Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng

Bài và ảnh: Bảo Khánh| 29/08/2019 10:59

(HNMCT) - Đúng dịp kỷ niệm 74 năm Ngày Bác Hồ từ Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội (23/8/1945 - 23/8/2019), Địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) vinh dự được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố. Là một trong số ít di tích hai lần được đón Bác về thăm, đây xứng đáng là “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống và tinh thần yêu nước, có vai trò quan trọng trong hệ thống di tích cách mạng của thành phố Hà Nội.

Người dân tham quan, xem các hình ảnh tư liệu được trưng bày và lưu giữ tại Địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An.

Ngôi nhà hai lần đón Bác về thăm

Về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), cuốn sách Những lần đón Bác của Ban Thông tin văn hóa huyện Từ Liêm ghi lại khá chi tiết: “Khoảng 4 giờ chiều ngày 23-8-1945, một chiếc thuyền đinh to có mui cập bến Phú Xá... Anh Khánh (đồng chí Hoàng Tùng) đã tìm được chỗ nghỉ cho đoàn cán bộ. Lúc này, trời đã rất tối, anh mời cụ cùng đoàn cán bộ lên làng Phú Gia tạm nghỉ trong nhà cụ Nguyễn Thị An, một gia đình cơ sở của anh Khánh từ trước ngày khởi nghĩa”. Trong cuốn Những năm tháng không thể nào quên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng kể lại: “Anh Ninh cùng tôi lên Phú Gia gặp Bác. Chúng tôi vào làng Gạ. Bác ở trong một ngôi nhà gạch nhỏ nhưng sạch sẽ. Chúng tôi bước vào, nhìn thấy ngay Bác đang ngồi nói chuyện với cụ chủ nhà...”.

Gia đình cụ Nguyễn Thị An - vợ cụ Chánh tổng Công Ngọc Lâm, là một cơ sở cách mạng tin cậy nằm trong An toàn khu của Trung ương Đảng suốt giai đoạn 1941 - 1945. Người dân nơi đây đã nuôi dưỡng, bảo vệ nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng... Trong giai đoạn này, An toàn khu Phú Gia, Phú Xá không hề xảy ra vụ việc nào làm ảnh hưởng đến phong trào cách mạng, không cán bộ nào bị địch bắt ở địa phương. Bởi vậy nên nhà cụ An được chọn làm điểm Bác dừng chân nghỉ đầu tiên khi từ Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội. Bác lưu lại đây từ ngày 23 đến 25-8-1945 để chuẩn bị cho việc ra mắt quốc dân đồng bào và đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945.

Ngày 24-11-1946, nhân dân xã Phú Thượng vinh dự đón Bác về thăm lần thứ hai. Sáng hôm đó, Bác thăm hỏi và dùng cơm với gia đình cụ An. Buổi chiều, Bác nói chuyện với cán bộ khu Lãng Bạc và chính quyền, đoàn thể thôn Phú Gia. Người phân tích cho nhân dân rằng chiến tranh sẽ nổ ra vì thực dân Pháp bội ước. Toàn thể cán bộ và nhân dân đã hứa với Bác quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc.

“Bảo tàng ký ức” về Bác

Với vai trò như một “bảo tàng ký ức” lưu giữ kỷ niệm quý báu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngôi nhà của gia đình cụ An hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Với 14 di vật, hiện vật cùng hàng chục tài liệu, hình ảnh liên quan đến sự kiện Người lưu lại đây, ngôi nhà được công nhận là Nhà lưu niệm Bác Hồ và mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996. Mới đây, ngôi nhà đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố với tên gọi đầy đủ là “Địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An”.

Sau nhiều năm, đến nay cảnh quan, hiện trạng của di tích vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Ông Công Ngọc Dũng, cháu nội của cụ An - người trực tiếp trông coi di tích, cho biết: Tổng diện tích của di tích là 187,6m2, bao gồm các hạng mục chính như cổng nhà, sân gạch, bể nước, nhà trưng bày, nhà kho... Phần chính của di tích là nhà trưng bày xây năm 1929 theo kiểu chữ “Nhất” với phong cách kiến trúc cuối thời Nguyễn. Qua nhiều lần tu sửa, đến nay ngôi nhà vẫn giữ nguyên được những kiến trúc và hoa văn trang trí đặc trưng. Trong nhà, các di vật, hiện vật vẫn được sắp đặt như khi Bác ở đây, với sập gỗ, tủ chè, bộ trường kỷ, gương soi, chậu rửa mặt bằng đồng, vali mây, máy chữ...

Mặc dù thời gian Bác lưu lại không nhiều nhưng đó là những giây phút không thể quên với gia đình cụ An. Các thế hệ trong gia đình luôn gìn giữ những kỷ niệm về Bác. Nhờ vậy, nơi đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, nhân dân, thanh niên, học sinh Thủ đô. Ông Công Ngọc Dũng chia sẻ: “Tất cả những việc tôi làm đều vì muốn lưu giữ nguyên vẹn di tích này, không muốn di tích bị sai lệch hay có gì hỏng hóc không thể khắc phục. Vì như thế tôi sẽ thấy có lỗi với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và với Bác Hồ kính yêu”. Hơn 20 năm qua ông Dũng luôn âm thầm trông coi di tích đồng thời trực tiếp thuyết minh cho các đoàn khách tham quan. Ông Dũng cho biết, trung bình mỗi tháng ngôi nhà đón khoảng 100 lượt khách tham quan, học tập, nghiên cứu và là nơi diễn ra các hoạt động kỷ niệm, dâng hương, báo công của các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn.

Rất nhiều đoàn khách sau khi thăm Địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An đã để lại những dòng chia sẻ xúc động trong cuốn sổ lưu niệm. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội viết: “... Cảm ơn gia đình ông Công Ngọc Dũng đã gìn giữ, bảo quản ngôi nhà trở thành một di tích lịch sử quan trọng của Thủ đô. Chúng cháu sẽ đưa những câu chuyện về “cụ già”, về những ấn tượng đầu tiên được gặp Bác Hồ, hai lần Bác Hồ về thăm ngôi nhà này trong các bài giảng cho sinh viên để tiếp tục bồi đắp tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc cùng tình cảm kính yêu dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Bí thư Đoàn Thanh niên phường Phú Thượng Hoàng Đức Lập bày tỏ: “Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuổi trẻ phường Phú Thượng về đây dâng hương, báo công và tìm hiểu nội dung Di chúc của Bác. Chúng con sẽ khắc ghi những lời căn dặn của Bác trong bản Di chúc thiêng liêng. Đấy chính là “kim chỉ nam” cho toàn Đảng, toàn dân và thế hệ thanh niên chúng con vững bước tiến lên để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày một giàu đẹp, tiến bộ và văn minh như tâm nguyện của Người”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống cách mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.