Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cộng đồng các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh

Hà Vân| 29/09/2019 06:22

(HNM) - Với chủ đề “Cộng đồng các dân tộc thành phố Hà Nội đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập, xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố lần thứ III - năm 2019 sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3-10. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Tất Vinh về kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2014-2019; cũng như phương hướng giai đoạn 2019-2024.

Đồng chí Nguyễn Tất Vinh.

Tập trung đầu tư, nâng cao đời sống

- Đồng chí có thể khái quát về tình hình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô hiện nay?

- Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô hiện có gần 108.000 người, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố, thuộc 50 thành phần dân tộc thiểu số, sinh sống đan xen ở tất cả 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, dân tộc Mường chiếm 57,71%, dân tộc Tày chiếm 17,81%, dân tộc Thái chiếm 6,61%, dân tộc Nùng chiếm 5,85%; dân tộc Dao chiếm 4,32%; còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Tuy vậy, đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện với trên 55.000 người (chiếm tỷ lệ 51%), chủ yếu là dân tộc Mường và Dao.

14 xã vùng dân tộc, miền núi của Thủ đô có diện tích trên 30.000ha (chiếm gần 10% diện tích toàn thành phố), có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái của thành phố.

- 5 năm qua, công tác dân tộc tiếp tục được thành phố dành nhiều sự quan tâm. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn về những chính sách đó?

- Giai đoạn 2014-2019, thành phố xác định công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Tôi xin nêu một vài số liệu minh chứng cụ thể: Thực hiện Kế hoạch số 166/KH-UBND của UBND thành phố, giai đoạn 2013-2015, thành phố bố trí 837,5 tỷ đồng cho 105 dự án tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi; trong đó có 99 dự án hoàn thành năm 2015, 6 dự án hoàn thành năm 2016.

Tiếp đó, thực hiện Kế hoạch số 138/KH-UBND của UBND thành phố, từ năm 2016 đến nay, thành phố đã cấp 850 tỷ đồng để thực hiện 69 dự án về y tế, giao thông, trường học, thủy lợi... Đồng thời, từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho gần 7.300 lượt hộ dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm với số tiền hơn 214,2 tỷ đồng.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, hiệu quả tại 14 xã dân tộc thiểu số. Tổng nhu cầu kinh phí cho chương trình giai đoạn 2016-2020 là 3.515 tỷ đồng, kinh phí đã thực hiện đến năm 2018 đạt 100% kế hoạch. Bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều tiến bộ rõ nét, đã có 7/14 xã vùng dân tộc thiểu số của thành phố đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt 14-18 tiêu chí.

Đến nay, 100% số xã đã có đường bê tông hoặc trải nhựa đến trung tâm xã; trên 60% đường liên thôn, đường trục chính của thôn đã được bê tông hóa; 100% hộ dân dùng điện lưới quốc gia; 53,22% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Cùng với đó, các chế độ, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đều được thành phố thực hiện nghiêm túc, nhiều chính sách thực hiện cao hơn so với quy định của Trung ương.

Người dân tộc Mường (huyện Ba Vì) biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Linh Ngọc

- Cùng với sự quan tâm của các cấp, ngành, đồng bào dân tộc thiểu số của Thủ đô không ngừng vươn lên, cải thiện đời sống. Vậy, những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua là gì?

- Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, đồng bào các dân tộc thiểu số Thủ đô đã nỗ lực khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Đây là nhân tố quyết định giúp công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của thành phố đạt được kết quả toàn diện trên tất cả lĩnh vực.

Sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của đồng bào đã giúp các xã vùng dân tộc miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt trên 12%; thu nhập bình quân đầu người tăng, năm 2018 đạt khoảng 35 triệu đồng/năm, có xã đạt trên 46 triệu đồng/năm. Đã hình thành nhiều mô hình sản xuất mới đạt hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như các mô hình trồng hoa ly, chuối tiêu hồng, nuôi lợn rừng, chăn nuôi gà ở các xã Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); chăn nuôi bò sữa tại các xã vùng núi Ba Vì... Kinh tế vườn - rừng phát triển nhanh, môi trường rừng được khôi phục, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 80%.

Giai đoạn 2016-2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,38% xuống còn 3,7% vào cuối năm 2018, dự kiến hết năm 2019 tỷ lệ này còn 3%. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tiến bộ; đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số từng bước trưởng thành.

Cùng với phát triển kinh tế, đồng bào tích cực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa. Đến nay có 100/153 thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa”, trên 85% số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”… 

Phấn đấu cơ bản hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ

- Theo đồng chí, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn thành phố còn những hạn chế gì?

- Bên cạnh kết quả đạt được, nhìn chung, trình độ phát triển của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi Thủ đô còn thấp so với vùng đồng bằng và mức bình quân chung của toàn thành phố: Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 ở vùng dân tộc thiểu số là 35 triệu đồng/năm; trong khi đó, vùng nông thôn thành phố khoảng 46,5 triệu đồng/năm, bình quân chung toàn thành phố 117,2 triệu đồng/năm. Trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực cũng còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo của một số xã còn cao.  

Cơ cấu kinh tế tuy có tiến bộ nhưng sự chuyển dịch còn chậm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, nhanh xuống cấp. Chất lượng giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe, hệ thống thiết chế văn hóa một số nơi còn chưa đáp ứng nhu cầu...

Một số chỉ tiêu Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố lần thứ II - năm 2014 đề ra chưa đạt, cụ thể như: Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay mới đạt 50% số xã (mục tiêu 60%); tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia mới đạt 53,22% (mục tiêu 60%).

- Vậy, công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019-2024 tập trung vào nội dung gì, thưa đồng chí?

- Giai đoạn tới, thành phố tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số; phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số; từng bước đưa trình độ phát triển của các xã vùng dân tộc miền núi cơ bản ngang bằng với mức bình quân chung của vùng nông thôn ngoại thành. Đồng thời, tăng cường khối đoàn kết dân tộc; bảo đảm an ninh, quốc phòng, chính trị, xã hội ổn định; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc.

Bên cạnh đó là xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; cơ bản hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Hà Nội tiếp tục phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu về thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Qua đó hỗ trợ, động viên đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên...

Một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2024 được đề ra như: Phấn đấu các xã vùng dân tộc miền núi duy trì tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt trên 12%; thu nhập bình quân đầu người tăng bình quân trên 20%/năm, đến cuối năm 2024 cơ bản bằng mức bình quân khu vực nông thôn của thành phố, cơ bản không còn hộ nghèo (không tính số hộ nghèo được bảo trợ xã hội); tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia từ 90% trở lên; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đạt trên 60%.

Cùng với đó, hệ thống đường giao thông nông thôn được cứng hóa 100%; hệ thống thủy lợi nội đồng được cứng hóa trên 80%, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh giữ vững tỷ lệ 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, thành phố phấn đấu có 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị; 100% thôn, xã có nhà văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có trên 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% đảng bộ xã và chi bộ thôn hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có đảng bộ, chi bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

- Đồng chí có thể cho biết những giải pháp của thành phố để đạt mục tiêu trên?

- Thành phố sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc; triển khai chính sách dân tộc đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Các cấp, ngành sẽ chú trọng lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng dân tộc miền núi; chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thuộc đồng bào dân tộc thiểu số...

Phát huy những thành tích đã đạt được, tin tưởng rằng, trong giai đoạn 2019-2024, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết phấn đấu, phát huy nội lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển, góp phần xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.