Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nelson Mandela – Biểu tượng của tự do và bình đẳng

Thu Hằng| 02/07/2018 17:04

(HNMO) - Tháng 7 này, thế giới kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Nelson Mandela - một trong những nhân vật chính trị xuất sắc nhất nửa sau thế kỷ XX. Ông đã đi vào lịch sử nhân loại như một nhà đấu tranh kiệt xuất cho tự do, hòa giải và tha thứ.


Từ tù nhân trở thành Tổng thống

Nelson Mandela (1918 – 2013) sinh trưởng trong một gia đình tù trưởng ở làng Mvezo, quận Umtata, thủ phủ bang Transkei, Nam Phi với tên Rolihlahla Mandela. Bảy tuổi rưỡi, ông được đi học. Trong ngày học đầu tiên, cô giáo da trắng đã đặt cho ông tên tiếng Anh là Nelson. Cho đến cuối đời, Nelson Mandela vẫn không hiểu tên đó có nghĩa gì và vì sao cô giáo lại đặt cho ông cái tên đó.

Nelson Mandela – Biểu tượng của tự do và bình đẳng


Người cha qua đời khi Nelson lên 9, một tù trưởng khác đã nhận nuôi ông. Trong hồi ký “Long Walk To Freedom” (Chặng đường dài đến tự do), Nelson Mandela kể lại đó là quãng thời gian ông được nuôi dưỡng, giáo dục nghiêm khắc để làm "người kế vị".

Sau khi tốt nghiệp trung học, Nelson theo học Đại học Fort Hare, "vườn ươm" của trí thức da đen Nam Phi. Nelson học rất chăm chỉ và tích cực tham gia các hoạt động thể thao. Trong năm học cuối (1941), ông bị buộc rời khỏi trường vì không chịu khuất phục trước những trò ranh ma của vị giám đốc trong cuộc bầu cử Ban Chấp hành Hội Sinh viên.

Nelson đến phụ việc tại một văn phòng luật sư và theo học hàm thụ tại Trường Đại học Tổng hợp Nam Phi ở Johannesburg. Dù đã chi tiêu tằn tiện quá mức nhưng mỗi tháng Nelson vẫn phải nợ tiền nhà. Bộ comple cũ ông chủ cho, Nelson phải mặc suốt 5 năm với chi chít các miếng vá.

Cuộc sống ở Johannesburg đã mở cho Nelson một thế giới mới. Ông đau đớn nhận rõ: Một đứa trẻ người Phi chỉ sinh ra trong nhà hộ sinh dành cho người Phi, chỉ được bước lên xe bus dành cho người Phi, chỉ ở trong vùng qui định dành cho người Phi, chỉ được đi học và tìm việc dành cho người Phi và lúc nào cũng có thể bị chặn lại giữa đường, nếu không mang thẻ căn cước có thể bị ném vào nhà giam.

Nelson viết trong hồi ký: "Những sự nhục mạ chất chồng, hàng vạn sự bất công khôn tả thức dậy trong tôi lòng căm phẫn đòi phải chiến đấu chống lại hệ thống chính trị tàn bạo đã bỏ tù cả dân tộc tôi. Không thể nói ngày cụ thể tôi bắt đầu hiến thân mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc tôi, đồng bào tôi. Đối với tôi, việc dấn thân vào cuộc đấu tranh ấy đơn giản, bởi vì tôi không thể làm khác được".

Năm 1947, Nelson được bầu vào Thường vụ và trực tiếp làm Bí thư Tỉnh đoàn Transvaal. Đó là chức danh công khai đầu tiên của ông ở đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC), tổ chức lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc giành quyền tự do và bình đẳng cho người dân Nam Phi.

Trong cuộc tuyển cử của người da trắng năm 1948, đảng Quốc gia của Daniel Malan với cương lĩnh Apartheid thắng cử. Dưới bàn tay sắt của Malan, hàng loạt đạo luật kỳ quái phục vụ cho chính sách phân biệt chủng tộc tệ hại và đẫm máu nhất trong lịch sử loài người văn minh được ban hành. ANC tổ chức phong trào phản kháng bất bạo động, kêu gọi toàn dân bãi công, mit-tinh tuần hành... để phản đối. Năm 1952, Nelson mở văn phòng luật sư nhận bào chữa cho người nghèo cũng như tham gia các hoạt động đối kháng ôn hòa. Thế nhưng năm 1956, Nelson cùng 150 người khác bị bắt với cáo buộc phản quốc. Nhờ sự biện hộ của luật sư, trầy trật trong 5 năm trời, các bị cáo mới được tuyên trắng án.

Khi con đường đấu tranh bất bạo động bị ngăn cấm, ban lãnh đạo ANC quyết định thành lập thêm "cánh vũ trang" nhưng là "tổ chức độc lập" nằm dưới quyền điều hành của ANC. Tháng 11-1961, Nelson Mandela trở thành người lãnh đạo cánh vũ trang MK (Ngọn lao), dùng vũ lực trong đấu tranh.

Đầu năm 1962, Nelson bí mật công du một loạt nước: Tanzania, Sudan, Ethiopie, Ai Cập, Algerie, Ghinea, Senagal và Anh để mở rộng quan hệ và tranh thủ sự ủng hộ về chính trị, kinh tế cũng như huấn luyện quân sự cho MK. Ngay khi trở về nước (8-1962), ông bị bắt với tội danh kích động bạo loạn và rời Nam Phi bất hợp pháp, bị tuyên 5 năm tù. Tháng 6-1964, Nelson lại bị tuyên án chung thân khổ sai về tội “lên kế hoạch phá hoại nhà nước”. Trước tòa, Nelson Mandela đanh thép: “Tôi cống hiến cả cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh của nhân dân Nam Phi. Tôi giương cao lý tưởng dân chủ và xã hội tự do mà ở đó tất cả mọi người bình đẳng chung sống với nhau trong những điều kiện và khả năng như nhau. Đó là một lý tưởng mà tôi lấy làm lẽ sống và hy vọng sẽ đạt được. Song nếu cần tôi cũng sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng ấy".

Dù bị đối xử khắc nghiệt trong nhiều trại tù khác nhau (ông bị nhốt trong xà lim ở đảo Robben ngoài Đại Tây Dương suốt 18 năm trong tổng số 27 năm ở tù), Nelson Mandela vẫn luôn giữ được khí tiết của một chiến sĩ dám dấn thân vì đại nghĩa. Nelson từng nhiều lần từ chối các điều kiện trả tự do của nhà cầm quyền. Chính vì vậy mà uy tín của ông ngày một lớn trong lòng người dân Nam Phi bất chấp việc chính quyền Apartheid đã sử dụng mọi biện pháp ngăn cấm việc truyền bá hình ảnh, tài liệu về ông. Rốt cuộc, bản án khắc nghiệt của nhà cầm quyền nhằm triệt tiêu ý chí chiến đấu của ông đã trở nên vô hiệu.

Tháng 2-1990, sau hơn 10.000 ngày tù đày, Nelson được trả tự do ở tuổi 71. Nổi lên trên bầu trời Nam Phi như một niềm hy vọng lớn lao, ngay sau phút giây được ngắm nhìn bầu trời bao la, ông bắt tay vào công cuộc xây dựng tự do, hàn gắn những chia cắt trong lòng dân tộc. Trong hồi ký, ông viết: “Khi tôi bước chân ra khỏi tù ngục, sứ mệnh của tôi là giải phóng cả người bị áp bức lẫn người áp bức. Một số người nói sứ mệnh đó đã hoàn thành. Nhưng tôi biết là không phải. Sự thật là chúng ta chưa có tự do; chúng ta mới chỉ đơn thuần đạt được quyền tự do lựa chọn cuộc sống tự do và quyền không bị áp bức. Chúng ta chưa bước những bước cuối của chặng đường mà mới chỉ là bước đầu tiên trên một chặng đường dài và khó khăn. Để được tự do, không đơn giản chỉ là tháo bỏ xiềng xích của một con người, mà phải biết sống theo cách tôn trọng và tăng cường sự tự do của người khác. Thử thách thực sự đối với niềm tin vào tự do của chúng ta mới chỉ bắt đầu”.

Nelson Mandela là niềm tự hào của người dân Nam Phi


Nelson Mandela tiếp tục cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid dẫn đến việc buộc Quốc hội phê chuẩn đạo luật hủy bỏ sắc lệnh dã man đã tồn tại hơn một thế kỷ ở nước này (6-1991).

Tháng 7-1991, Nelson Mandela được bầu làm Chủ tịch ANC và ngày 10-5-1994, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử dân chủ không phân biệt màu da lần đầu tiên ở Nam Phi, ông trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của đất nước Cầu Vồng.

"Tôi không phải là thánh"

Ngay sau lễ nhận chức, Tổng thống Nelson Mandela phải đối mặt với nguy cơ của một vòng xoáy bạo lực mới xuất phát từ sự hận thù của người da đen, sản phẩm tất yếu của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid.

Nelson Mandela luôn cho rằng không thể xây dựng một quốc gia từ sự giận dữ và bạo lực. Ông nói: “Chúng ta đang đấu tranh cho tiến bộ theo một cách thức và hướng tới một kết quả giúp bảo đảm rằng, tất cả người dân, bất luận da trắng hay da đen, đều trở thành những người chiến thắng”. Với tấm lòng khoan dung độ lượng, ông đã thúc đẩy hòa giải chủng tộc, thông qua đàm phán để thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Nam Phi, tạo nên một hình mẫu về việc thông qua giải pháp chính trị để giải quyết xung đột.

Madiba (tên gọi trìu mến của Nelson) bình thường đến giản dị và chính điều đó đã nâng ông thành “con người vĩ đại bình dân” với những kiến thức uyên bác của một nhà hàn lâm, là cơ sở đảm bảo cho sự hòa giải dân tộc, tránh được cuộc nội chiến đẫm máu giữa các màu da, sắc tộc trên mảnh đất đầy đau thương này. Cách ông chọn để rời chức vụ cũng rất đặc biệt. Trong lịch sử Châu Phi, rất ít nhà lãnh đạo muốn rời khỏi chức vụ. Nelson Mandela quyết định lập ra một tiền lệ để mọi người làm theo.

Sau khi rời ghế Tổng thống, Nelson Mandela tiếp tục đóng vai trò tích cực trong nhiều tổ chức xã hội vì quyền con người, chống đói nghèo, bất bình đẳng. Một trong những quan tâm chính của ông là đấu tranh chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

Đáp lại những lời vinh danh ông như một vị thánh của Nam Phi, Nelson khẳng định: “Tôi chưa bao giờ, cho dù là một khía cạnh xa xôi nhất, nghĩ mình là một vị thánh hay cố gắng trở thành một vị thánh. Tôi chỉ là một người bình thường, do hoàn cảnh đặc biệt mà trở thành người lãnh đạo”.

Tầm ảnh hưởng, nhân cách vĩ đại của Nelson Mandela vượt khỏi biên giới quốc gia. Ông được trao giải Nobel Hòa bình (1993) và từ năm 1999, Liên hợp quốc thông báo ngày sinh của ông (18-7) hàng năm sẽ được gọi là “Ngày Mandela” để ghi nhớ sự đóng góp của ông vào nền tự do của thế giới.

Nelson Mandela (trái) nhận giải Nobel Hòa bình (1993)


Hạnh phúc cuối đời

Dù là hình mẫu của thời đại, được cả thế giới biết đến và tôn trọng nhưng Nelson Mandela vẫn là một người khiêm tốn, lịch sự và đáng yêu.

Trong cuộc sống riêng tư, Nelson không may mắn. Ông cưới vợ lần đầu năm 1944 và có 4 con. Cuộc hôn nhân này kết thúc năm 1957 vì ông dành quá ít thời gian cho gia đình. Giữa thời điểm khốc liệt của cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, Nelson gặp và cưới bà Winnie Madikizela vào tháng 6-1958. Hai con gái Zenani Mandela (1959) và Zindziswa Mandela (1960) lần lượt ra đời.

Khi Nelson vào chốn lao tù, cuộc sống gia đình bị hủy hoại hoàn toàn. Ông rất biết ơn vợ đã cáng đáng gia đình, nuôi dạy các con dù bản thân bà cũng bị truy nã, tù đày. Tuy nhiên, do khác biệt về nhận thức trong một số vấn đề, tháng 3-1996, Nelson và vợ ly hôn.

Người bạn đời cuối cùng của ông là bà Graca Simbine, vợ góa của Tổng thống Mozambique. Đây là mối tình đẹp của hai con người ở những vị trí đặc biệt trong lịch sử Châu Phi hiện đại.

Ông Mandela luôn nói rằng, sống chúng với bà Graca Machel là niềm hạnh phúc to lớn của cả hai


Khi người chồng đầu tiên của bà Graca qua đời trong một tai nạn máy bay năm 1986, tuy đang vật lộn với bao nỗi thống khổ để tiếp tục sống trong nhà tù khủng khiếp trên đảo Robben như­ng Nelson đã viết những dòng an ủi người góa phụ của vị Tổng thống mà ông kính nể. Bà Graca hồi âm. Thế là bắt đầu một mối quan hệ qua thư từ giữa hai con người đã gắn cuộc đời mình cho cuộc đấu tranh chống lại sự bất công. Hạnh phúc đã mỉm cười với Nelson đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 80 của ông: “Tôi cảm thấy rằng sống chung với bà ấy là niềm hạnh phúc to lớn của cả hai”. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nelson Mandela – Biểu tượng của tự do và bình đẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.