Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dành trọn niềm đam mê cho môn vật lý

Tuyết Minh (thực hiện)| 22/08/2019 15:14

(HNMO) - Tại kỳ thi IOAA 2019, Nguyễn Mạnh Quân, học sinh lớp 11 chuyên Lý 1 trường THPT Hà Nội - Amsterdam, đã xuất sắc giành Huy chương vàng với số điểm tuyệt đối (Absolute Winner). Khi được hỏi về thành tích của mình, cậu trả lời khiêm tốn, nhưng đôi mắt ánh lên niềm vui...

Phút đăng quang của Nguyễn Mạnh Quân - Quán quân kỳ thi Olympic Quốc tế Thiên văn học và Vật lý thiên văn (IOAA 2019).

Niềm đam mê đến tự nhiên

- Thiên văn học và vật lý thiên văn là bộ môn không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam, cơ duyên nào đưa Mạnh Quân đến với niềm đam mê môn khoa học này?

- Đúng là ở Việt Nam, học sinh còn ít được tiếp xúc với môn khoa học này. Sau thành công của kỳ thi năm trước, thầy giáo Lê Mạnh Cường - thầy giáo dạy vật lý của đội tuyển, đã quyết định mở câu lạc bộ thiên văn trong trường.

Tại đây, em và các bạn đã được học và tìm hiểu về các chòm sao trên bầu trời, chủ đề mà từ trước đến giờ em muốn tìm hiểu mà không có điều kiện. Từ đó, em và các bạn có một số nền tảng và khơi gợi được sự hứng thú với môn thiên văn này.

Nguyễn Mạnh Quân (đứng thứ tư, bên phải) cùng đội tuyển tham dự kỳ thi IOAA 2019.

Tìm hiểu về môn thiên văn học và vật lí thiên văn, em và các bạn mong muốn khám phá bộ môn khoa học còn mới lạ và cũng rất hấp dẫn. Niềm đam mê đó còn được tiếp sức qua sự truyền cảm hứng của thầy Lê Mạnh Cường, các thầy cô giáo dạy đội tuyển và các anh Trần Đức Huy, Trần Xuân Tùng, từng đoạt Huy chương vàng môn thiên văn học.

Tham gia câu lạc bộ, ngoài những buổi học và thực hành, em cũng được thầy giới thiệu một số cuốn sách chuyên ngành để đọc và tìm hiểu thêm. Và đam mê cứ từ từ ngấm vào mình lúc nào không biết.

- Thời gian tham gia kỳ thi cũng vào kỳ nghỉ hè, kết thúc cũng là lúc bước vào năm học mới, em có thấy bị “thiệt” khi không có thời gian nghỉ ngơi không?

- Thực sự, em không thấy bị thiệt thòi gì, vì đã yêu thích bộ môn vật lý, mọi người sẽ không cảm thấy nhàm chán, và sẽ bị cuốn vào niềm yêu thích khám phá.

Thời gian sang Hungary tham gia kỳ thi cũng là khoảng thời gian rất thú vị. Chúng em được khám phá một đất nước mới, tiếp xúc với rất nhiều bạn bè quốc tế. Chúng em được tham gia các hoạt động giao lưu như: Trao đổi về học thuật, văn hóa, thể thao hoặc tham gia trò chơi trí tuệ... Bản thân em luôn giữ cho mình tâm trạng thoải mái, ổn định nhất nên khi làm bài thi rất bình tĩnh, cảm giác như làm bài kiểm tra ở nhà thôi.

- Em có thể kể rõ hơn về các môn thi diễn ra như thế nào?

- Em và các bạn trong đoàn học sinh Việt Nam tham dự IOAA 2019 phải trải qua bốn bài thi bằng tiếng Anh gồm: Bài thi thực hành (gồm thi quan sát Sao trong nhà chiếu hình, thi bản đồ Sao và thi quan sát bầu trời đêm qua kính thiên văn); bài thi lý thuyết; bài thi xử lý số liệu; bài thi đồng đội. Kết quả, đoàn học sinh Việt Nam có 8 bạn đều giành huy chương: 1 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc, 3 Huy chương đồng và 1 giấy khen.

Nguyễn Mạnh Quân (mũ trắng) trong đoàn học sinh quốc tế tham dự kỳ thi IOAA 2019.

- Khi biết mình giành Huy chương vàng với số điểm tuyệt đối, cảm xúc của em lúc đó như thế nào?

- Em cảm thấy bất ngờ và vui sướng. Các thầy cô đi trong đoàn đã chạy lại ôm lấy em và chúc mừng. Lúc đó, em rất tự hào, vì mình đã mang lại thành công cho mình, cho bố mẹ, thầy cô và cho đất nước.

- Tham gia cuộc thi, được tiếp xúc với nhiều bạn bè quốc tế, em thấy có sự chênh lệch hiểu biết giữa học sinh quốc tế và Việt Nam về bộ môn thiên văn không?

- Thực tế, mức độ hiểu biết về bộ môn này phụ thuộc vào nền giáo dục của đất nước đó. Nhiều bạn được học về môn này từ nhỏ nên có hiểu biết sâu rộng hơn. Qua cuộc thi này, em thu được rất nhiều kiến thức bổ ích và thú vị, nó sẽ bổ trợ cho việc học môn vật lý của em sau này.

Góc học tập của cậu học sinh giỏi vật lý thiên văn.

Bí quyết học giỏi là phải thực sự yêu thích

- Từng đạt nhiều thành tích cao tại các kỳ thi toán, lý, hóa trong nước và quốc tế, em có thể chia sẻ một số bí quyết để học tốt các môn này?

- Bí quyết để học giỏi các môn tự nhiên trước hết là mình phải yêu thích nó. Các môn tự nhiên ngoài việc giúp cho mình hiểu được thế giới xung quanh, tư duy logic, còn tạo cho mình thử thách để bằng mọi cách mình phải vượt qua.

Bên cạnh đó, may mắn mẹ em là giáo viên dạy môn hóa nên từ nhỏ em đã được tiếp xúc nhiều với tài liệu các môn toán, lý, hóa, nền tảng các môn này khá ổn. Ngoài ra, cần phải cố gắng dành thời gian nhiều nhất có thể cho môn học đó. Những lúc không học thì đọc sách tham khảo, từ đó kiến thức sẽ ngấm vào mình một cách tự nhiên.

- Một ngày Quân dành bao nhiêu thời gian cho môn vật lý?

- Có lẽ là khoảng 12h. Em là học sinh chuyên lý, ngoài các tiết học chính, các tiết học còn lại dành cho môn lý nhiều nhất. Ngoài ra, em còn có các buổi học tại câu lạc bộ thiên văn, tối về nhà em tiếp tục đọc sách, làm bài tập...

- Vậy còn thời gian nào để Quân giải trí, thư giãn?

- Em học cả ngày nên mọi hoạt động phần lớn đều diễn ra ở trường. Ngoài việc học các môn văn hóa, em còn tham gia các môn thể thao như đá bóng, đánh cầu lông ở trường... Buổi tối ở nhà, sau khi làm xong bài tập, em thư giãn bằng cách lên mạng xã hội để “chat” với bạn bè, xem phim, nghe nhạc... Vì không có nhiều thời gian, nên em chỉ ra ngoài cùng các bạn vào ngày nghỉ, hoặc khi có những bộ phim đặc sắc.

- Xin cảm ơn em về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dành trọn niềm đam mê cho môn vật lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.