Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bàu Trúc - “bảo tàng sống” của gốm Chăm

Bài và ảnh: Bảo Khánh| 05/09/2019 10:30

(HNMCT) - Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) được đánh giá là một trong những làng gốm cổ nhất Đông Nam Á. Xuất hiện cách đây khoảng 8 thế kỷ, gốm Bàu Trúc đã tồn tại, phát triển và gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người Chăm sinh sống tại Ninh Thuận và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề gốm ở Bàu Trúc tưởng có lúc bị mai một nhưng nay đã khởi sắc với nhiều tín hiệu đáng mừng nhờ phát triển du lịch cộng đồng.

Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc tạo tác sản phẩm phục vụ du khách.

Bảo tàng “sống” của gốm Chăm

Làng gốm cổ Bàu Trúc có lịch sử hình thành và phát triển hơn 800 năm với những kỹ thuật nghề tinh xảo được nhiều thế hệ người Chăm nơi đây bảo tồn, gìn giữ. Người Chăm vốn theo chế độ mẫu hệ, “mẹ truyền con nối”, đa phần các sản phẩm đều do bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm tạo nên. Vì thế, gốm Bàu Trúc mang vẻ đẹp độc đáo, khác biệt so với gốm ở các nơi khác.

Gốm Bàu Trúc có vẻ đẹp đặc biệt bởi nguyên liệu và cách làm độc đáo. Để có những chiếc bình, chum, nồi đất đẹp và bền, người Bàu Trúc phải lấy đất sét từ bờ sông Quao trộn với cát mịn theo từng tỷ lệ nhất định đối với mỗi sản phẩm. Có một điều kỳ lạ là, nơi lấy đất sét bên bờ sông Quao chỉ là một khoảng đất rộng, người dân khai thác theo từng khoảnh cho đến khi quay lại khoảnh đầu tiên đất mới đã kịp đầy lên. Khoảng thời gian để đất đầy lại như cũ kéo dài khoảng 1 năm. Đó là lý do vì sao trải qua 8 thế kỷ mà đất sét vàng phục vụ sản xuất gốm của làng Bàu Trúc không bao giờ hết. Và vì thế, người dân ở đây vẫn gọi đó là “đất thần”.

Không chỉ tinh tế trong từng đường nét hoa văn mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm, gốm Bàu Trúc còn khác biệt bởi kỹ thuật tạo nên sản phẩm. Nếu như gốm Chu Đậu (Hải Dương) hay Bát Tràng (Hà Nội) đều được tạo hình trên các bàn xoay thì gốm Bàu Trúc lại sử dụng sức người hoàn toàn. Sau khi lấy đất về, người ta đập nhỏ thành từng mảnh để lọc bỏ phần đất tạp, chỉ lấy đất sét vàng rồi đem ủ để giữ độ mềm. Lấy một khối đất vừa đủ, người phụ nữ Chăm uyển chuyển nhào nặn cho đất dẻo ra, sau đó đặt lên một chiếc chum to để tạo khối. Hình dáng sản phẩm sẽ được quyết định bởi việc di chuyển lùi xung quanh của người thợ. Với sự khéo léo và kỹ thuật điêu luyện, chỉ cần vài vòng, người ta đã tạo xong khối cho sản phẩm. Sau đó, họ dùng “vòng quơ” chải quanh thân gốm rồi lấy vải cuộn thấm nước quấn vào tay, chà cho mặt ngoài của gốm bóng láng. Tiếp đó là công đoạn trang trí hoa văn. Những bàn tay thoăn thoắt khắc lên thân gốm những hoa văn mang chủ đề sông nước, các loài thực vật hay hình ảnh thiên nhiên, đất trời và các vị thần trong tín ngưỡng tâm linh của người Chăm...

Sau khi tạo hình, người ta để sản phẩm trong bóng mát đủ 24 tiếng đồng hồ rồi chà mỏng và tiếp tục phơi thêm 7 ngày cho khô hoàn toàn, sau đó mới đem nung. Nhờ vậy, sản phẩm sẽ “chín” kỹ và không bị nứt. Bà Đàng Thị Triều, 50 tuổi, chủ cơ sở gốm Mỹ Tiên cho biết: “Điểm khác biệt của gốm Bàu Trúc là các sản phẩm được nung lộ thiên hoàn toàn. Tùy theo điều kiện nắng gió cộng với quá trình và kỹ thuật phun màu (chiết xuất từ dầu hạt điều, cây dông...) sẽ cho ra các sản phẩm có màu sắc đặc trưng như vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu lạ và đẹp mắt, thể hiện rõ nét văn hóa Chăm cổ xưa. Chính bởi được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công như vậy nên những sản phẩm gốm Bàu Trúc không chiếc nào giống chiếc nào. Mỗi sản phẩm đều thể hiện phong cách, tay nghề, sự khéo léo và cả tình cảm, tâm trạng của người thợ trong quá trình chế tác sản phẩm”.

Suốt nhiều thế kỷ qua, người Chăm ở làng Bàu Trúc vẫn giữ gìn nguyên vẹn nghề truyền thống của cha ông với những kỹ năng, bí quyết nghề được trao truyền từ thế hệ này sang thế khác. Vì thế, nơi đây được các nhà nghiên cứu, du khách trong và ngoài nước ưu ái gọi là "bảo tàng sống" của gốm Chăm.

Phát triển du lịch cộng đồng

Trải qua bao thăng trầm, nghề gốm Bàu Trúc có lúc đứng trước nguy cơ mai một khi số hộ theo nghề ngày càng giảm sút. Nếu như trước đây, cả làng có khoảng 500 hộ thì nay chỉ còn khoảng 180 hộ trụ lại với nghề. Anh Đàng Năng Tự, một thợ trẻ cho biết: “Gia đình tôi làm gốm ba đời rồi. Tuy là con trai, lấy vợ đi ở rể nhưng vì đam mê nên mẹ tôi cũng truyền nghề lại cho tôi. Người trẻ ở làng giờ họ không mặn mà với nghề truyền thống lắm bởi thu nhập không cao, lại vất vả nên tôi càng cố gắng học hỏi để tạo thêm nhiều sản phẩm mới, tìm kiếm thị trường tiêu thụ và sau này truyền nghề lại cho con cháu mình”. 

Để bảo tồn và phát triển nghề gốm cổ ở làng Bàu Trúc, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Ninh Thuận cho biết, tỉnh đã triển khai dự án Chiến lược marketing gốm mỹ nghệ Bàu Trúc giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020 với tổng chi phí 26,3 tỷ đồng. Cùng với đó, tỉnh cũng quan tâm, hỗ trợ các nghệ nhân trong việc đào tạo thế hệ trẻ và xây dựng khu triển lãm để trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, tháng 9-2018, Hội đồng Anh tại Việt Nam đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI), Sở VHTTDL Ninh Thuận cùng địa phương thực hiện Dự án Phát triển du lịch cộng đồng dựa vào di sản tại làng Bàu Trúc. Sau một năm triển khai, đến nay đã có 60 thành viên là người dân trong làng, được chia thành 4 nhóm: Nhóm gốm, đón tiếp, ẩm thực và văn nghệ để tập huấn, nâng cao năng lực trong các lĩnh vực đón tiếp khách, tiếp thị sản phẩm, phục vụ bữa ăn cho du khách. Bên cạnh các sản phẩm gốm truyền thống, các thành viên cũng học cách chế biến, đóng gói sản phẩm bánh củ gừng và mủ trôm để làm quà lưu niệm cho du khách...

Lựa chọn vài món đồ nhỏ xinh để làm quà cho người thân, chị Dương Thanh Hằng, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Bàu Trúc đã để lại cho tôi những trải nghiệm ấn tượng về con người, mảnh đất này sau khi được thăm không gian làng gốm cổ, tự tay làm các sản phẩm từ gốm và thưởng thức các đặc sản của địa phương...”. Nói về những lợi ích mà du lịch cộng đồng mang lại, bà Đàng Thị Triều, chủ cơ sở gốm Mỹ Tiên chia sẻ: “Sau khi tham gia tập huấn lớp đào tạo du lịch cộng đồng, gia đình tôi đã biết cách đón tiếp, phục vụ khách bữa trưa, dạy họ cách làm bánh và các món ăn truyền thống của người Chăm. Nhờ vậy, thu nhập gia đình có sự cải thiện đáng kể bên cạnh nguồn thu từ các sản phẩm gốm”.

Nhìn những đoàn khách nhộn nhịp tham quan, chọn mua sản phẩm có thể cảm nhận được sức sống mới đang bừng lên ở làng gốm cổ Bàu Trúc. Rõ ràng là du lịch cộng đồng đã góp phần bảo vệ nghề truyền thống của đồng bào Chăm ở nơi đây khỏi nguy cơ mai một. Du lịch cộng đồng không chỉ mang lại sinh kế cho người dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, cảnh quan và những giá trị văn hóa bản địa cho làng Bàu Trúc. Đó cũng là hướng đi bền vững để bảo tồn những di sản quý báu của mỗi dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bàu Trúc - “bảo tàng sống” của gốm Chăm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.