Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam có tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải mã gen

T. Minh| 29/05/2019 06:04

(HNMO) - Theo các nhà khoa học, việc ứng dụng giải mã gen trong chẩn đoán bệnh đóng vai trò quan trọng như tìm đúng bác sĩ chuyên khoa, chỉ ra cách dùng thuốc, lên kế hoạch điều trị và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.

… Việt Nam có tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải mã gen. ​


Đây là nội dung được giới thiệu tại hội thảo khoa học với tiêu đề “Sự kết hợp của giải mã gen và trí tuệ nhân tạo – một cách tiếp cận mới trong chăm sóc sức khỏe” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức ngày 28-5 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết, gần đây với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã tạo ra nhiều sự biến đổi, trong đó có lĩnh vực y tế mà cụ thể là thay đổi, phát triển phương pháp chuẩn đoán, chữa bệnh thông qua giải mã gen. Với sự phát triển, kết hợp đồng bộ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ giải mã gen, xử lý ảnh… đã giúp ngành Y tế có thể chẩn đoán bệnh theo cách mới, không phải như cách thông thường hiện nay.

Giáo sư Gill Bejerano, Đại học Stanford.


Tham luận tại hội thảo, Giáo sư Gill Bejerano, Khoa Khoa học dữ liệu y sinh, Đại học Stanford nhận định, Việt Nam có tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải mã gen. Việc ứng dụng giải mã gen trong chẩn đoán bệnh đóng vai trò quan trọng như tìm đúng bác sĩ chuyên khoa cho vấn đề sức khỏe họ đang gặp phải, chỉ ra cách dùng thuốc, lên kế hoạch điều trị và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân.


Ông David Strohm, Quỹ đầu tư Greylock cho biết, ứng dụng giải mã gen trong điều trị và chăm sóc sức khỏe là xu hướng của thế giới. Tuy nhiên, để chính xác hệ thống gen của người Việt, cá nhân hóa phác đồ điều trị cho người Việt thì Việt Nam nên xem xét đến việc hình thành Trung tâm Giải mã gen...


TS Cao Anh Tuấn, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành GENETTICA Việt Nam và Hoa Kỳ.


Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học, quản lý đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc ứng dụng công nghệ giải mã gen tại Việt Nam như bảo mật dữ liệu gen, ai là người được đặt dịch vụ này? Quy chuẩn của một phòng thí nghiệm làm dịch vụ gen là gì? Tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, quy trình, con người sẽ như thế nào?

Hàng loạt vấn đề được đặt ra mang tính gợi mở không chỉ cho các nhà khoa học mà cho cả những nhà quản lý. Ở thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, các nước có thể nhập khẩu nhiều công nghệ song nghiên cứu về gen lại là câu chuyện hoàn toàn khác, người Việt nói riêng và người châu Á nói chung cần có các công trình nghiên cứu gen cho riêng mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam có tiềm năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào giải mã gen

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.