Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ việc tập kết cát, sỏi trái phép ven sông

Ánh Dương| 23/06/2019 06:23

(HNM) - Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để giải tỏa các bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép ven sông, tuy nhiên, như Báo Hànộimới đã có bài viết phản ánh, do chưa thực hiện triệt để nên vi phạm vẫn tồn tại.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam.


Nhiều bãi tập kết hoạt động sai phép, không phép

- Hiện nay, quy mô và số lượng bãi chứa, trung chuyển cát, sỏi ven sông trên địa bàn thành phố đang vượt quy hoạch. Căn nguyên của tình trạng này do đâu, thưa ông?

- Trước đây, theo đề xuất của UBND các quận, huyện, thị xã, UBND thành phố ban hành Quyết định số 711/QĐ-UBND, ngày 1-2-2013 “Về việc phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, tuy nhiên trên thực tế, số lượng bãi chứa cao gấp đôi, gấp ba so với quy hoạch ban đầu của thành phố. Đỉnh điểm, trước năm 2017, ven các tuyến sông trên địa bàn thành phố có khoảng 300 bãi chứa, trung chuyển cát, sỏi, trong khi quy hoạch chỉ là 91 bãi chứa.

Sau những nỗ lực của cơ quan chức năng thành phố trong ngăn chặn, xử lý vi phạm, dẹp bỏ bãi chứa hoạt động tự phát, trước mùa mưa bão năm 2019, con số này hiện vào khoảng 200 bãi chứa tồn tại ven các tuyến đê sông Hồng, Đà, Đuống, Cà Lồ, Cầu… Trong đó, nhiều bãi tập kết, trung chuyển cát, sỏi hoạt động nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc cho thuê đất. Có những địa bàn có nhiều bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng hoạt động tự phát trong tình trạng sai phép, không phép, sử dụng đất sai mục đích…

- Những bãi chứa, trung chuyển cát, sỏi trái phép này đã tác động tiêu cực thế nào, thưa ông?

- Có thể khẳng định hoạt động tập kết, trung chuyển cát, sỏi ven sông và khai thác cát trái phép tại khu vực bãi sông, lòng sông đang tác động xấu tới môi trường, gây sạt lở bờ, bãi sông, công trình đê điều. Nhiều bãi chứa, trung chuyển tập kết lượng cát lớn, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đê, kè, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân…

Ngoài ra, chủ một số bến bãi còn đổ đất thải san lấp sông để lấy mặt bằng, đóng cọc cừ thép lấn chiếm lòng sông, đắp bờ quây sát mép sông, gây cản trở trực tiếp đến dòng chảy, thoát lũ. Một số chủ bến bãi còn tập kết, kinh doanh cát đen không rõ nguồn gốc, trung chuyển vật liệu xây dựng bằng xe ô tô có tải trọng lớn đi trên đê, làm hư hỏng mặt đê; quá trình vận chuyển làm rơi vãi cát, sỏi, gây ô nhiễm môi trường khu dân cư lân cận… Từ những vi phạm này đã dẫn đến nhiều diện tích đất bãi ven các sông: Hồng, Đà, Đuống, Cà Lồ… bị chiếm dụng để làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng.

- Như vậy, vi phạm đã rõ, tại sao việc xử lý các vi phạm này chưa triệt để?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước tiên, đa số các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng tồn tại do lịch sử để lại. Mặt khác, do nhu cầu về vật liệu xây dựng của người dân rất cao dẫn đến việc hình thành các bến bãi tập kết cát, sỏi tự phát và trở thành nơi kiếm sống của nhiều lao động địa phương. Tiếp đến, việc khai thác khoáng sản trái phép dẫn đến phát sinh những bãi tập kết, kinh doanh cát sỏi không phép, sai phép.

Đặc biệt, hoạt động quản lý bến bãi, trung chuyển vật liệu xây dựng luôn gắn liền với công tác quản lý, sử dụng đất của các cấp chính quyền địa phương, do vậy sự buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết trong ngăn chặn, xử lý vi phạm tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ trồng cây sang tập kết cát, sỏi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại trong lĩnh vực này.

Ngoài ra, việc chấp hành các kết luận sau thanh tra, kiểm tra của các tổ chức, cá nhân vi phạm chưa nghiêm; việc tổ chức cưỡng chế xử lý vi phạm của UBND cấp xã cũng chỉ thực hiện đối với các công trình xây dựng trái phép trên bãi tập kết, còn với số vật liệu xây dựng trên bãi chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Hoặc đối với những bãi tập kết đã giải tỏa được vật liệu xây dựng thì hầu hết không thể đưa vào sản xuất nông nghiệp, nên đất bị bỏ hoang, tiềm ẩn nguy cơ tái phạm. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương, nơi để xảy ra sai phạm vẫn chưa nghiêm khiến một số chính quyền địa phương nơi có bến bãi vẫn buông lỏng công tác quản lý...

Quyết liệt xử lý dứt điểm các bãi tập kết cát, sỏi sai quy định

- Thực trạng nêu trên cho thấy, những hạn chế vẫn chưa được khắc phục. Vậy đâu là giải pháp để xử lý dứt điểm vi phạm, thưa ông?

- Việc quản lý các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, về phía Sở Tài nguyên và Môi trường, chúng tôi xác định phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra vi phạm.

Thực tế, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập các đoàn công tác, kiểm tra những đơn vị khai thác khoáng sản, các bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện triệt để hơn nữa công tác này. Trên cơ sở đó, sẽ kiến nghị UBND thành phố những giải pháp để tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác khoáng sản, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn.

Năm 2018, Sở đã trình UBND thành phố thông qua nội dung tiêu chí hoạt động bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông. Từ tiêu chí này, Sở sẽ tiếp tục chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng đất ven sông làm bãi chứa trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố…

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các sở, ngành thành phố và chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, lập biên bản, xử lý các vi phạm khai thác cát trái phép ở lòng sông, hoạt động tập kết vật liệu xây dựng không phép ở khu vực bãi sông; lập các chốt, bố trí tổ công tác liên ngành tuần tra, ngăn chặn, xử lý xe quá tải trên đê tả Hồng, tả Đáy…

- Mới đây, UBND thành phố ban hành Công văn 2310/ UBND-ĐT, yêu cầu các sở, ngành, đơn vị nâng cao trách nhiệm, nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép xong trước ngày 31-7-2019, vậy Sở Tài Nguyên và Môi trường đã triển khai nhiệm vụ, giải pháp gì thưa ông?

- Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng và các địa phương thực hiện nghiêm nội dung chỉ đạo của thành phố, kiên quyết xóa bỏ các bến bãi tập kết cát, sỏi trái phép trên địa bàn trước ngày 31-7-2019. Đồng thời, Sở cũng phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát các bãi chứa cát, sỏi, nếu đủ điều kiện, sẽ đề xuất cụ thể với thành phố về việc quản lý, sử dụng đất theo quy định. Trường hợp đơn vị đang hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng không phù hợp với quy hoạch, sẽ kiên quyết xử lý giải tỏa, trả lại mặt bằng đất đai.

Ngoài ra, cùng với việc phối hợp với cơ quan chức năng các tỉnh giáp ranh trong ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép lòng sông, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị UBND thành phố giao Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II xử lý triệt để đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động bến thủy nội địa trái phép, qua đó góp phần ngăn chặn hoạt động của các bãi chứa vật liệu xây dựng trái phép.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ việc tập kết cát, sỏi trái phép ven sông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.