Theo dõi Báo Hànộimới trên

Điểm nóng buôn bán ma túy

Minh Hiếu| 21/07/2019 07:31

(HNM) - Theo báo cáo vừa được Văn phòng Liên hợp quốc về phòng chống ma túy và tội phạm (UNODC) công bố, các băng đảng tội phạm ma túy ở châu Á - Thái Bình Dương thu lợi khoảng 30 tỷ USD đến 61 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, Đông Nam Á là khu vực đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tội phạm ma túy nghiêm trọng nhất thế giới, khi những vụ triệt phá lớn kỷ lục trị giá hàng triệu USD ngày càng trở nên phổ biến.

Số ma túy bị đem đi tiêu hủy ở tỉnh Ayutthaya - Thái Lan hồi cuối tháng 6. Ảnh: REUTERS

Số liệu được UNODC đưa ra tăng nhiều lần so với con số 15 tỷ USD mà các băng đảng tội phạm ma túy ở châu Á - Thái Bình Dương thu về trong năm 2010. Thị trường Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc chiếm khoảng 1/3 với tổng giá trị các vụ giao dịch là 20 tỷ USD. UNODC ước tính trên 12 triệu người sử dụng ma túy tổng hợp ở Đông Á, Đông Nam Á, Australia, New Zealand trong năm 2018 đã tiêu thụ 320 tấn ma túy đá tinh chất và toàn bộ số ma túy này đều có nguồn gốc từ các xưởng sản xuất tại miền Bắc Myanmar. 

Trong thông báo ngày 15-7, cảnh sát Thái Lan cho biết đã thu giữ hơn 10 triệu viên ma túy đá chỉ tính riêng từ đầu tháng này. 8 đối tượng buôn bán hơn 5 triệu viên ma túy đá, 600kg tinh thể ma túy đá, 15,4kg hê rô in và 51kg ketamine đã bị bắt giữ. Các loại ma túy này được phát hiện ngày 12-7 trong một xe tải và được giấu trong những chiếc giỏ đựng trái cây. Cuối tháng trước, lực lượng biên phòng Thái Lan cũng phát hiện một hang động chứa đầy ma túy nằm sâu trong rừng rậm ở tỉnh Chiang Mai. Trong hang chứa tới 5 triệu viên ma túy đá, có tên địa phương là yaba hay thuốc điên và 145kg tinh thể ma túy đá bọc trong bao ni lông lớn.

Không chỉ ở Thái Lan mà một số nước khác như Lào và Malaysia cũng ghi nhận các vụ bắt giữ kỷ lục trong năm 2018. Các dự án đường cao tốc và các cây cầu mới xây dựng ở Đông Nam Á để phục vụ giao thương bị những kẻ buôn lậu biến thành con đường lý tưởng cho hoạt động “xuất, nhập khẩu” ma túy. Trong số này có đường cao tốc R3A được mở năm 2011, nối Thái Lan với Trung Quốc, chạy xuyên qua Lào.

Ông Jeremy Douglas, đại diện UNODC tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương cho biết, các vùng biên giới rộng lớn với địa hình phức tạp đã tạo điều kiện để tội phạm ma túy dễ dàng hoạt động. Điển hình như tại bang Shan của Myanmar, một trong những điểm nóng về ma túy ở khu vực. Trước đây, các băng đảng tội phạm ở Shan thường buôn bán thuốc phiện và hê rô in, nhưng sau đó đã chuyển sang ma túy tổng hợp khi nhận ra chúng dễ sản xuất hơn và có thể sinh lời nhiều hơn. Những khu vực như vậy bị các băng đảng buôn bán ma túy lợi dụng để thực hiện hoạt động kinh doanh bất hợp pháp và ngày càng trở nên nguy hiểm.

Đầu năm nay, chính quyền Thái Lan đã tăng cường truy quét dọc biên giới phía Bắc với Myanmar, nơi khởi đầu tuyến đường chính được sử dụng để vận chuyển ma túy đá qua Thái Lan. Những nỗ lực đã đạt kết quả bước đầu, song các nhà chức trách khẳng định bọn tội phạm vẫn sẽ không ngừng tìm kiếm các tuyến đường và phương thức vận chuyển mới cho những vụ làm ăn phi pháp của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm nóng buôn bán ma túy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.