Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy vọng sự sống trên "siêu Trái đất" chỉ cách chúng ta 31 năm ánh sáng

Theo Hải Vân/Báo Tin tức| 16/08/2019 16:30

Các nhà thiên văn học đã tìm thấy một ngoại hành tinh có bề mặt bao phủ bởi nước dạng lỏng, có điều kiện hỗ trợ sự sống và chỉ cách chúng ta 31 năm ánh sáng.

Kính viễn vọng TESS được mệnh danh là “Thợ săn ngoại hành tinh” của cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa phát hiện một hành tinh mới có thể tồn tại sự sống. Ngoại hành tinh này quay quanh một ngôi sao trong chòm sao Hydra bên ngoài hệ Mặt trời và chỉ cách Trái đất 31 năm ánh sáng.

Theo trang Industrytap.com, hành tinh có khả năng tồn tại sự sống này được gọi là “siêu Trái đất” mang tên GJ 357 d. “Siêu Trái đất” này nằm trong số 45 ngoại hành tinh gần nhất được xác nhận cho đến nay, trong tổng số 4.025 hành tinh được tìm thấy bên ngoài hệ Mặt trời.

Hình vẽ mô phỏng hành tinh GJ 357 d. Ảnh: CNN

GJ 357 d to gấp đôi và nặng gấp 6 lần Trái đất. Các nhà nghiên cứu dự đoán, hành tinh này quay quanh ngôi sao chủ ở khoảng cách đủ xa, khiến nhiệt độ của nó có thể hỗ trợ nước lỏng trên bề mặt.

“GJ 357 d nằm ở rìa ngoài của khu vực có thể sống được của ngôi sao, nơi nó nhận được cùng một năng lượng từ ngôi sao giống như sao Hỏa nhận được từ Mặt trời”, bà Diana Kossakowski, thành viên của nhóm nghiên cứu phát hiện ra hành tinh này chia sẻ trong một thông cáo báo chí.

Mặc dù các nhà khoa học chưa có bằng chứng để chứng minh rằng sự sống tồn tại ở đó, nhưng họ xác định rằng, hành tinh đầy hứa hẹn này sẽ có những điều kiện thuận lợi để hỗ trợ sự sống.

Phó Giáo sư thiên văn học Lisa Kaltenegger, Giám đốc Viện Carl Sagan tại Cornell cho biết: “Với bầu khí quyển dày đặc, hành tinh GJ 375 d có thể duy trì nước lỏng trên bề mặt như Trái đất, và chúng ta sẽ sớm có thể tìm ra những dấu hiệu của sự sống bằng kính thiên văn”.

Theo bà Kaltenegger, nếu GJ 375 d có dấu hiệu của sự sống, hành tinh này sẽ đứng đầu danh sách thám hiểm của con người, và chúng ta có thể giải đáp những thắc mắc trong 1.000 năm rằng liệu loài người chỉ có thể sống trong vũ trụ hay không. Siêu Trái đất này chắc chắn sẽ là một trong những mục tiêu thuận lợi nhất để dùng kính thiên văn khám phá, vì nó rất gần và rất sáng. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể thu thập ánh sáng đó và phân tích thêm để nghiên cứu thành phần hóa học trong bầu khí quyển.

Tuy nhiên, nếu hành tinh này không có bầu khí quyển, bề mặt của nó sẽ ở khoảng -53 độ C, thấp hơn nhiều so với nhiệt độ đóng băng của nước.

Các nhà khoa học sẽ phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai để xác định liệu nó có đủ nhiệt để làm ấm hành tinh hay không, nước lỏng trên bề mặt hành tinh này có thể tạo nên sự sống hay không. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hy vọng sự sống trên "siêu Trái đất" chỉ cách chúng ta 31 năm ánh sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.