Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Safe school” - Hệ thống theo dõi, bảo đảm an toàn đưa đón học sinh

Bảo Hân| 15/08/2019 06:33

(HNMO) - Từ vụ việc bé trai lớp 1 Trường Tiểu học Quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong, vấn đề bảo đảm an toàn trong hoạt động đưa đón học sinh bằng xe ô tô của nhà trường đặt ra cấp thiết hơn.

Sau nhiều văn bản siết chặt hoạt động này của các cấp quản lý được ban hành, dường như các bậc cha mẹ vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với các giải pháp "trên giấy". Tuy nhiên, ít người biết, có một hệ thống quản lý tối ưu lộ trình xe đưa đón học sinh đã được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thành công và đang áp dụng ngay tại Hà Nội.

“Cách đây hơn 2 năm, khi vấn đề bảo đảm an toàn trong đưa đón học sinh bằng xe của các nhà trường chưa được đặt ra cấp bách như hiện nay, các nhà khoa học đã thực hiện công trình nghiên cứu và cho ra đời hệ thống quản lý tối ưu lộ trình xe đưa đón học sinh”, PGS.TS Lã Thế Vinh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ định vị sử dụng vệ tinh - Đại học Bách khoa Hà Nội (Trung tâm NAVIS), Trưởng nhóm nghiên cứu, nói về một trong những tính năng của hệ thống có tên gọi “Safe school”.

PGS.TS Lã Thế Vinh tại phòng làm việc của Trung tâm NAVIS

Đúng với tên gọi “Safe school” - Trường học an toàn, hệ thống giám sát theo công nghệ định vị tiên tiến này giúp học sinh được cập nhật vị trí, thông tin gửi về cho phụ huynh và nhà trường để cùng giám sát, bảo đảm sự an toàn, tránh xảy ra những sự cố ngoài ý muốn hay các nguy cơ mất an toàn trong môi trường học đường và ngoài trường học.

Về phía phụ huynh, họ yên tâm hơn khi có thể giám sát vị trí, xem lịch sử di chuyển của con, nhận các cảnh báo nếu có, theo dõi sức khỏe cũng như quản lý chi tiêu của học sinh.

“Hệ thống này sẽ là lời giải cho bài toán quản lý của các nhà trường khi có thể dễ dàng theo dõi, quản lý học sinh; theo dõi, quản lý xe chuyên chở học sinh với mục tiêu cao nhất là bảo đảm sự an toàn cho các em”, PGS.TS Lã Thế Vinh đặc biệt nhấn mạnh. 

Minh họa về hệ thống "Safe school".

Diễn giải về quy trình cụ thể qua thực tiễn đang áp dụng tại một trường học ở Hà Nội, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm NAVIS cho biết, trong khâu đón học sinh, các nhân viên giám sát, phụ trách xe (thường gọi là monitor) sẽ thực hiện việc điểm danh với quy trình bài bản mà nhà trường đưa ra bằng ứng dụng trên điện thoại.

Trước tiên, các monitor sẽ kết hợp cùng lái xe kiểm tra, bảo đảm hết các điều kiện an toàn khi vận hành xe đưa đón, như dây đeo an toàn xe, đèn xe, ghế trên xe, vệ sinh xe… Khi tất cả các yếu tố này được bảo đảm, tính năng “điểm danh” trên tuyến xe đó mới được mở ra với danh sách học sinh cần đưa đón.

Mỗi học sinh lên xe, nhân viên phụ trách sẽ bấm vào tên em đó để xác nhận. Thông tin này cũng đồng thời được chuyển về cho phần mềm quản lý được cài đặt trên điện thoại của phụ huynh. Họ sẽ lập tức biết được con mình đã được đón lên xe. Với các học sinh nghỉ học trong ngày, hệ thống thiết lập quản lý để giúp có sự liên kết tối đa thông tin giữa gia đình, nhà trường và nhân viên giám sát.

“Quy trình điểm danh cũng được thực hiện chặt chẽ tương tự khi các học sinh xuống xe. Khi quan sát tất cả học sinh đã xuống xe hết, nhân viên phụ trách 'tick' đủ vào tên các em trên hệ thống điểm danh thì mới bấm được nút kết thúc tuyến đón, tuyến trả, phản hồi lên hệ thống của nhà trường nhằm kết thúc nhiệm vụ được giao trong buổi đưa đón… Hệ thống tạo ra các ràng buộc để nhân viên phụ trách xe phải thực hiện hết trách nhiệm được giao, hoàn thành các điều kiện đưa đón học sinh an toàn mà nhà trường đặt ra”, PGS.TS Lã Thế Vinh cho biết.

Một ví dụ về màn hình giám sát xe giúp nhà trường và phụ huynh nắm được sự hoạt động của xe đưa đón. 

Với giải pháp đầy đủ của "Safe school", ngoài các phần mềm, phần cứng được cung cấp cho nhà trường, học sinh sẽ được cung cấp thiết bị thẻ định vị hoạt động an toàn, đơn giản và tiện dụng. 

Theo mô tả của PGS.TS Lã Thế Vinh, tấm thẻ sử dụng công nghệ IoT chỉ nhỏ như dây đeo chìa khóa này có tuổi thọ pin từ 2-3 năm, sẽ giúp khắc phục được hạn chế phải sạc pin hằng ngày của các thiết bị định vị khác hiện nay như đồng hồ, điện thoại…

Ngoài ra, chúng không yêu cầu phải bảo dưỡng, bảo trì, vì cơ chế hoạt động rất đơn giản. Khi trong cặp sách của học sinh để thiết bị này, phụ huynh, nhà trường sẽ dễ dàng giám sát được vị trí của học sinh và nhận cảnh báo khi các em ra khỏi khu vực trường học.

PGS.TS Lã Thế Vinh chia sẻ thêm, việc “Safe school” bước đầu được ứng dụng vào thực tế đã đem lại nhiều niềm vui cho các nhà khoa học tại Trung tâm NAVIS. Các nhà khoa học vẫn đang đón nhận nhiều phản hồi tích cực và tiếp tục phối hợp nghiên cứu nhằm nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống, đáp ứng tốt hơn các tiêu chí đặt ra trong thực tiễn.

PGS.TS Tạ Hải Tùng, Viện trưởng viện Công nghệ thông tin Đại học Bách Khoa cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, chỉ cần một nhân viên, trong thời gian từ 1-2 giờ có thể phân tuyến toàn bộ cho việc đưa đón tới 4.000 học sinh với 200 điểm đón. Các yêu cầu giám sát chặt chẽ được đặt ra trong quy trình bảo đảm an toàn tối đa, ngăn chặn những sự việc đau lòng như bỏ quên học sinh trong xe đưa đón. Hiện tại Hà Nội có hơn 30.000 học sinh được tham gia trong hệ thống này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Safe school” - Hệ thống theo dõi, bảo đảm an toàn đưa đón học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.