Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ vững vai trò hạt nhân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động

Dương Linh| 28/07/2019 06:45

(HNM) - Công đoàn Việt Nam luôn phát huy vai trò, thực hiện tốt nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cách mạng Việt Nam. Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải đã chia sẻ với bạn đọc Báo Hànộimới về những thành tựu đã đạt được, phương hướng hoạt động thời gian tới, để tổ chức Công đoàn giữ vững vai trò hạt nhân trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, người lao động.

Đồng chí Trần Thanh Hải.

Chỗ dựa vững chắc của người lao động

- Đồng chí có thể cho biết khái quát những thành tựu của Công đoàn Việt Nam 90 năm qua?

- Nhìn lại chặng đường 90 năm đã qua của tổ chức Công đoàn Việt Nam có thể thấy, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn Việt Nam luôn phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cách mạng Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam đã cùng nhân dân cả nước làm nên những thành tựu chói lọi trong thế kỷ XX. Công đoàn Việt Nam đã thực hiện tốt vai trò là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, tập hợp đông đảo công nhân, viên chức, người lao động thực hiện đường lối của Đảng, tạo cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước. Từ chỗ chỉ chiếm một số ít trong cơ cấu lao động của đất nước, chủ yếu là công nhân làm việc trong các đồn điền, hầm mỏ, công xưởng nhỏ, ngày nay, giai cấp công nhân đã trở thành lực lượng hùng mạnh, tiên phong trong sự nghiệp đổi mới, đóng góp ngày càng lớn cho sự phát triển của đất nước.

Tổ chức Công đoàn không chỉ là người đại diện cho quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, người lao động mà còn là tổ chức để tập hợp, giáo dục công nhân, người lao động phấn đấu vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vì sự phồn vinh của đất nước...

- Phát huy truyền thống tự hào đó, những năm gần đây, Công đoàn Việt Nam đã có những hoạt động nổi bật, mang dấu ấn đặc biệt như thế nào trong chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động?

- Công đoàn Việt Nam đã không ngừng nỗ lực trong xây dựng và phát triển tổ chức, đến nay đã đạt số lượng 10 triệu đoàn viên, với hơn 60% là đoàn viên công đoàn khu vực ngoài nhà nước. Đây là dấu ấn có ý nghĩa rất lớn, khẳng định sự lớn mạnh không ngừng của tổ chức Công đoàn.

Để đạt kết quả này, các cấp công đoàn đã nỗ lực xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp. Tình hình ngừng việc tập thể những năm gần đây đang theo xu hướng số vụ việc năm sau giảm hơn hẳn so với năm trước. Đồng thời, quyền lợi của người lao động được bảo đảm tốt hơn. Việc tổ chức ký kết Thỏa ước lao động tập thể, đối thoại tại doanh nghiệp ngày càng nhiều hơn, nội dung tập trung vào những vấn đề sát với quyền lợi người lao động. Sự gắn kết, đồng hành giữa người sử dụng lao động với tổ chức Công đoàn đã mang lại quyền lợi lớn hơn cho số đông người lao động. Chúng tôi rất tự hào là Công đoàn đã làm tốt việc đối thoại đột xuất tại doanh nghiệp; gần gũi, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên; được người sử dụng lao động trân trọng, tạo điều kiện.

Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng pháp luật, thể hiện rõ hơn vai trò của mình. Nhiều chính sách đã được xây dựng và ban hành, bổ sung, phát triển tạo điều kiện cho tổ chức Công đoàn thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong đại diện bảo vệ, chăm lo quyền lợi hợp pháp của người lao động. Năm 2012, Bộ luật Lao động và Luật Công đoàn được sửa đổi song hành, ghi nhận, đánh giá và tạo điều kiện quan tâm tới người lao động tốt hơn, khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn, trách nhiệm của Nhà nước, người sử dụng lao động trong xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Công đoàn trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Tổ chức Công đoàn có nhiệm vụ đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Đồng thời, tổ chức Công đoàn còn tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng công nhân, viên chức, lao động trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các cấp công đoàn còn nỗ lực đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động thông qua hoạt động tố tụng; đẩy mạnh chăm lo, hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn với những kết quả rất đáng trân trọng...

Nỗ lực mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động

- Thời gian gần đây, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Tổ chức Công đoàn phải đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu này, thưa đồng chí?

- Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra nhiều vấn đề mới, tác động trực tiếp đến hoạt động của tổ chức Công đoàn. Tổ chức Công đoàn phải không ngừng hoàn thiện, thể hiện rõ nét hơn về sứ mệnh đại diện cho người lao động. Công đoàn cần nỗ lực nhằm mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người lao động, để họ có niềm tin vững chắc về tổ chức Công đoàn. Từng cấp công đoàn phải xác định rõ hơn nhiệm vụ của mình.

Quan trọng hơn hết là đội ngũ cán bộ công đoàn phải làm tốt công tác tổ chức lực lượng, động viên đoàn viên trong quá trình hoạt động. Trước Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ XII, yêu cầu đặt ra với cán bộ công đoàn là phải có tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân lo cho đoàn viên, người lao động. Điều này rất đáng trân trọng và cần tiếp tục được phát huy. Trong bối cảnh mới, Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ XII (tháng 9-2018) bổ sung 3 tiêu chí: Cán bộ công đoàn phải chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ.

Cán bộ công đoàn phải được đào tạo căn bản, trang bị đầy đủ kỹ năng, nhất là về kiến thức pháp luật. Đồng thời phải có bản lĩnh, thể hiện được vai trò của mình, xứng đáng để đoàn viên, người lao động tin tưởng.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nguyên Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam từng dặn dò, cán bộ công đoàn các cấp phải thể hiện được bản lĩnh, không được thỏa hiệp, nhưng phải mềm dẻo, sát hợp với thực tiễn. Điều này khó, nhưng rất cần thiết để đội ngũ cán bộ công đoàn bằng trí tuệ, năng động, sáng tạo của mình khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

- Đồng hành, bảo vệ người lao động được xác định là một trong những nhiệm vụ cốt lõi. Vậy thời gian tới, các cấp công đoàn sẽ chú trọng triển khai những giải pháp nào?

- Tôi thiết nghĩ, nhiệm vụ quan trọng của công đoàn cơ sở là phải đại diện người lao động thương lượng nâng cao tiền lương; phải nắm chắc tiền lương được xây dựng như thế nào và công khai cho người lao động biết, giám sát. Công đoàn cơ sở phải nắm vững quy định về trả lương đúng hạn cho người lao động, tham gia giải quyết ngay từ đầu các vướng mắc, bức xúc của người lao động, nâng cao chất lượng thương lượng và thực hiện thỏa ước lao động tập thể.

Công đoàn cấp trên cơ sở phải phối hợp cùng công đoàn cơ sở giám sát, phát hiện các doanh nghiệp nợ lương. Bởi trong thực tiễn, nợ lương diễn ra rất phức tạp, hình thức đa dạng. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì công đoàn phải có trách nhiệm động viên người lao động chia sẻ, cùng tìm giải pháp vượt khó. Ngược lại, nếu doanh nghiệp chiếm dụng tiền lương, nợ lương, trốn tránh trách nhiệm của mình thì tổ chức Công đoàn phải kiên quyết, kiên trì phối hợp với các ngành chức năng đòi cho được nợ lương.

Ở cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố thì phải chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, hình thành mạng lưới luật sư, luật gia hỗ trợ bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động tại tòa án, xây dựng đội ngũ chuyên gia về thỏa ước lao động tập thể.

Thời gian qua, đã có một số tổ chức Công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở, đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, thể hiện rõ nét trách nhiệm này với người lao động. Tin tưởng rằng, các cấp công đoàn sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới.

- Được biết, dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, các cấp công đoàn đã và đang có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể. Xin đồng chí cho biết rõ hơn về những hoạt động này!

- Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là dịp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, người lao động hiểu rõ hơn về truyền thống tự hào cùng vai trò, vị trí quan trọng của tổ chức Công đoàn. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu, các cấp công đoàn tổ chức các hoạt động kỷ niệm thiết thực, để tất cả đoàn viên, người lao động ở cơ sở thấu hiểu, ủng hộ những việc làm, kết quả, những mong muốn mà tổ chức Công đoàn hướng tới vì người lao động. Nhiều đơn vị đã tổ chức tặng “Mái ấm công đoàn”, hỗ trợ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, ký kết Thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn luật cho đoàn viên, biểu dương công nhân giỏi, chủ tịch công đoàn cơ sở, cán bộ nữ công…

Nhân dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm cổ vũ cán bộ công đoàn các cấp, động viên đoàn viên, người lao động phát huy vai trò của mình trong xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; nỗ lực góp phần xây dựng đất nước ngày càng phát triển.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giữ vững vai trò hạt nhân bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.