Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dông, lốc ở đô thị: Những vấn đề mới đặt ra

Kim Nhuệ| 11/06/2019 06:21

(HNM) - Thời gian gần đây, dông, lốc liên tiếp xảy ra tại các tỉnh, thành phố gây thiệt hại về người và tài sản. Với những yếu tố đặc thù đô thị, dông lốc xảy ra tại khu vực này cũng có những hình thái khó lường, bất ngờ...

Một cơn dông xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Ảnh: Sơn Hà


Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, dông lốc là hiện tượng thời tiết nguy hiểm thường xảy ra vào thời điểm giao mùa (từ lạnh sang nóng, mùa khô sang mùa mưa) và sau những đợt nắng nóng. Về nguyên nhân gây ra dông, lốc là do mặt đất hấp thu nhiều bức xạ của mặt trời làm các luồng không khí nóng ẩm bốc lên cao, giao với luồng không khí có nhiệt độ thấp hơn tràn xuống phía dưới tạo thành đối lưu trong khí quyển.

Đối lưu này tạo ra mưa, sấm, chớp và gió giật mạnh… Ông Lê Thanh Hải cho rằng, do khu vực đô thị có nhiều công trình xây dựng bằng bê tông, mặt đường trải bê tông, nhựa, ít cây xanh ngăn chặn ánh nắng trực tiếp… nên hấp thu mạnh bức xạ mặt trời khiến đối lưu khí quyển mạnh hơn, cường độ dông thường lớn hơn so với khu vực nông thôn… Hơn nữa, do khu vực đô thị có nhiều nhà cao tầng nên thường xảy ra hiện tượng hút gió, khiến sức gió thường tăng khoảng 2-3 cấp so với khu vực nông thôn.

Nói về hiện tượng trên, ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho biết, khi xảy ra dông, lốc mạnh… khu vực nội thành có nguy cơ thiệt hại rất nặng do có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông đông… Chỉ cần một vật từ trên cao (vật liệu phục vụ thi công xây dựng công trình, tôn lợp mái nhà, biển quảng cáo, bồn chứa nước, tấm pin mặt trời…) bất ngờ rơi xuống mặt đất hoặc cây xanh gãy đổ… đều có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ùn tắc giao thông…

Để giảm thiệt hại do dông, lốc gây ra, việc chủ động phòng ngừa được coi là giải pháp đặc biệt quan trọng, trong đó, cốt yếu là chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo. Về vấn đề này, ông Lê Thanh Hải cho rằng, để dự báo sớm thời gian xảy ra dông, lốc là thách thức đối với ngành Khí tượng thế giới. Ngay như Hoa Kỳ, quốc gia có nền khoa học khí tượng phát triển nhất thế giới, cũng chỉ đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo dông, lốc trước thời điểm xảy ra khoảng 3-4 giờ. Còn tại Việt Nam, dù đã rất nỗ lực cũng chỉ có thể đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo dông lốc trước khoảng 30 phút đến 2 giờ.

Cần giải pháp bền vững

Hình ảnh một cơn dông xuất hiện bất ngờ tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn


Theo ông Lê Thanh Hải, hạn chế lớn nhất của người dân là thiếu kỹ năng ứng phó với dông, lốc. Do dông, lốc thường xảy ra vào chiều tối nên nhiều người dân cố bất chấp nguy hiểm để về nhà. Vì vậy, để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, người dân không nên tham gia giao thông khi xuất hiện cơn dông. Trường hợp đang đi trên đường thì nên tìm cách trú ẩn, nhưng không trú dưới gốc cây để tránh bị thương do cây hoặc các tấm biển quảng cáo, vật dụng khác bay đến. Ngoài ra, các đô thị cần có giải pháp nâng cao hiệu quả truyền tin cảnh báo thiên tai… Về lâu dài, các đô thị cần thực hiện các giải pháp hạn chế hiệu ứng “đảo nhiệt” bằng cách trồng nhiều cây xanh, tăng diện tích thảm cỏ, bề mặt thấm nước, mặt nước…

Năm 2019, các địa phương và đơn vị của Hà Nội đang tập trung rà soát và xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố sập đổ công trình, gãy đổ cây xanh; đôn đốc, hướng dẫn nhân dân kiểm tra, gia cố công trình trên cao và các kỹ năng phòng tránh…

Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, đến thời điểm này, đơn vị đã cơ bản hoàn thành việc kiểm tra, chặt hạ cây già cỗi, nguy hiểm và cắt tỉa cành cây nặng tán trên các tuyến phố… Ngoài ra, để nhanh chóng giải tỏa cây đổ, kịp thời thông đường, công ty đã xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư ứng phó với tình huống gãy đổ 500 cây xanh trong cùng thời điểm…

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long thông tin: Các phường trên địa bàn đang tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh các loại hình thiên tai nguy hiểm: Dông, lốc, úng ngập… Từ đó, khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động kiểm tra, gia cố các công trình trên cao (mái lợp, bồn chứa nước, biển quảng cáo…). Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn quận và các phường chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện… sẵn sàng, kịp thời xử lý các tình huống thiên tai…

Về vấn đề truyền tin cảnh báo thiên tai, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng Bưu chính viễn thông (Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội) cho biết, Sở đã vận động các doanh nghiệp viễn thông truyền tin cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm đến người dân thông qua hệ thống tin nhắn trên điện thoại di động. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các cơ quan báo chí truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng… Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thành phố đa dạng các hình thức truyền tin, bảo đảm mục tiêu kịp thời, nhiều người cùng tiếp cận…

Trận “siêu dông” xảy ra ngày 13-6-2016 tại Hà Nội đã làm 2 người ở quận Hai Bà Trưng thiệt mạng do cây đổ, 5 người ở quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm bị thương do rơi mái tôn, biển quảng cáo... Ngoài ra, trận dông này còn làm gãy đổ gần 1.300 cây xanh; tốc mái 139 ngôi nhà tại quận Nam Từ Liêm; gãy đổ 21 cột điện, 170 trạm điện bị mất nguồn, 13 ô tô và nhiều xe máy bị hư hại.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dông, lốc ở đô thị: Những vấn đề mới đặt ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.