Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo môi trường tốt cho người lao động

Minh Ngọc| 09/01/2019 06:59

(HNM) - Tổ chức của người lao động trong doanh nghiệp sẽ hoạt động như thế nào bên cạnh công đoàn là vấn đề nhận được sự quan tâm của đông đảo người lao động khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 30-12-2018.

CPTPP mang đến cho người lao động nhiều cơ hội và điều kiện làm việc tốt hơn. Ảnh: Nhật Nam


- Trước tiên, xin ông cho biết rõ hơn những cam kết liên quan đến tổ chức của người lao động trong doanh nghiệp khi thực hiện CPTPP?

- Khác với những hiệp định thương mại tự do được ký kết trước đó, CPTPP đưa ra và yêu cầu các nước thành viên cam kết thực hiện nhiều nội dung về lao động. Theo đó, các bên liên quan sẽ thông qua và duy trì những quyền lao động cơ bản như: Tự do liên kết và thương lượng tập thể, xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và mọi hình thức phân biệt đối xử trong lao động. Đáng chú ý, các quốc gia thành viên cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động. Chậm nhất từ 5 đến 7 năm, kể từ khi CPTPP có hiệu lực, các tổ chức của người lao động có thể gia nhập hoặc thành lập tổ chức ở cấp cao hơn. Để tạo điều kiện cho Việt Nam có sự chuẩn bị tốt nhất, các nước không áp dụng biện pháp đình chỉ ưu đãi thương mại trong thời gian 5 năm đầu, nếu nước ta vi phạm quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể. Sau khoảng thời gian này, các bên sẽ rà soát những vi phạm của Việt Nam (nếu có) về quyền tự do hiệp hội.

- Vậy tổ chức của người lao động sẽ hoạt động như thế nào, thưa ông?

- Tổ chức này chỉ ra đời trên cơ sở quan hệ lao động, thực hiện các quy định về quan hệ lao động. Phạm vi hoạt động là doanh nghiệp cụ thể, ở những vị trí địa lý cụ thể; không phải là tổ chức chính trị - xã hội, không được tham gia các hoạt động chính trị - xã hội. Nói cách khác, tổ chức của người lao động được thành lập tại các doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào việc chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động, giúp các mối quan hệ lao động tốt lên. Sau khi người lao động thành lập tổ chức đại diện, họ phải lựa chọn tự nguyện tham gia vào hệ thống công đoàn hiện nay hoặc đứng độc lập. Nếu đứng ngoài công đoàn, tổ chức độc lập cần làm thủ tục đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đáp ứng đủ các điều kiện theo luật định. Trong quá trình hoạt động, tổ chức này chỉ được phép đại diện cho người lao động bầu ra mình, tham gia đối thoại tại nơi làm việc, giải quyết tranh chấp lao động nếu có.

- Theo ông, các quy định pháp luật hiện hành cần sửa đổi, bổ sung ra sao để tổ chức của người lao động hoạt động đúng hướng?

- Sau khi rà soát 265 văn bản liên quan, các cơ quan chức năng chỉ rõ có 8 luật, bộ luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những nội dung đã cam kết tại CPTPP, trong đó có Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn. Theo Bộ luật Lao động hiện hành, nước ta chỉ có tổ chức công đoàn là đại diện duy nhất của người lao động. Trong một vài năm tới, người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập tổ chức của họ, Bộ luật Lao động cần sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, đặc biệt là các quy định về quan hệ lao động trong doanh nghiệp…

Về Luật Công đoàn, hiện nay, các nội dung của luật chưa cần sửa đổi, bổ sung, nhưng về lâu dài cũng phải sửa đổi cho đồng bộ, tạo điều kiện cho việc thực thi các cam kết tại CPTPP diễn ra thuận lợi, hiệu quả. Những vấn đề cụ thể, chi tiết hơn cần được hướng dẫn tại các văn bản dưới luật. Đây là vấn đề mới nên cần được tiến hành cẩn trọng và có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều phía.

- Ông có lời khuyên nào dành cho người lao động và công đoàn cơ sở?


- Tham gia CPTPP, các doanh nghiệp phải nghiêm túc thực hiện cam kết về lao động. Việc thực hiện những cam kết này được kỳ vọng sẽ mang đến cho người lao động cơ hội việc làm và điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, một bộ phận lao động nước ta có trình độ chuyên môn, tay nghề thấp, ý thức kỷ luật chưa cao, chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Do đó, ngay từ bây giờ, người lao động cần chủ động học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề; rèn luyện ý thức kỷ luật, nghiêm túc chấp hành nội quy, quy định của doanh nghiệp để không bị đào thải. Đặc biệt, người lao động không được lợi dụng việc thành lập tổ chức đại diện tại doanh nghiệp để hoạt động sai mục đích.

Không còn là tổ chức đại diện duy nhất của người lao động trong tương lai gần, tất nhiên, công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp cần đổi mới hoạt động theo hướng lấy lợi ích của đoàn viên, người lao động làm điểm tập hợp; quan tâm nhiều hơn tới lợi ích của đoàn viên, người lao động. Nhìn chung, công đoàn phải phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu để người lao động hiểu rằng, công đoàn cơ sở là đại diện tốt nhất cho họ, họ tự nguyện, tự giác tham gia, mà không cần thành lập tổ chức đại diện nào khác.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo môi trường tốt cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.