Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những "sứ giả" quảng bá quê hương

Minh An| 21/08/2019 06:50

(HNM) - Sức hấp dẫn của chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ phần lớn nằm ở những diễn viên nghiệp dư vốn chỉ quen với việc đồng áng, chưa từng được đào tạo diễn xuất, nghệ thuật - Đây là nhận xét từ rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã từng xem chương trình. Họ được ví như những "sứ giả" quảng bá nét đẹp văn hóa của quê hương mình.

Vì hai chữ “đam mê”

Sài Sơn (huyện Quốc Oai, Hà Nội) vốn nổi tiếng với thắng cảnh chùa Thầy. Khoảng hai năm gần đây, vùng đất này còn nổi tiếng vì có chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ được biểu diễn trong Khu du lịch Baara Land Hà Nội trên địa bàn xã với khoảng từ 150 đến 200 diễn viên nghiệp dư là người địa phương.

Anh Tô Văn Đức biểu diễn vai mõ làng ở chương trình Tinh hoa Bắc Bộ.

Trong số những diễn viên nghiệp dư ấy, bà Nguyễn Thị Soạn ở thôn Thụy Khuê thuộc lớp người cao tuổi nhất (70 tuổi) tham gia chương trình. Trò chuyện với chúng tôi tại nhà, bà khoe túi quà của lãnh đạo Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội mới tặng và nói rằng để khi con cháu tề tựu vào dịp cuối tuần mới mở quà.

Rồi cả những tấm ảnh bà đang biểu diễn ở chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ, hay chụp chung với Tổng thống Myanmar U Win Myint khi ông tới xem chương trình… cũng được bà Soạn mang ra "khoe" với khách.

Bà Soạn chia sẻ: “Nhiều người đã nói với tôi rằng, nếu không biểu diễn ở chương trình Tinh hoa Bắc Bộ thì khó có cơ hội tiếp xúc với nhiều người nước ngoài và cảm nhận được tình cảm của họ với quê hương mình. Ngẫm kỹ cũng đúng chú ạ!”.

Cách đây hơn hai năm, khi tham gia thi tuyển diễn viên là người địa phương cho chương trình Tinh hoa Bắc Bộ, bà Soạn được chọn và hiện đảm nhiệm vai người nông dân đi bán bánh, rao bánh. Khi mới tập luyện, việc đi đứng thế nào, tiếng rao phải ra sao... là một vấn đề lớn với người chưa từng trải qua trường lớp đào tạo diễn xuất như bà. Và sau những tháng ngày tập luyện, hiện giờ vai diễn do bà thể hiện thuộc diện “không dễ thay thế”. Nhiều người còn gọi vui bà là “bà Tuần Châu”.

Cũng như bà Soạn, bà Phạm Thị Phấn (64 tuổi) ở thôn Sài Khê đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc chú trâu của chương trình, kiêm vai diễn gặt lúa, xay thóc, sàng thóc... đúng như những công việc ngoài đời thực bà vẫn làm. Cô cháu gái Phùng Hà Vy (học lớp 8) của bà Phấn trong dịp hè này cũng đã thực hiện được ước mơ của mình, là trở thành diễn viên của chương trình.

Thế là gia đình bà Phấn có hai thế hệ cùng đứng trên sân khấu của Tinh hoa Bắc Bộ. Ngồi cạnh bà trong căn nhà ở thôn Sài Khê, Hà Vy nói đầy tự tin: “Biểu diễn vào buổi tối sẽ không ảnh hưởng đến việc học tập của cháu. Cháu sẽ thu xếp thời gian làm bài tập trên lớp hoặc sau khi kết thúc biểu diễn lúc 20h30”.

Trong chương trình này, vai mõ làng cũng gây ấn tượng với người xem. Đóng vai mõ làng là anh Tô Văn Đức, nhân viên tổ đạo cụ của chương trình. Đức cho biết, tại Khu du lịch Baara Land Hà Nội, không hiếm người như Đức và bà Phấn vừa lo ruộng đồng vừa làm việc trong Khu Baara Land Hà Nội, khi chương trình sáng đèn là vào vai diễn như chính đời thực của mình.

Lúc gặp Tô Văn Đức ở nhà đạo cụ của chương trình, anh và nhiều đồng nghiệp đang “đánh vật” với đống đèn và dây điện. Tô Văn Đức kể, khi tập luyện vai mõ làng anh mới thấy không dễ dàng. Để thể hiện được kiểu cười của anh mõ khi biết đám trẻ cướp mõ của mình, anh phải mất hàng tuần tập luyện mới đạt yêu cầu.

Cũng như nhiều diễn viên khác, cả bà Soạn, bà Phấn, hay “mõ” Đức đều hiểu về những khó khăn phải đối mặt khi biểu diễn, nhất là vào những ngày mưa rét. “Lúc ấy, vẫn phải diễn hết mình nhưng dường như những đam mê diễn xuất khiến người ta quên đi cái rét, những hạt mưa đang đổ ập lên. Rồi cả việc đi lại trên đường gỗ của sân khấu cũng phải cẩn thận, nếu không có thể trượt chân”, bà Phạm Thị Phấn chia sẻ.

Mong được cống hiến

Trò chuyện với những diễn viên nghiệp dư của chương trình Tinh hoa Bắc Bộ, ngay cả với những người kiệm lời nhất thì chúng tôi vẫn thấy niềm tự hào, niềm vui của họ khi được đứng trên sân khấu, ở ngay miền quê mình sinh sống.

Dường như niềm vui, sự tự hào của họ càng được nhân lên khi biết chương trình được vinh danh là “Chương trình biểu diễn văn hóa thực cảnh hàng đầu năm 2019” tại lễ trao giải thưởng du lịch quốc tế Hàn Quốc dành cho khách sạn và khu nghỉ dưỡng năm 2019. Đây cũng là “điểm sáng” để thu hút, giữ chân khách du lịch quốc tế lưu trú lâu hơn ở Hà Nội.

Riêng với “mõ” Tô Văn Đức, niềm tự hào ấy càng nhân lên gấp bội khi một vị khách Việt kiều đã chủ động đến gặp anh sau một buổi diễn với lời cảm ơn, vì nhờ vai diễn mõ làng đã giúp ông cảm nhận rõ hơn về nếp sinh hoạt làng quê Việt Nam. “Đó là giá trị khó đong đếm, khiến tôi rất tự hào và càng muốn gắn bó với chương trình”, Tô Văn Đức bộc bạch.

Còn theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn, từ khi người dân trong xã tham gia chương trình Tinh hoa Bắc Bộ, thắng cảnh chùa Thầy đã được nhắc đến nhiều hơn, thu hút nhiều du khách đến tham quan.

Dịp lễ hội chùa Thầy đầu năm nay còn có riêng tour chùa Thầy - Khu du lịch Tuần Châu Hà Nội để xem chương trình thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ... Điều này đã góp phần tạo thêm việc làm ổn định cho một bộ phận người dân, đóng góp vào sự phát triển cộng đồng, du lịch tại địa phương.

Như ông Đỗ Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội chia sẻ, thì “ngay từ khi ấp ủ ý tưởng cho chương trình Tinh hoa Bắc Bộ, những người thực hiện đã xác định điểm mấu chốt, "gia vị" đặc biệt khiến cho vở diễn khác với bất kỳ sản phẩm du lịch hay tác phẩm nghệ thuật khác chính là sự tham gia diễn xuất của những người nông dân, kể câu chuyện về chính vùng đất và cuộc sống của họ.

Điểm ấn tượng là, dù không được đào tạo bài bản, nhóm nghệ sĩ - nông dân trình diễn như những diễn viên thực thụ, có lẽ nhờ vào sự đam mê và tình yêu tha thiết với mảnh đất quê hương của mình. Nét hồn hậu và nhiệt huyết của những nghệ sĩ - nông dân thực sự tỏa sáng cùng Tinh hoa Bắc Bộ. Đó là một lát cắt đầy cuốn hút, khi chính những người nông dân bản địa trở thành linh hồn của vở diễn, là "sứ giả" quảng bá văn hóa đến với du khách”...

Còn với những người nông dân như bà Soạn, bà Phấn, "mõ" Đức hay cô bé Hà Vy dù không có nhiều hiểu biết về nghệ thuật, nhưng tất cả đều có một mong ước chung, đó là chương trình luôn sáng đèn để họ có cơ hội thỏa đam mê và góp phần nhỏ bé quảng bá hình ảnh quê hương tới nhiều du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những "sứ giả" quảng bá quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.