Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động đón Cách mạng công nghiệp 4.0

Hà Hiền| 18/01/2018 06:56

(HNM) - Công tác giảm nghèo đạt kết quả hơn mong đợi, xuất khẩu lao động lập “kỷ lục” mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh… góp phần đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Năm 2017, toàn TP Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 152.000 người, đạt 100% kế hoạch. Ảnh: Viết Thành


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung ương; cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà.

Xác lập "kỷ lục" về giảm nghèo


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, năm 2017, TP Hà Nội đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong lĩnh vực lao động - người có công và xã hội. Toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 152.000 người, đạt 100% kế hoạch; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị từ 4,22% năm 2016 xuống còn 3,12%. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuyển sinh và đào tạo cho hơn 170.000 lượt người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 60,66%, vượt xa sự kỳ vọng. Công tác giảm nghèo xác lập “kỷ lục” mới với hơn 15.000 hộ thoát nghèo, đạt 112,3% kế hoạch, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố giảm còn 1,69%.

Đến nay, Hà Nội không còn thôn, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhiều quận nội thành cơ bản không còn hộ nghèo. Người dân được thụ hưởng đầy đủ chính sách an sinh xã hội; 100% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình tại địa bàn.

Có được những kết quả nổi bật nêu trên là nhờ TP Hà Nội triển khai hiệu quả giải pháp dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Cụ thể, năm 2017, thành phố trợ cấp hằng tháng cho gần 178.000 đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho gần 246.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo với số tiền gần 171 tỷ đồng; tạo điều kiện cho hơn 60.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất với số tiền hơn 1.800 tỷ đồng…

“Mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ đều hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức đề ra. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô có sự chuyển biến rõ rệt”, đồng chí Ngô Văn Quý khẳng định. Trên tinh thần đó, năm 2018, TP Hà Nội đặt mục tiêu đào tạo nghề cho 179.300 lượt người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 63,5%; giải quyết việc làm cho 152.000 người; giảm khoảng 5.600 hộ nghèo so với năm 2017. Hà Nội sẽ hỗ trợ 100% hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở tiến hành xây dựng, sửa chữa nhà.

Ở phạm vi cả nước, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp, kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm năm 2017 có bước đột phá ngoạn mục. Cả nước đã tạo việc làm cho hơn 1,63 triệu người. Lần đầu tiên, xuất khẩu lao động cán mốc 134.000 người. Số lao động qua đào tạo tăng nhanh ở nhóm có trình độ từ đại học trở lên. Thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn khoảng 7%. Nhìn chung, các giải pháp giảm nghèo đi vào thực chất, phù hợp với từng đối tượng, từng địa phương.

Năm 2018, ngành LĐ-TB&XH cả nước tiếp tục hoàn thiện, phát triển thị trường lao động; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; phấn đấu để tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58-60%; giảm khoảng 1,5% số hộ nghèo…

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là nhiệm vụ quan trọng.Ảnh: Viết Thành


Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ngoài chủ trương đúng và giải pháp phù hợp, tinh thần, thái độ làm việc tận tình, trách nhiệm, sáng tạo của đội ngũ cán bộ ngành LĐ-TB&XH đã góp phần tạo nên dấu ấn đậm nét trong những năm vừa qua. Thủ tướng động viên đội ngũ cán bộ ngành LĐ-TB&XH tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc mà ngành LĐ-TB&XH cần tập trung tháo gỡ nhằm giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhất là với thanh niên và lao động có trình độ cao… Để đạt được điều đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH thực hiện tốt tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo trong tất cả các lĩnh vực thuộc Bộ.

“Chính phủ kiến tạo có nhiệm vụ tạo mọi điều kiện để thị trường hoạt động tốt, không làm những việc thị trường làm tốt hơn. Bộ LĐ-TB&XH phải nhận rõ những gì Bộ cần làm, điều gì nên tạo điều kiện để thị trường làm, nhất là trong lĩnh vực lao động, việc làm. Đối với những việc cần làm thì nói phải đi đôi với làm và phải làm cho bằng được”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Nhằm tạo thế chủ động đón cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng giao ngành LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng cho người lao động bởi đó là “chìa khóa” để thoát bẫy thu nhập trung bình; tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia xây dựng trường nghề, cung cấp dịch vụ hướng nghiệp. Trước mắt, Bộ LĐ-TB&XH cần tập trung đổi mới hệ thống dạy nghề theo hướng tự chủ, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xu hướng phát triển; tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ thông tin trong mọi hoạt động.

Năm 2017, năm cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng về xác nhận người có công được triển khai sáng tạo, dân chủ, công khai. Kết quả, cả nước đã xác nhận 1.250 liệt sĩ, 2.500 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh. Tại Hà Nội, toàn thành phố vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 68 tỷ đồng, đạt 370% kế hoạch; tặng 9.200 sổ tiết kiệm cho người có công; tu sửa, nâng cấp 269 công trình ghi công liệt sĩ... Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, TP Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 8.211 hộ gia đình người có công với tổng kinh phí hỗ trợ là 955 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động đón Cách mạng công nghiệp 4.0

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.