Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà chú Hỏa: Câu chuyện đẹp về cách ứng xử với di sản đô thị

Bài và ảnh: Hà Thành| 19/09/2019 09:13

(HNMCT) - Nhà chú Hỏa là cách gọi quen thuộc của người Sài Gòn về một công trình độc đáo nằm ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Sau gần một thế kỷ, công trình điển hình cho sự gặp gỡ Đông - Tây trong dòng chảy văn hóa đa dạng ở mảnh đất hơn 300 năm lịch sử này đã trở thành Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo du khách...

Công trình độc đáo

Chú Hỏa là cái tên quen thuộc mà người dân Sài Gòn vẫn gọi một thương nhân người Hoa, tên thật là Hứa Bổn Hòa (Hui Bon Hoa). Nhà chú Hỏa là một tư dinh có quy mô lớn nằm ở trung tâm Sài Gòn, nay là nhà số 97A Phó Đức Chính (quận 1, thành phố Hồ Chí Minh). Xuất thân trong một gia đình người Hoa nghèo, chú Hòa khởi nghiệp với hai bàn tay trắng và giàu lên từ nghề buôn bán ve chai. Khoảng nửa đầu thế kỷ XX, ông chuyển sang kinh doanh địa ốc và nhanh chóng trở thành nhà kinh doanh bất động sản lớn nhất Sài Gòn với hàng loạt khách sạn, biệt thự, phố lầu. Một trong những công trình mang dấu ấn của chú Hỏa chính là tòa tư dinh của ông, nay là Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Được xây dựng năm 1925, nhà chú Hỏa nằm trong khuôn viên rộng, có hàng rào sắt bao tứ phía. Quy mô công trình giống như một lâu đài châu Âu thời Phục hưng, cao 4 tầng, có cửa chính quay hướng đông, bố cục đăng đối và khép kín tạo một sân trong ở giữa. Được xây dựng bằng vật liệu mới nhất thời bấy giờ là bê tông cốt thép, công trình còn gây ấn tượng khi lắp thang máy bằng gỗ chạm trổ công phu. Tuy có kiến trúc uy nghi, nghiêm cẩn nhưng công trình này lại dễ gây thiện cảm bởi những chi tiết trang trí duyên dáng, màu sắc bắt mắt và sự kết hợp hài hòa văn hóa Đông - Tây. Công trình được các kiến trúc sư người Pháp thiết kế, nhưng không thể phủ nhận vai trò của chủ nhân trong việc hình thành phong cách kiến trúc.

Ngoài sự kết hợp Á - Âu ở hình thức kiến trúc, bố cục mặt bằng và tổ chức không gian nhà chú Hỏa thể hiện rõ trường phái kiến trúc Đông Dương. Đó là việc tổ chức hài hòa kiến trúc và môi trường (sân, vườn), mặt bằng bố trí hệ thống hành lang bao quanh để tạo vùng đệm thông thoáng, hệ thống cửa trong kính ngoài chớp phù hợp với khí hậu nhiệt đới. Toàn bộ công trình có bộ mái lớn, dốc vươn xa để che mưa nắng, phía dưới mái là một không gian thoáng có những ô cửa thông hơi hình tròn... Nhà chú Hỏa là một kiến trúc đặc sắc, góp phần tạo nên diện mạo đô thị Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX.

Bảo tàng nghệ thuật của thành phố

Sau năm 1975, gia đình doanh nhân Hứa Bổn Hòa ra nước ngoài sinh sống, dinh thự Nhà chú Hỏa thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Có nhiều đồn thổi, thêu dệt ly kỳ xung quanh công trình này. Tuy nhiên, tất cả chấm dứt khi chính quyền quyết định sử dụng Nhà chú Hỏa làm Bảo tàng Mỹ thuật thành phố. Trải qua nhiều biến động chính trị - xã hội cùng những thăng trầm của lịch sử, công trình tuyệt đẹp này đã trở thành một địa chỉ văn hóa, một điểm đến hút khách du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh.

Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh thành lập năm 1987 nhưng vì nhiều lý do nên phải tới năm 1989 mới chính thức đi vào hoạt động. Với nỗ lực của những người làm bảo tàng và sự đóng góp của các nghệ sĩ, hiện nay Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đang lưu giữ, trưng bày 22.000 hiện vật bao gồm tranh, tượng và tác phẩm nghệ thuật dân gian cùng nhiều hiện vật, di vật liên quan đến những tên tuổi lớn trong lĩnh vực mỹ thuật, điêu khắc.

Với tổng diện tích trưng bày 2.890m² bên trong và 1.623m² trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh là địa điểm lý tưởng để lưu giữ các tác phẩm nghệ thuật giá trị. Các tác phẩm trưng bày tại đây phần lớn là của các tác giả miền Nam hoặc liên quan đến những giai đoạn lịch sử của Nam Bộ.

Hiện nay, tầng hầm ngoài văn phòng làm việc còn là các gallery tranh - nơi trao đổi, mua bán tác phẩm đồng thời là nơi giao lưu của các nghệ sĩ. Lầu 1 là không gian triển lãm, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Lầu 2 là không gian trưng bày các tác phẩm mỹ thuật hiện đại. Nơi đây lưu giữ nhiều tác phẩm có giá trị của các tác giả lớn - trong đó có những tác giả đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật như Diệp Minh Châu, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Siên, Đinh Rú... Bên cạnh đó, bộ sưu tập ký họa chiến trường của nhiều họa sĩ, chiến sĩ cũng là những tư liệu quý, có giá trị lịch sử.

Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ một tác phẩm nổi tiếng, đã được công nhận là bảo vật quốc gia, đó là bức sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc của danh họa Nguyễn Gia Trí. Lầu 3 là nơi trưng bày các bộ sưu tập mỹ thuật cổ đại, cận đại và thủ công mỹ nghệ truyền thống. Còn khu vực ngoài trời và hành lang giới thiệu với công chúng nhiều tác phẩm điêu khắc hiện đại.

Ông Trịnh Xuân Yên - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, bảo tàng sẽ nghiên cứu và sưu tầm nhiều hiện vật có giá trị thẩm mỹ cao, mang đậm yếu tố văn hóa Việt. Cùng với đó, bảo tàng cũng triển khai trưng bày bằng nhiều hình thức hiện đại để giới thiệu những di sản quý báu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, cũng như đầu tư phát triển để xứng tầm là Bảo tàng hạng I trong hệ thống bảo tàng quốc gia.

Ông James Smith - du khách người Mỹ bày tỏ sự ngưỡng mộ khi tới thăm bảo tàng: “Thật tuyệt vời khi một bộ sưu tập nghệ thuật giá trị lại được trưng bày trong một công trình cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Tôi đã tham quan bảo tàng suốt buổi sáng. Các hiện vật trưng bày ở đây không chỉ thuần túy là tác phẩm nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa lịch sử to lớn”.

Tòa dinh thự của doanh nhân Hứa Bổn Hòa nay đã trở thành một phần di sản kiến trúc đô thị Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh. Từ một tư dinh bỏ hoang trở thành bảo tàng nghệ thuật của thành phố là một câu chuyện đẹp về cách ứng xử với di sản đô thị. Chính nhờ những giá trị được lưu giữ nên nơi đây luôn là điểm tham quan hút khách, đặc biệt với du khách nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà chú Hỏa: Câu chuyện đẹp về cách ứng xử với di sản đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.