Theo dõi Báo Hànộimới trên

NASA - Sáu thập kỷ chinh phục không gian

Thu Hằng| 25/07/2018 07:59

(HNMO) - 60 năm chinh phục không gian của NASA với những thành tựu to lớn giúp loài người khám phá không gian vũ trụ.

NASA chính thức đi vào hoạt động ngày 1-10-1958 tại trụ sở chính ở thủ đô Washington với nhiệm vụ “vươn đến những tầm cao mới, hé lộ những điều còn bí ẩn để mọi hành động và kiến thức đều mang lại lợi ích cho nhân loại”. Từ đó đến nay, sáu thập kỷ đã trôi qua, NASA xứng đáng là “đầu tàu” thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu và chinh phục vũ trụ. Hiện cơ quan này có hơn 10 trung tâm nằm rải rác trên khắp nước Mỹ với ngân sách khổng lồ 19,5 tỷ USD/năm.

Những cuộc rượt đuổi

Vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, thế giới chứng kiến cuộc đua không gian khốc liệt giữa hai siêu cường thời chiến tranh Lạnh. Cả Liên Xô và Mỹ đều muốn vượt lên trước đối thủ, chiếm ưu thế không gian, qua đó khẳng định sức mạnh quốc gia.

Tháng 10-1957, Liên bang Xô Viết đã đặt Mỹ trước một thử thách về công nghệ với việc phóng thành công vệ tinh nhân tạo Sputnik 1, rồi Sputnik 2 chở theo cô chó Laika, trở thành nước đầu tiên đưa một vật thể vào quỹ đạo Trái đất.

Nhanh chóng triển khai các sứ mệnh không gian, trong chương trình đầu tiên mang tên Mercury, NASA đã nhắm đến các chuyến bay vào không gian có người. Nhưng một lần nữa, người Nga lại vượt lên trước khi phi hành gia Yuri Gagarin bay vào vũ trụ trên con tàu Vostok 1 ngày 12-4-1961.

Tổng thống Mỹ John F.Kennedy chúc mừng phi hành gia Alan Shepard - người Mỹ đầu tiên bay vào vũ trụ tại Washington năm 1961.


Người Mỹ đã đáp lại một cách khiêm tốn với chuyến bay của phi hành gia Alan Shepard ngày 5-5-1961. Chuyến bay này chỉ kéo dài 15 phút 22 giây nên tàu không thể bay hết một vòng quanh địa cầu. 20 ngày sau đó, Tổng thống Mỹ John F.Kennedy đưa ra tham vọng: “Chúng ta quyết định sẽ đến Mặt trăng và trở về an toàn ngay trong thập kỷ này bên cạnh những việc làm khác, không phải vì chúng là việc dễ dàng, mà vì chúng đầy khó khăn. Trong giai đoạn này, sẽ không có dự án vũ trụ nào gây ấn tượng đáng nể hơn cho loài người, hoặc có tầm quan trọng lớn hơn cho tương lai lâu dài của ngành thám hiểm vũ trụ; và cũng sẽ không có thử thách nào có thể coi là khó khăn hơn hoặc tốn kém hơn”. Tuyên bố của Tổng thống John Kennedy là phát súng hiệu khởi đầu cho công cuộc tiến vào vũ trụ với Dự án không gian Apollo. Dự án là nỗ lực cao nhất của NASA, tiêu tốn 25 tỷ USD và trong giai đoạn cao điểm mang lại việc làm cho 400.000 người, mở ra giai đoạn phát triển rực rỡ cho NASA.

“Bước nhảy vĩ đại cho loài người”

Vượt qua nhiều thử thách và sai lầm, NASA đã hoàn tất nhiệm vụ đưa con người bay vòng quanh Mặt trăng với Apollo 8. Và ngày 20-7-1969, trên con tàu vũ trụ Apollo 11, nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong của NASA đã trở thành người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng và trở về Trái đất an toàn.

Phi hành đoàn Apollo 11 trong sứ mệnh chinh phục Mặt trăng, từ trái sang Edwin “Buzz” E.Aldrin, Neil Armstrong và Michael Collins.


Cuộc đột phá lên Mặt trăng là “một bước nhảy vĩ đại”, mãi mãi tượng trưng cho lòng dũng cảm, lòng khát khao khám phá và vươn tới sự tiến bộ của con người. Thành công này đã ảnh hưởng rất nhiều đến niềm tin của người Mỹ. Cho đến tháng 12-1972, Mỹ đã đáp thành công thêm 5 lần nữa xuống Mặt trăng, đưa 12 phi hành gia của NASA bước xuống vệ tinh của Trái đất.

Thành công của Dự án Apollo đã mở ra cơ hội cho Mỹ và Liên Xô hợp tác với nhau trong chuyến bay quốc tế đầu tiên vào vũ trụ. Đó là Dự án Thử nghiệm Apollo - Soyuz, được tiến hành tháng 7-1975. Một tàu vũ trụ Apollo của Mỹ mang theo 3 phi hành gia đã sáp nhập thành công với tàu vũ trụ Soyuz của Liên Xô mang theo 2 phi hành gia trong quỹ đạo. Cuộc đua không gian kết thúc.

Chỉ huy tàu Apollo 18 Tom Stafford và tàu Soyuz 19 Alexey Leonov đã trao nhau cái bắt tay quốc tế đầu tiên trên vũ trụ, ngày 17-7-1975. (Nguồn CNN)


Ngày 20-8-1975 NASA chính thức khởi động Chương trình Viking khám phá sao Hỏa. Đây là chương trình vũ trụ tốn kém nhưng thành công nhất của NASA trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Trong suốt vòng đời của mình, tàu Viking đã thu thập nhiều thông tin quan trọng của “hành tinh đỏ”, qua đó giúp ích lớn cho việc nghiên cứu hành tinh, vốn được coi là giống với Trái đất nhất trong Hệ Mặt trời.

Năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ban hành một dự án không gian hoàn toàn mới, đưa vào hoạt động phi thuyền đầu tiên có thể dùng lại được nhiều lần. Đó là Dự án tàu con thoi. Vào ngày 12-4-1981, từ bệ phóng Cape Canaveral, tàu con thoi Columbia đã làm nên lịch sử.

Ngày 12-4-1981, tàu con thoi Columbia của NASA đưa 2 nhà du hành John Young và Bob Crippen bay vào không gian. Đây là một sự kiện có tầm quan trọng to lớn: Lần đầu tiên động cơ tên lửa dùng nguyên liệu rắn được sử dụng để đẩy tàu vũ trụ vào quỹ đạo.


Chương trình tàu con thoi, kết nạp thêm 4 con tàu: Atlantis, Challenger, Discovery và Endeavor, đã đưa nhiều vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất và phóng nhiều phi thuyền thăm dò vũ trụ, như các phi thuyền Galileo và Magenllan. Năm 1990, tàu con thoi Discovery đã đưa Kính viễn vọng không gian khổng lồ Hubble vào quỹ đạo. Hubble đã phát hiện được nhiều hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời và xác nhận sự hiện diện của các hố đen. Nó còn giúp các nhà khoa học tìm hiểu về tuổi chính xác của vũ trụ.

Tàu con thoi Discovery đem vào vũ trụ kính thiên văn nổi tiếng nhất thế giới Hubble Space Telescope ngày 24-4-1990.


Từ năm 1998, NASA cũng hợp tác với Nga, Nhật Bản, Canada và các nước thành viên Cơ quan không gian châu Âu (ESA) xây dựng Trạm không gian quốc tế (ISS). Dự án ISS xây dựng vật thể nhân tạo lớn nhất trên quỹ đạo nhằm tạo một trạm cư trú và làm việc trên không gian cho các phi hành gia.

Một thành tựu phi thường của NASA là đã đáp thành công tàu thăm dò Curiosity lên bề mặt sao Hỏa ngày 6-8-2012. Con tàu công nghệ nặng một tấn, trị giá 2,5 tỉ USD này đã giúp các nhà khoa học tìm hiểu về sự sống có thể từng xuất hiện trên sao Hỏa, lịch sử và tương lai của Trái đất cũng như sự chuẩn bị cho một sứ mệnh của con người trong tương lai không xa…

Sáu thập kỷ chinh phục không gian, NASA trở nên một huyền thoại. Cơ quan này đã làm nhiều điều được cho là gần như không thể (Mỹ trở thành quốc gia đầu tiên đưa tàu vũ trụ tới mọi hành tinh, từ sao Thủy tới sao Diêm Vương…) nhưng cũng trải qua nhiều đau đớn, ghi nhận lòng can đảm và sự hy sinh to lớn của các phi hành gia.

Đầu năm 1967, 3 phi hành gia của NASA đã tử nạn trong cuộc phóng thử nghiệm phi thuyền Apollo 1. Gần 20 năm sau, tháng 1-1986, trong chương trình truyền hình trực tiếp, thân nhân của các nhà du hành cùng hàng triệu người Mỹ đã chứng kiến vụ tai nạn hàng không vũ trụ kinh hoàng nhất thế giới: tàu con thoi Challenger nổ tung chỉ sau 73 giây được phóng đi, khiến 7 phi hành gia trên tàu hy sinh. Thảm kịch lại xảy ra tháng 2-2003. Tàu con thoi Columbia đã vỡ nát khi bay trở về Trái đất, NASA bị mất thêm 7 phi hành gia.

NASA hướng đến tương lai

Từ năm 2011, NASA đã vạch ra các mục tiêu chiến lược: Mở rộng và duy trì các phi vụ hoạt động có người điều khiển trong Hệ Mặt trời; mở rộng hiểu biết khoa học về Trái đất và vũ trụ; sáng tạo những công nghệ vũ trụ mới; thúc đẩy nghiên cứu hàng không học… NASA tiếp tục các dự án nghiên cứu bao gồm khảo sát sao Hỏa (Mars 2020 và InSight), sao Mộc, sao Thổ và nghiên cứu Trái đất cũng như Mặt trời. Các phi vụ đang thực hiện bao gồm Juno bay quanh sao Mộc, Cassini bay quanh sao Thổ, New Horizons (bay ngang qua sao Mộc, sao Diêm Vương, và một tiểu hành tinh vào năm 2019), và Dawn nghiên cứu hành tinh lùn Ceres và tiểu hành tinh Vesta trong vành đai tiểu hành tinh. NASA tiếp tục ủng hộ các nghiên cứu đang diễn ra, bao gồm các tàu Pioneer và Voyager đang bay vào vùng ngoài sao Diêm Vương chưa từng được khám phá, cũng như thám hiểm các hành tinh khí khổng lồ...

Đã từ rất lâu, tham vọng chinh phục sao Hỏa luôn là sứ mệnh “số 1”, được ưu tiên hàng đầu của NASA. Khát khao chinh phục hành tinh đỏ đã giúp các chuyên gia nơi đây phác thảo bản kế hoạch mang tên “Journey to Mars”, đưa người lên sao Hỏa vào năm 2030.

Giấc mơ chinh phục Mặt trời của nhân loại cũng đang dần trở thành hiện thực khi NASA công bố sẽ đưa tàu vũ trụ không người lái Parker Solar bay thẳng vào bầu khí quyển bao quanh "quả cầu lửa”, hay còn được biết đến là vầng hào quang của Mặt trời, ở khoảng cách gần nhất trong lịch sử hàng không vũ trụ. Dự kiến Parker Solar sẽ được phóng vào không gian vào ngày 31-7-2018 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida (Mỹ).

Parker Solar sẽ là tàu đầu tiên bay thẳng vào bầu khí quyển. (Nguồn ABC.net)


Các nhà khoa học tin tưởng Parker Solar sẽ truyền về Trái đất những dữ liệu quý giá để giúp nghiên cứu lý do vì sao khí quyển Mặt trời lại nóng đến vậy. Ngoài việc mở rộng kiến thức về các hành tinh, thông tin mà sứ mệnh chinh phục Mặt trời đem lại còn giúp cải thiện khả năng dự báo các cơn bão Mặt trời và các sự kiện khí hậu trong không gian có thể ảnh hưởng tới cuộc sống ở Trái đất, các vệ tinh hay các nhà du hành vũ trụ đang làm nhiệm vụ trong không gian.

Chi phí cho sứ mệnh chinh phục Mặt trời của NASA hiện lên tới 1,5 tỉ USD. Đây được coi là bước tiến lớn của NASA nói riêng và của nhân loại nói chung trong khát vọng thám hiểm vũ trụ bao la. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
NASA - Sáu thập kỷ chinh phục không gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.