Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh

Hồng Sơn| 11/02/2019 07:13

(HNM) - Phát huy kết quả trong năm qua, năm 2019 tiếp tục được các cấp, ngành chức năng đẩy mạnh cải cách, tập trung hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp một cách thực chất và hiệu quả hơn.

Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ hàng đầu trong năm 2019. Ảnh: Nhật Nam


- Ông có nhận xét gì về hoạt động đăng ký thành lập doanh nghiệp năm 2018?

- Con số doanh nghiệp thành lập mới và giải thể được công bố gần đây có nhiều điểm đáng chú ý. Theo đó, số thành lập mới năm 2018 là 131.275 đơn vị, có tăng nhưng không nhiều như năm 2017. Trong khi đó, số doanh nghiệp ra khỏi thị trường năm qua lại có tốc độ tăng khá nhanh (hơn 90.000 doanh nghiệp). Thêm vào đó, năm 2018 đã lọc ra nhiều doanh nghiệp không còn hoạt động từ trước. Điều này giải thích một phần vì sao số doanh nghiệp ra khỏi thị trường lại lớn.

- Theo ông, hoạt động cải cách thể chế, hành chính và hỗ trợ doanh nghiệp năm qua có đạt yêu cầu?

- Số doanh nghiệp thành lập mới tăng lên cho thấy Chính phủ đã tạo ra kỳ vọng khá tốt cho cộng đồng kinh doanh về triển vọng tăng trưởng và cải cách kinh tế. Thực tế, quy định về mở cửa thị trường của Việt Nam đã cải thiện rất nhiều. Thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện nay đã rút ngắn cả về thời gian và trình tự. Các thủ tục liên quan đến kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, thủ tục hải quan đã được đơn giản hóa. Ví dụ, theo Thông tư 26/2015/TT-BTC (ngày 27-2-2015) thủ tục liên quan đến thuế đã bỏ việc kê khai nhiều hạng mục. Dù vậy, đánh giá chung là chúng ta mới cải thiện nhiều ở phần gia nhập thị trường, còn các quy định để doanh nghiệp tồn tại và phát triển thì kết quả chưa như mong muốn. Báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới cho thấy, khi khảo sát các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua còn nhiều doanh nghiệp phàn nàn, đặc biệt liên quan đến các thủ tục về đất đai và quy định chuyên ngành.

- Đến nay, có thông tin cho rằng, năm 2018 các ngành chức năng đã hoàn thành nhiệm vụ cắt giảm được 50% điều kiện kinh doanh, nhưng cũng có thông tin là chưa đạt mức 50%. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?

- Con số bao nhiêu phần trăm không quá quan trọng, vì đơn giản là chúng ta mới chỉ đếm số điều kiện. Nhưng, trong thực tế mức độ ảnh hưởng và phức tạp của các điều kiện là rất khác nhau. Tôi cho rằng, điều quan trọng là doanh nghiệp có thấy môi trường kinh doanh đã thật sự được đơn giản hóa hay không? Chi phí tiết kiệm cho doanh nghiệp là bao nhiêu? Với tình hình hiện nay, việc cắt giảm thủ tục mới chỉ là bước đơn giản nhất trong cải thiện môi trường kinh doanh. Bước quan trọng hơn là thực thi, thái độ, hành vi tương tác của cán bộ thực hiện.

- Vậy, chất lượng của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh có đạt yêu cầu của doanh nghiệp?


- Về việc này cần đứng trên cả hai góc độ nhà nước và doanh nghiệp để đánh giá. Về phía nhà nước, tôi cho rằng với tình hình hiện nay cần "xốc lại" kỷ luật thị trường để tạo ra sự công bằng giữa các doanh nghiệp, cũng như định hình hoạt động kinh doanh dần quy củ hơn. Đặc biệt, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh nếu làm theo phong trào, hoặc quá coi trọng tỷ lệ cắt giảm thì rất dễ dẫn đến buông lỏng. Từ góc độ doanh nghiệp, thực thi mới quan trọng hơn là vấn đề trình tự thủ tục, hoặc số điều kiện.

- Năm 2019, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần làm gì để tiếp tục hun đúc phong trào khởi nghiệp?

- Tổng thể nhất là phải xác định lại một cách rõ ràng về việc nhà nước quản lý gì, quản đến đâu đối với hoạt động của doanh nghiệp. Thứ hai là, tiếp tục rà soát các quy định bất hợp lý. Tôi lấy ví dụ về yêu cầu đánh giá công nghệ của doanh nghiệp, hoặc làm báo cáo về đánh giá tác động môi trường khi đăng ký dự án đầu tư. Chúng ta đã thành lập các hội đồng chuyên môn để đánh giá các lĩnh vực này và rõ ràng cần phải xem xét việc khả thi của đánh giá công nghệ. Nhưng liệu có hội đồng chuyên môn nào đủ thông tin để đánh giá một cách chính xác và khách quan nhất về công nghệ mà doanh nghiệp đang chuẩn bị đầu tư? Rõ ràng, nhà nước chỉ cần quản lý đầu ra, nếu công nghệ đó ảnh hưởng đến môi trường, khai thác quá mức tài nguyên... thì có thể xử lý theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, công nghệ hiện đại hay lạc hậu là bài toán tối ưu lợi nhuận, là vấn đề của doanh nghiệp. Với báo cáo đánh giá tác động môi trường, chúng ta đánh giá trên giấy về quy trình và khi hoạt động vẫn cần kiểm soát về phát thải.

- Ông dự đoán thế nào về kết quả đăng ký thành lập và phát triển của doanh nghiệp năm 2019?


- Triển vọng kinh tế năm 2019 khá tốt do các xung đột thương mại thế giới sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có thể được ký trong năm nay tạo thêm nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp. Bối cảnh trong nước cũng thuận lợi do tăng trưởng và thu nhập của người dân tăng lên, môi trường vĩ mô ổn định. Tất cả sẽ tạo thêm cơ hội và tôi cho rằng số doanh nghiệp thành lập mới sẽ tăng. Nhưng xét trên góc độ vốn đăng ký hoặc quy mô doanh nghiệp thì vẫn phụ thuộc nhiều vào những cải cách thực chất hơn trong năm nay.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.