Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biến rác thải nhựa thành nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp

Bình Minh| 06/10/2019 16:42

(HNMO) - Rác thải nhựa không thể tái chế sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy sản xuất công nghiệp. Đây là một trong những nội dung của dự án “Biến nhựa đại dương thành cơ hội trong nền kinh tế tuần hoàn “(OPTOCE) do Chính phủ Na Uy tài trợ, được thực hiện tại 5 nước, gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar và Thái Lan.

Xử lý rác thải nhựa đã trở thành vấn đề toàn cầu.

Theo bà Grete Lochen, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, 80% lượng rác thải trên biển xuất phát từ những nguồn thải trong đất liền.  Với tổng dân số khoảng 3 tỷ người, trong đó khoảng 1 tỷ người dân sống gần sông, hồ, biển, 5 quốc gia nói trên thải ra 176.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày, tương đương 64 triệu tấn/năm. Việc xử lý một lượng rác thải nhựa như vậy là một thách thức lớn.

Trong khi đó, các ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép và ngành điện tại các quốc gia này đang phải tiêu thụ một lượng than khổng lồ và phát thải trên 30% lượng CO2 trên toàn thế giới.

Theo dự án này, rác thải nhựa không thể tái chế sẽ được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy bằng phương pháp đồng xử lý (Co-processing). Các nhà máy sẽ cắt giảm được lượng than tiêu thụ nhờ thu hồi năng lượng từ việc đốt rác thải nhựa không thể tái chế. Hiệu quả năng lượng sẽ cao hơn nhiều so với các nhà máy chuyển đổi rác thải thành năng lượng thông thường. Phương pháp đồng xử lý hiệu quả về chi phí và không làm phát sinh các chất tồn dư, trong khi đó, phát thải khí nhà kính sẽ giảm đáng kể so với hình thức chôn lấp và đốt rác thải.

Trong thời gian tới, dự án OPTOCE sẽ làm việc với Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các Sở Tài nguyên và Môi trường, các tổ chức trong nước, quốc tế và khu vực tư nhân để thúc đẩy hình thức đối tác công tư trong việc thu gom rác thải và sử dụng rác làm nguyên liệu cho các nhà máy.

Giai đoạn thí điểm của dự án ở Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm 2019, khi Quỹ Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Na Uy hỗ trợ hai doanh nghiệp tư nhân là Nhà máy xi măng INSEE và Nhà máy giấy Lee&Man sử dụng phương pháp đồng xử lý để giải quyết vấn đề rác thải nhựa không thể tái chế. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biến rác thải nhựa thành nguyên liệu cho các nhà máy công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.