Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự báo, cảnh báo thiên tai: Cần nhanh hơn, chính xác hơn

Bài, ảnh: Kim Văn| 22/07/2019 08:36

(HNM) - Đánh giá công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng, chống thiên tai thời gian qua, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết: So với những năm trước, thời hạn dự báo bão, áp thấp nhiệt đới đã sớm hơn.

Công tác dự báo, cảnh báo lũ trên các sông cũng chính xác, kịp thời hơn; tần suất phát hành các bản tin dự báo, cảnh báo dày hơn…

Tuy nhiên, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai hiện vẫn có bất cập. Đó là các bản tin về hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt, ngập lụt đô thị còn chưa chi tiết, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai. Dự báo dông, lốc, sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ và các thiên tai xảy ra nhanh, quy mô nhỏ chưa đáp ứng yêu cầu độ tin cậy trong cảnh báo về thời gian, khu vực ảnh hưởng…

Khai thác số liệu tại Trạm Khí tượng Phù Liễn (thành phố Hải Phòng) phục vụ dự báo, cảnh báo thời tiết hằng ngày.

Đồng tình với nhận định trên, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu Hà Văn Um cho rằng: “Là tỉnh miền núi, thường xuyên bị thiệt hại do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, Lai Châu rất cần các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai sớm, có độ chính xác cao… Nhưng hiện nay, các bản tin này chưa đủ mức độ cụ thể, chi tiết, đặc biệt là dự báo định lượng về cường độ mưa lớn, lũ quét, ngập lụt… Thực tế này phần nào làm địa phương bị động trong phòng chống, giảm rủi ro thiên tai”.

Về nguyên nhân hạn chế, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lý giải: “Dự báo cường độ bão, mưa lớn ở khu vực nhiệt đới là một thách thức của khoa học và công nghệ dự báo trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Thách thức này càng cao hơn khi ở Việt Nam vẫn thiếu số liệu trên biển và số liệu đo ở các tầng trên cao khí quyển đối với bão, số liệu mưa ở vùng địa hình chia cắt phức tạp. Đặc biệt, do mạng lưới trạm quan trắc đo mưa hiện nay còn thiếu và chưa được tự động hóa nên ngành Khí tượng thủy văn chưa thể dự báo, cảnh báo chính xác, chi tiết về thời gian, địa điểm, cường độ, phạm vi xuất hiện lũ quét, sạt lở đất”.

Để giảm rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành yêu cầu Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục nghiên cứu cải tiến nội dung và hình thức các bản tin dự báo, cảnh báo theo hướng nhanh hơn, chính xác hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu cho Chính phủ đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai bằng việc tăng số lượng điểm đo mưa để bảo đảm mật độ 40-120km2/điểm; ưu tiên hiện đại hóa và vận hành ổn định hệ thống radar thời tiết trên toàn quốc. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xây dựng hệ thống quan trắc trên giàn khoan, cột phát sóng của các mạng viễn thông... 

"Trong tương lai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Chính phủ đầu tư hệ thống thám sát bão bằng máy bay nhằm xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển và cường độ của bão chính xác hơn; tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số; hệ thống dự báo thời tiết, thiên tai khí tượng thủy văn dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo và kỷ nguyên dữ liệu lớn; mô hình dự báo bão chuyên dụng của Việt Nam…", Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự báo, cảnh báo thiên tai: Cần nhanh hơn, chính xác hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.