Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ứng phó với thiên tai: Khắc phục tâm lý chủ quan

Bài, ảnh: Kim Nhuệ| 08/05/2019 07:31

(HNM) - Với sự chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, thành phố Hà Nội đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2018.

Sở NN&PTNT Hà Nội đẩy nhanh tiến độ xử lý sự cố cống Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ) phục vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2019.


Còn xem nhẹ... thiệt hại

Năm 2018, thành phố Hà Nội chịu ảnh hưởng của 2 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới, 7 đợt nắng nóng, 8 đợt rét đậm, rét hại và 15 đợt mưa to trên diện rộng… Mặc dù thành phố đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ giải pháp nhưng thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn còn lớn. Theo đánh giá của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, ngoài thời tiết cực đoan, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống lũ lụt vượt tần suất thiết kế, một số huyện ngoại thành bị thiệt hại còn do... chủ quan.

Ông Trần Văn Phiu, Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) cho biết, xã đã khuyến cáo người dân không phát triển đàn thủy sản trong mùa mưa bão để hạn chế thiệt hại khi mực nước hồ Quan Sơn dâng cao. Bên cạnh đó, vào những ngày mực nước hồ Quan Sơn dâng cao, xã đã lập chốt cảnh báo người dân không đi qua đập tràn… Tuy nhiên, do một số hộ dân, người dân trên địa bàn chủ quan, chưa thực hiện khuyến cáo, cảnh báo nên xảy ra thiệt hại về kinh tế và tai nạn đáng tiếc...

Ông Nguyễn Văn Chuẩn, hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Hợp Tiến giãi bày: “Dựa vào mực nước năm 2008, gia đình tôi đã tôn cao bờ ao thêm 0,8m. Vậy nhưng không ngờ lượng mưa và mực nước hồ Quan Sơn năm 2018 lại lớn đến vậy!”.

Đánh giá công tác phòng, chống thiên tai năm 2018 trên địa bàn, Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế: Một số cán bộ và nhân dân trên địa bàn huyện còn chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ về công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Cụ thể là chưa xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát với thực tế của địa phương, còn thiếu các giải pháp cụ thể; chưa xây dựng phương án phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro; hoặc có xây dựng thì cũng mang tính hình thức...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Chu Phú Mỹ cho rằng, hạn chế nêu trên của huyện Mỹ Đức là thực trạng chung ở nhiều đơn vị, địa phương trong năm 2018. Ngoài ra, nhiều đơn vị, địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân kỹ năng phòng tránh, ứng phó thiên tai. Cụ thể, nếu người dân có kiến thức về thiên tai sẽ không xây dựng công trình trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, thoát lũ; không đi qua các đập tràn hoặc đánh bắt cá khi nước sông, suối dâng cao, chảy xiết… Khi có kiến thức về thiên tai, người dân những vùng thường xuyên xảy ra úng ngập dài ngày sẽ chủ động kê cao tài sản, tích trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men chữa bệnh, nhiên liệu đun nấu, thắp sáng…

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng là giải pháp rất quan trọng trong giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì vậy, năm 2019, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai đề án Nâng cao nhận thức của cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết: “Huyện Chương Mỹ xác định, nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là một trong những giải pháp quan trọng để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Bởi vậy, năm 2019, huyện đã giao các xã, thị trấn tuyên truyền về tác hại và các biện pháp phòng, chống từng loại hình thiên tai; trong đó, tập trung hướng dẫn kỹ năng ứng phó, thích ứng úng ngập cho nhân dân 10 xã thường xuyên chịu ảnh hưởng của lũ rừng ngang...”.

Còn Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) Trần Văn Phiu khẳng định đã nghiêm túc rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Cụ thể, xã đã ban hành nghị quyết về công tác phòng, chống thiên tai, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; phân công nhiệm vụ, địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên. Bên cạnh đó, xã sẽ phối hợp cơ quan chức năng để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai…

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, về lâu dài, Sở đề xuất các cấp, các ngành nghiên cứu, đưa nội dung phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu vào chương trình đào tạo chính thức trong các cấp học; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai tại các địa phương, nhất là cấp cơ sở…

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019, huyện Đan Phượng đề xuất bố trí kinh phí xử lý sự cố kè Liên Trì đoạn từ K46+900 đến K47+700; kè Liên Hồng đoạn K43+200; sớm hoàn thành xây dựng, tu sửa các điếm canh đê trên tuyến hữu Hồng, La Thạch; cải tạo, nâng cấp đê tả Đáy đoạn từ K1+250 đến K2+750… Còn huyện Thạch Thất đang tập trung chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng đê điều, công trình thủy lợi; xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với thiên tai: Khắc phục tâm lý chủ quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.