tiện phát thải khí gây ô nhiễm.

- Làm sao bảo đảm thu và chi tiền thu phí minh bạch, thưa ông?

- Như trên tôi đã nói, phải tăng cường ứng dụng công nghệ thu phí tự động nhằm bảo đảm mọi khoản thu được minh bạch. Khi trình Chính phủ và Chính phủ trình Quốc hội cho phép thu khoản phí này thì chắc chắn Quốc hội sẽ phải ban hành quy định cho phép các tỉnh, thành phố được sử dụng nguồn thu vào mục đích gì. Việc này hoàn toàn tuân thủ theo các quy định về quản lý tài chính ngân sách. Như vậy tôi tin là sẽ bảo đảm công khai minh bạch.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thu phí phương tiện vào nội đô là nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.