Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy

Tiến Thành| 20/10/2019 06:41

(HNM) - Muốn phát huy triệt để phương châm “bốn tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ) trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, việc tập huấn, tuyên truyền cho cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội về công tác này, đồng thời làm rõ thêm những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.

Chú trọng tập huấn, tuyên truyền

- Tình hình cháy, nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội những năm qua có nhiều diễn biến phức tạp, đồng chí có thể cho biết một số thông tin khái quát?

- Theo thống kê của Công an thành phố, từ tháng 4-2016 đến tháng 4-2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 2.637 vụ cháy và 6 vụ nổ khiến 61 người chết, 10 người bị thương, thiệt hại về tài sản hơn 758 tỷ đồng. Ngoài ra còn có hàng nghìn vụ cháy nhỏ được lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng và người dân phát hiện, dập tắt kịp thời.

Qua phân tích, chúng tôi nhận thấy, địa bàn xảy ra cháy tập trung ở khu vực nội thành (chiếm 60-65%). Các vụ cháy xảy ra chủ yếu ở doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân và nhà dân (chiếm 75-80%). Số vụ cháy lớn chỉ chiếm 1-2% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 80% đến 85% tổng thiệt hại của các vụ cháy, nổ do xảy ra tại các địa điểm tập trung đông người như nhà cao tầng, quán karaoke, nhà hàng, quán ăn, nhà ở dạng ống kết hợp kinh doanh, nhà kho, xưởng sản xuất...

- Để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, công tác tập huấn, tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vậy, những kết quả nổi bật về công tác này trong năm vừa qua đạt được như thế nào?

- Công an thành phố đã chủ động xây dựng các nội dung tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo từng chuyên đề, như vào mùa mưa bão, nắng nóng, hanh khô. Trong Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động, dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, việc tuyên truyền phòng, chống cháy nổ được phát thanh tuyên truyền tại 55 nút giao thông trọng điểm trên toàn thành phố.

Đa dạng hóa hình thức thông tin đến từng đối tượng, Công an thành phố đã ban hành 6 kế hoạch triển khai các biện pháp tuyên truyền và biên soạn 5 bộ tài liệu, mở 4 đợt tuyên truyền sâu rộng tới các địa bàn dân cư về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Bên cạnh đó, Công an thành phố đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 17-5-2018 về “Tổ chức tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018” và Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 2-7-2018 về “Tổ chức hội nghị tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND và công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Với 42 lớp tập huấn, 4.200 người tham dự, Công an thành phố đã phát 4.220 cuốn tài liệu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho 4 nhóm đối tượng, gồm: Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo UBND và công an cấp huyện (1 lớp); cán bộ, đội viên đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở (4 lớp); cán bộ, đội viên đội phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành (1 lớp); đại diện lãnh đạo UBND, công an cấp xã, trưởng thôn, tổ dân phố, cán bộ đội dân phòng, chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, các tầng lớp nhân dân (36 lớp).

Trên cơ sở kế hoạch của UBND thành phố, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố cũng tổ chức tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, như: Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tổ chức 25 lớp tập huấn, tuyên truyền với 2.856 lượt người tham gia; Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Công an thành phố biên soạn 3 bộ tài liệu tập huấn nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh…

- Những đánh giá bước đầu về hiệu quả của các lớp tập huấn theo Kế hoạch số 109/KH-UBND và Kế hoạch số 144/KH-UBND là gì, thưa đồng chí?

- Bước đầu chúng tôi nhận thấy, qua công tác tập huấn đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của cộng đồng, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở. Đây là điều kiện thuận lợi trong việc phát huy triệt để phương châm “4 tại chỗ” và huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Nâng cao chất lượng về nội dung, hình thức

- Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ còn những hạn chế, tồn tại gì?

- Số lượng các lớp tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được tổ chức cho cộng đồng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Đặc biệt là đối tượng cán bộ, đội viên đội phòng cháy, chữa cháy cơ sở và lãnh đạo UBND, công an cấp xã; trưởng thôn, tổ dân phố; lực lượng dân phòng, chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ...

Bên cạnh đó, ý thức học tập của một bộ phận học viên chưa cao khi tham gia tập huấn muộn so với thời gian tổ chức và không đúng thành phần theo giấy mời. Kết thúc các lớp tập huấn, tỷ lệ học viên nắm vững kiến thức chưa cao nên vẫn còn có những hành vi vi phạm quy định bảo đảm an toàn trong quá trình thực hiện tại địa bàn, cơ sở, đơn vị.

- Tiếp tục tăng cường công tác này, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 221/KH-UBND ngày 2-10-2019 về “Tổ chức tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn thành phố năm 2019”. Đồng chí có thể chia sẻ về kế hoạch này?

- Kế hoạch số 221/KH-UBND được ban hành để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác tập huấn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch, thành phố sẽ tổ chức 12 lớp tập huấn, mỗi lớp khoảng 100 học viên tại 12 quận, huyện, thị xã. Đối tượng tập huấn gồm lãnh đạo UBND, công an cấp xã; tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn; đội viên đội dân phòng; chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ... Dự kiến các lớp tập huấn sẽ được tổ chức xong trong quý IV-2019.

Nội dung tập huấn sẽ giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; trong đó tập trung phổ biến về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và trách nhiệm của lực lượng dân phòng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Các học viên cũng sẽ được thông tin về tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố, các vụ cháy điển hình trong nước và thế giới; các nguy cơ, nguyên nhân cơ bản dẫn đến cháy, nổ; được hướng dẫn các biện pháp phòng cháy, kỹ năng thoát nạn, quy trình xử lý khi có tình huống cháy, nổ và sự cố xảy ra, tính năng, tác dụng và cách sử dụng một số trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...

Trên cơ sở các nội dung tập huấn trên, chúng tôi đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị chủ động triển khai tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân phù hợp với tình hình cụ thể của ngành, địa phương, đơn vị. Công an thành phố sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ này.

- Thời gian tới, công tác tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sẽ được nâng cao chất lượng như thế nào?

- Công an thành phố sẽ tiếp tục chủ động đổi mới công tác tập huấn, tuyên truyền theo hướng phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, hình thức sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ. Đơn cử như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; phát tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu; thực hành, trải nghiệm các hoạt động chữa cháy, thoát nạn; thi tìm hiểu pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; triển khai dịch vụ tin nhắn trên điện thoại di động. Đồng thời, Công an thành phố tiếp tục công khai những cơ sở vi phạm quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Đặc biệt, chúng tôi sẽ tăng cường phổ biến pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn tại các cơ quan, trường học, khu dân cư, tổ dân phố, hộ gia đình và tại các cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao như: Nhà cao tầng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà kho, xưởng sản xuất, làng nghề, cửa hàng xăng dầu...

- Bên cạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, Công an thành phố Hà Nội có những biện pháp gì để làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở?

- Cùng với tập huấn, tuyên truyền, chúng tôi chú trọng kiện toàn, xây dựng lực lượng nòng cốt trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ở các đơn vị, cơ sở nhằm thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ. Đồng thời, chúng tôi đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình, tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Không chỉ vậy, lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tiếp tục phối hợp cùng công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, điều tra cơ bản, nhất là đối với các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra sẽ được thực hiện đến từng hộ gia đình, kiên quyết xử lý nghiêm với những trường hợp vi phạm. Tất cả nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong tình hình hiện nay.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả công tác tập huấn, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.