Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu kinh tế: Nâng cao chất lượng tăng trưởng

Hồng Sơn| 18/12/2015 06:51

(HNM) - Kiểm soát chặt chẽ lạm phát, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, chấm dứt đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản, chủ động ngăn chặn nợ xấu... là những vấn đề được đề cập tại hội thảo

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, một trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phát triển đất nước.


Đây là những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng tăng trưởng và trình độ phát triển của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế, với nhiều thách thức trong thời gian tới…

Yêu cầu bức thiết

Theo CIEM, sở dĩ phải thực hiện tái cơ cấu kinh tế bởi, sau nhiều năm vận hành theo tư duy, cách quản lý cũ, nền kinh tế đã đứng trước nguy cơ tụt hậu rõ ràng. Đơn cử, nếu mức tăng trưởng trung bình là 5%/năm thì đến năm 2035 GDP bình quân đầu người của ta chỉ bằng 75% của Trung Quốc và bằng 83% của Thái Lan. Càng nan giải hơn khi nguồn lực Nhà nước hạn chế, ngân sách thâm hụt và tỷ lệ nợ công tăng cao. Hiện, nhiều chuyên gia lo ngại tốc độ gia tăng nợ công có xu hướng diễn ra nhanh hơn so với các năm trước.

Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng vẫn tụt hậu, thiếu đồng bộ về đường sá, cảng hàng không, cảng biển, năng lượng… nên chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Tình trạng doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, với mô hình quản lý lạc hậu và năng suất lao động thấp, ngày càng ảnh hưởng xấu đến quá trình thực hiện mục tiêu hiện đại hóa.

Hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế.


Trong giai đoạn 2011-2015, Chính phủ triển khai tái cơ cấu kinh tế, với trọng tâm là bảo đảm an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng, nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ vốn bằng cách áp dụng những biện pháp ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ, tài khóa và lãi suất hợp lý. Kết quả là lạm phát đã được kiểm soát chặt chẽ và đưa xuống mức thấp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tăng trưởng và đời sống dân sinh ổn định.

Tiếp theo là tái đầu tư công nhằm đổi mới cơ chế và cách thức huy động, quản lý, sử dụng vốn nhà nước để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, chấm dứt đầu tư dàn trải, khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản… Bên cạnh đó, việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp kết hợp với cổ phần hóa được đẩy mạnh, vừa bảo đảm mục tiêu minh bạch, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp vừa thu hồi vốn về cho Nhà nước. Đến nay, các đơn vị đã thoái được hơn 25% vốn đầu tư ra ngoài ngành, với giá trị thực tế bằng 1,4 lần giá trị trên sổ sách.

Các chuyên gia cho rằng, kinh tế vĩ mô đã ổn định, môi trường kinh doanh được cải thiện, lạm phát thấp, tăng trưởng GDP có xu hướng tăng dần qua các năm… Song, thực tế cũng bộc lộ một số hạn chế không thể xem thường, như tái cơ cấu đầu tư công chưa cải thiện rõ rệt; việc xử lý nợ xấu kéo dài, chưa tách hết chức năng chủ sở hữu ra khỏi quản lý; vẫn còn tư duy ưu đãi đối với DN nhà nước…

Kỳ vọng tăng trưởng 6,5-7%/năm

Việc nghiên cứu, xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 được đặt ra trong bối cảnh phải giải quyết thách thức về chất lượng tăng trưởng, nguồn lực hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư lớn, cạnh tranh ngày càng gay gắt...

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, vấn đề căn bản cần giải quyết là cải cách thể chế kinh tế nhằm bảo đảm điều kiện minh bạch, thông thoáng; tạo môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh công bằng, dễ hiểu và dễ tuân thủ. Đây cũng là yêu cầu khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và hội nhập quốc tế chủ động thay vì "cuốn theo xu thế hội nhập".

Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần có sự tinh lọc, bảo đảm các yêu cầu sản xuất và giao thương trong điều kiện hội nhập; lấy khả năng cạnh tranh là mục tiêu và động lực phát triển. Ngoài kỹ năng quản trị, FTA là một cú hích để doanh nghiệp tiếp cận, du nhập công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại; từ đó tăng cường chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh với sản phẩm của các nước. Những nỗ lực của Chính phủ trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được đánh giá cao, với tỷ lệ 90% trong số 514 doanh nghiệp đã hoàn thành, nhưng cải cách doanh nghiệp vẫn là yêu cầu quan trọng hàng đầu của tái cơ cấu kinh tế thời gian tới.

Về hệ thống ngân hàng, các chuyên gia gợi ý cần tập trung siết chặt kỷ luật, tôn trọng yêu cầu của thị trường nhưng bảo đảm kiểm soát chặt nguy cơ rủi ro và chủ động ngăn chặn nợ xấu. Giải quyết triệt để ngân hàng yếu kém, thua lỗ bằng cách cho sáp nhập, hợp nhất hoặc mua lại vốn điều lệ để thanh lọc, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống.

Cùng với đó, chuyên gia khuyến nghị nâng cao hiệu quả đầu tư công, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp dân doanh phát triển; tạo thị trường việc làm; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư… Chính phủ đứng trước cơ hội và quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, đưa nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường đầy đủ… Theo các chuyên gia, nếu tập trung tái cơ cấu và xử lý hiệu quả các hạn chế, có thể hy vọng kinh tế sẽ đạt tốc độ tăng trưởng ở mức 6,5-7%/năm, thậm chí cao hơn trong 5 năm tới.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu kinh tế: Nâng cao chất lượng tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.