Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn cho học sinh tại trường học: Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục

Thống Nhất| 29/08/2019 07:09

(HNM) - Việc để xảy ra mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của học sinh tại một số địa phương vừa qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo đảm an toàn cho học sinh tại trường và khi tham gia các hoạt động tập thể. Với quy mô 2 triệu học sinh, ngành Giáo dục Hà Nội đã chỉ đạo tất cả trường học phải tăng cường kiểm soát mọi hoạt động giáo dục để giảm nguy cơ mất an toàn. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành ngay từ những ngày đầu năm học mới.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các bếp ăn trường học để giảm nguy cơ mất an toàn cho học sinh. Ảnh: Minh Đức

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Với quy mô học sinh lớn nhất cả nước, ngành Giáo dục Hà Nội xác định việc bảo đảm an ninh trường học, an toàn cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng song song với nhiệm vụ giáo dục. Theo đánh giá của ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, về cơ bản, công tác bảo đảm an ninh trường học, an toàn cho học sinh đã được các nhà trường trên địa bàn thành phố triển khai nghiêm túc. Tùy theo điều kiện thực tế về địa bàn dân cư hoặc tình hình an ninh, giao thông quanh khu vực trường và lứa tuổi học sinh, mỗi nhà trường có các phương án triển khai khác nhau.

Nhiều năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo và Công an thành phố Hà Nội đã ký kết quy chế phối hợp về việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trường học. Công tác bảo đảm an toàn trong nhà trường được coi trọng, những “điểm nóng” gây mất ổn định an ninh trong và ngoài trường học không còn… 

Tuy nhiên, đây đó vẫn còn để xảy ra sự việc gây mất an toàn cả về thể chất và tâm lý cho học sinh. Điển hình là việc một học sinh tử vong nghi do bị để quên trên xe đưa đón; cô giáo nhốt trẻ vào tủ; học sinh chơi trong sân trường bị ô tô đâm gãy chân...

Đã có nhiều nguyên nhân được điểm mặt, chỉ tên để có biện pháp phòng, tránh. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, việc tuân thủ các nội quy, quy định của ngành và của pháp luật ở một số nơi, một số người chưa nghiêm túc. Quy trình tổ chức các hoạt động đôi khi còn thiếu chặt chẽ, mang tính hình thức, chưa rõ người, rõ trách nhiệm.

Còn theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, việc giáo viên, nhân viên thiếu kiến thức, kỹ năng cũng là những nguy cơ có thể dẫn đến hiện tượng mất an toàn cho học sinh như: Không biết cách sơ cứu, thiếu kiểm soát về hành vi... Ngoài ra, việc để mất an toàn cho học sinh tại trường còn do cơ sở vật chất xuống cấp, khiến trần sập, vữa rơi, đường điện hở, tường rào đổ…

Chủ động kiểm soát mọi hoạt động

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho học sinh, ngay trong những ngày đầu năm học mới, nhiều đơn vị đã chủ động có các giải pháp để tăng cường giám sát, chủ động kiểm soát mọi hoạt động.

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân cho biết: Tất cả trường học trên địa bàn quận Thanh Xuân đều lắp đặt 2 hệ thống camera, gồm có camera trong trường học và camera ngoài trường học. Hệ thống camera ngoài trường học được kết nối trực tiếp với lực lượng công an để cơ quan chức năng chủ động kiểm soát diễn biến tình hình an ninh trật tự của các trường học và kịp thời xử lý khi có sự cố.

Năm học 2019-2020 cũng là năm học đầu tiên quận Thanh Xuân thực hiện mô hình bảo vệ chuyên nghiệp ở các nhà trường nhằm tăng tính an toàn, chuyên nghiệp ở khâu này, chấm dứt hiện tượng nhân viên bảo vệ thiếu kỹ năng…

Quận Hoàng Mai là một trong những đơn vị có quy mô giáo dục tăng mạnh nhất trong số các quận, huyện, thị xã với 84 trường học và 417 nhóm trẻ tư thục; số trẻ mầm non học trường, lớp ngoài công lập chiếm gần 2/3 tổng số trẻ.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh, xác định đây là nơi có thể dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ, quận sẽ tăng cường quản lý đối với các nhóm trẻ tư thục; tập trung bồi dưỡng cho giáo viên, nhân viên các trường, nhóm trẻ mầm non tư thục về chuyên môn và kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ...

Liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho học sinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng, chất lượng chăm sóc, giáo dục chỉ có được khi nhà trường thực hiện tốt việc bảo đảm sức khỏe về thể chất, tinh thần cho học sinh, tạo cho các em không gian an toàn, thân thiện để học tập, vui chơi.

Bởi vậy, việc bảo đảm an toàn cho học sinh là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của mỗi nhà trường. Các đơn vị phải quan tâm thực chất đến công tác bảo đảm an toàn cho học sinh ở mọi khâu, rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức các hoạt động để chủ động kiểm soát, kịp thời có phương án xử lý khi có sự việc phát sinh; kiểm tra kỹ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị như điện, thiết bị thực hành; quan tâm đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm trong nhà trường…

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh rằng, việc bảo đảm an toàn cho học sinh cần được thực hiện một cách thường xuyên, cụ thể. Ngay trong lễ khai giảng năm học mới tới đây, các thầy giáo, cô giáo phải đặc biệt quan tâm đến sức khỏe, tinh thần của học sinh, nhất là ở cấp học mầm non. Các nhà trường tổ chức lễ khai giảng vui tươi, ngắn gọn, không vì mải đón khách hoặc lơ đễnh việc riêng mà bỏ quên nhiệm vụ chăm sóc, quản lý trẻ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn cho học sinh tại trường học: Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.