Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao chất lượng điểm đến của Hà Nội: Yếu tố quan trọng để phát triển bền vững

Linh Tâm| 03/10/2019 10:38

(HNMCT) - Với vị thế “trái tim” của cả nước, mang trong mình những lợi thế, tiềm năng và cả trọng trách lớn hơn so với các địa phương khác, Hà Nội ngày càng khẳng định là một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới. Điều này được thể hiện qua việc những năm gần đây Hà Nội liên tiếp nằm trong danh sách đề cử “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới” của Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Award - WTA). Bài toán đặt ra cho Hà Nội là làm sao để giữ gìn và phát triển “thương hiệu” này một cách bền vững.

Làng gốm Bát Tràng đang được đầu tư trở thành điểm đến du lịch đạt chuẩn quốc tế.

Khẳng định vị thế

Trong những năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn được du khách trong và ngoài nước ghi nhận với hình ảnh một điểm đến An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn. Hình ảnh này được thể hiện qua việc Hà Nội liên tục được đánh giá, bình chọn nằm trong nhóm các điểm đến hấp dẫn của khu vực và thế giới, đồng thời nhận nhiều giải thưởng và đề cử danh giá như: “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” năm 2018 và là 1/17 thành phố “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018” do World Travel Awards vinh danh. Đây là giải thưởng uy tín vốn được ví như “giải Oscar của ngành Du lịch”. Năm 2019, Hà Nội tiếp tục lọt vào đề cử ở hạng mục này. Kết quả của cuộc bình chọn sẽ được công bố vào tháng 11-2019 cùng với 5 đề cử khác của Du lịch Việt Nam.

Ngoài ra, trong năm 2019, Hà Nội còn được vinh danh trong các bảng xếp hạng uy tín về du lịch như: Hãng hàng không ANA của Nhật Bản xếp Hà Nội đứng thứ 25/26 các thành phố châu Á tốt nhất để làm việc và du lịch. Đặc biệt, Hà Nội được nhận giải Travelers’ Choice Awards năm 2019, xếp thứ 4/25 điểm đến hàng đầu châu Á và thứ 15/25 điểm đến hàng đầu thế giới do du khách bình chọn trên trang TripAdvisor. Theo đánh giá mới nhất của CNN, Thủ đô Hà Nội được xếp thứ 17 trong danh sách 19 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2019.

Đánh giá cao về vị thế của du lịch Hà Nội cùng với những danh hiệu mà Hà Nội được công nhận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: “Bản thân Hà Nội đã là một điểm đến hấp dẫn, bởi với vị trí là Thủ đô, du khách nước ngoài luôn có xu hướng muốn ghé qua để tham quan và có những hình dung rõ nét về đất nước ấy. Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, sở hữu hệ thống di tích lịch sử cùng tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú. Đấy chính là nền tảng để Hà Nội trở thành một điểm đến hấp dẫn chứa đựng trong đó nhiều điểm đến thú vị”.

Trong kinh tế du lịch, điểm đến được coi là yếu tố “gốc”, quyết định khả năng thu hút du khách. Bởi vậy, muốn phát triển du lịch bền vững, mỗi quốc gia, mỗi địa phương đều phải chú trọng đến việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng điểm đến. Thực tế cho thấy, một điểm đến hấp dẫn, chất lượng luôn là “lực hút” khách, quyết định sự phát triển của cả một vùng, một địa phương hay cả quốc gia. Điểm đến tốt không nhất thiết phải là những địa danh có quy mô lớn, đôi khi chỉ cần là một điểm nhỏ nhưng nếu biết cách làm vẫn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Vì thế, việc đầu tư cho các điểm đến luôn là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững tại các nước và các địa phương.

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, Hà Nội sở hữu các loại hình điểm đến vô cùng đa dạng, phong phú, có thể nói là nổi trội nhất cả nước, thậm chí trong khu vực và thế giới. “Nhưng đấy vẫn chỉ là tài nguyên thô. Để chuyển thành sản phẩm mang tính thương mại, thu được lợi nhuận cần phải có sự đầu tư về chất xám, phải mài giũa, thiết kế lại. Đấy cũng là một phần trong việc nâng cao chất lượng điểm đến để thu hút khách. Từ những điểm đến quy mô nhỏ nhưng có chất lượng sẽ tạo nên thương hiệu cho các điểm đến lớn như việc Hà Nội được công nhận là Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới”, ông Lưu Đức Kế, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt bày tỏ quan điểm.

Nâng cao chất lượng điểm đến

9 tháng năm 2019, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21.553.707 lượt, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước (đạt 74,46% kế hoạch cả năm). Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 4.715.829 lượt khách, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt 67,12% kế hoạch cả năm (khách du lịch quốc tế có lưu trú ước đạt 3.310.512 lượt khách, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018); khách du lịch nội địa ước đạt 16.837.877 lượt khách, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 76,81% kế hoạch cả năm. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 74.736 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 71,99% kế hoạch cả năm.

Theo Thạc sĩ Trần Dũng Hải, nguyên giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nói tới chất lượng của điểm đến phải nói tới chất lượng của các chuỗi sản phẩm thuộc điểm đến cung ứng cho khách du lịch và tính đồng bộ giữa các chuỗi sản phẩm như: Chuỗi sản phẩm cung ứng cho nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, khám phá của du khách; chuỗi sản phẩm thuộc cơ sở hạ tầng của điểm đến; chuỗi sản phẩm thuộc các dịch vụ bổ sung tại điểm đến. Chất lượng của điểm đến phụ thuộc vào sự đồng bộ giữa các chuỗi sản phẩm bởi chỉ cần trục trặc ở một khâu nào đó giữa các chuỗi sản phẩm sẽ ảnh hưởng ngay tới chất lượng của điểm đến.

Tính đồng bộ giữa các chuỗi sản phẩm tại một điểm đến là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm để phát triển du lịch bền vững. Làng nghề Bát Tràng là một trong số đó. Ông Phạm Huy Khôi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cho biết: Những năm qua, được sự quan tâm của Thành phố, làng nghề Bát Tràng đã và đang được đầu tư bài bản để trở thành điểm đến du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh việc thường xuyên cải tạo mẫu mã sản phẩm phù hợp với thị hiếu của du khách đồng thời bảo đảm các giá trị văn hóa truyền thống của sản phẩm làng nghề, người dân Bát Tràng còn thay đổi nhận thức trong việc phát triển du lịch gắn với làng nghề để tạo thành chuỗi sản phẩm một cách đồng bộ.

Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương cùng người dân, tháng 7-2019, Bát Tràng đã được Sở Du lịch Hà Nội thẩm định và công nhận là điểm du lịch của thành phố, sau khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: Giao thông vào điểm du lịch thuận tiện, đi lại dễ dàng; có bãi đỗ xe và tuyến xe bus đi đến điểm du lịch. Ngoài ra, Bát Tràng còn có đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm gồm 20 người, có 5 hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, công suất phục vụ tối đa 250 lượt khách/ ngày; nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường...

Cùng với Bát Tràng, từ năm 2018 đến nay Sở Du lịch Hà Nội đã tiến hành công nhận 12 điểm du lịch, khu du lịch khác. Đó là các làng nghề, bảo tàng, làng cổ, khu vui chơi giải trí, khu du lịch sinh thái... có đủ các tiêu chí được quy định theo các tiêu chuẩn của Luật Du lịch 2017. Ông Phan Huy Cường, Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) cho biết, việc công nhận các khu, điểm du lịch nhằm góp phần thúc đẩy, nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm đến và quảng bá hình ảnh Hà Nội rộng rãi tới khách du lịch trong và ngoài nước. Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 130 khu, điểm được công nhận là điểm đến, từ đó sẽ có 10 - 20 khu, điểm du lịch đạt chất lượng cao được công nhận là khu, điểm du lịch cấp thành phố.

Các khu, điểm du lịch sau khi được công nhận là điểm đến sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như: Tham gia các sự kiện, hoạt động xúc tiến quảng bá ở trong và ngoài nước, được hỗ trợ công nghệ wifi và các công cụ phục vụ khách du lịch khác, được chuẩn hóa các bài thuyết minh hướng dẫn du lịch, tham gia chương trình xây dựng thương hiệu (logo), biển chỉ dẫn du lịch và sản phẩm quà tặng du lịch... Cùng với đó, các đơn vị được công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố cũng phải cam kết duy trì và đảm bảo chất lượng các tiêu chí đã được công nhận; có trách nhiệm bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch; đảm bảo an toàn, an ninh, giữ gìn vệ sinh môi trường du lịch và có các biện pháp phòng, chống cháy nổ... giúp du khách được thụ hưởng chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Bên cạnh việc công nhận các khu, điểm du lịch, Hà Nội đã và đang xây dựng Bộ tiêu chí chuẩn đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao của thành phố nhằm phát huy giá trị tài nguyên, khuyến khích đầu tư để nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố. Đây là cách làm bài bản mà Hà Nội là địa phương đi đầu nhằm chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch, nâng cao chất lượng điểm đến để ngày càng thu hút khách hơn. Từ cách làm này, khi các đơn vị, doanh nghiệp, khu, điểm du lịch hiểu rõ được ý nghĩa và hiệu quả thực sự sẽ cùng đồng hành với ngành Du lịch Thủ đô để phát triển một cách bền vững và đạt được những kết quả khả quan hơn trong tương lai. Như thế, chắc chắn Hà Nội sẽ luôn là điểm đến hàng đầu của khu vực và thế giới và được nhiều du khách ưa thích, lựa chọn.

Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội:

Câu chuyện về nguồn nhân lực ngành Du lịch từ trước đến nay luôn là “cung” chưa đủ “cầu”, nhưng thực tế ngược lại. Hà Nội là nơi tập trung nguồn nhân lực có chất lượng cao nhất trong cả nước, tính cả về số lượng và chất lượng, bởi nơi đây có các cơ sở đào tạo bài bản nhất. Đó là một trong những lợi thế để nâng cao chất lượng điểm đến.

Việc Hà Nội ban hành Bộ tiêu chí và công nhận các khu, điểm du lịch cấp thành phố sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của ngành Du lịch Thủ đô, bởi điều đó khơi dậy niềm tự hào về điểm đến đối với người dân và chính quyền. Ngược lại, đấy cũng là cách truyền thông quảng bá điểm đến để du khách biết đến các khu, điểm du lịch nhiều hơn. Cùng với đó, việc công nhận điểm đến sẽ góp phần phát triển khu, điểm du lịch một cách bền vững. Đặc biệt, đối với các làng nghề đang đối diện với nguy cơ bị mai một sẽ có cơ hội khôi phục, duy trì và bảo vệ các giá trị truyền thống một cách bền vững hơn.

Ở góc độ khác, việc này sẽ góp phần làm cho các hoạt động khai thác điểm đến quy mô, bài bản hơn; thu hút sự quan tâm của xã hội hơn, qua đó việc kêu gọi đầu tư cho các khu, điểm du lịch cũng sẽ hiệu quả hơn.

Thạc sĩ Trần Dũng Hải, nguyên giảng viên khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội:

Để nâng cao chất lượng điểm đến, cần phải phân cấp mạnh hơn về quản lý chất lượng tổng thể của điểm đến, mà vai trò chủ yếu thuộc về chính quyền các cấp có điểm đến du lịch tại địa phương. Chính quyền địa phương cần phối hợp với các chủ thể kinh doanh du lịch và cư dân địa phương cũng như khách du lịch để đi tới cam kết đảm bảo chất lượng chung. Từ đó phân cấp, phân nhiệm rõ ràng cho từng chủ thể kinh doanh cũng như cư dân địa phương phải tự giác thực hiện để đảm bảo lợi ích chung.

Đồng thời với công việc đó là kiểm tra, nhắc nhở những cá nhân và đơn vị làm tốt, cũng như uốn nắn, phê bình cá nhân và đơn vị chưa tốt. Nói cách khác, chính quyền địa phương nên là “nhạc trưởng” để điều hòa các mối quan hệ mà tạo ra chất lượng chung của toàn điểm. Những bài học thành công từ điểm đến quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, điểm đến phố cổ Hội An... đã minh chứng vai trò "nhạc trưởng" này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng điểm đến của Hà Nội: Yếu tố quan trọng để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.