Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng: Liệu có là thuế chồng thuế?

Thanh Hương| 16/04/2018 13:49

(HNMO) - Việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản với nhà giá trị trên 700 triệu đồng đang thu hút sự quan tâm của dư luận.


Theo dự án Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản đối với đất, nhà - công trình xây dựng trên đất và tài sản tàu bay, du thuyền, ô tô. Với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng hai phương án thuế: Đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên và nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên; phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Mức thuế áp dụng là 0,3% hoặc 0,4%. Mức này được đưa ra dựa theo kinh nghiệm quốc tế, mức thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Đa số các nước áp dụng mức thuế tài sản cao, trong đó một số nước trong khu vực, như Indonesia là 0,5%, Philippines 1% và 2%...

Việc đánh thuế tài sản với nhà cần có lộ trình. (Ảnh minh họa. Ảnh: TTX)


Bộ Tài chính cho biết, thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn.

Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực Châu Á là khoảng 2%/GDP. Ở Việt Nam, qua đánh giá cho thấy, thuế thu trong quá trình sử dụng tài sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp) chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất. Lý do đề xuất đánh thuế tài sản nhà, đất được cơ quan quản lý này đưa ra là nhằm tái cơ cấu nguồn thu ngân sách, khai thác tốt nguồn thu tài sản và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trước đề xuất trên, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) cho biết, hiện Việt Nam chưa có Luật Thuế tài sản nhưng đã có những loại thuế đánh vào tài sản như thuế quyền sử dụng đất, phí chuyển quyền sử dụng đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp...

Về lý do Bộ Tài chính đưa ra cho việc đánh thuế tài sản nhà ở là theo thông lệ quốc tế, ông cho rằng, đúng là theo thông lệ quốc tế nhưng không phải nước nào cũng thực hiện, chỉ những nước kinh tế phát triển mới thực hiện. Thậm chí tại Thái Lan, nước có thu nhập cao hơn Việt Nam, vẫn chưa áp dụng.

Hơn nữa, theo ông, ở nhiều nước, giá nhà thấp (cao gấp 4-5 lần thu nhập), trong khi giá nhà ở Việt Nam cao hơn tới 25-30 lần thu nhập. Chưa kể, ở chung cư, người dân phải đóng phí dịch vụ, sắp tới là bảo hiểm phòng chống cháy nổ, tức phải chịu nhiều thuế, phí trong khi sức dân có hạn. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng, trong bối cảnh đời sống người dân còn thấp, đánh thuế tài sản nhà vào thời điểm này là chưa hợp lý.

“Việc áp dụng thuế tài sản nhà cần thận trọng, có lộ trình, đảm bảo sự công bằng để người có thu nhập cao đóng nhiều, người có thu nhập thấp đóng ít”,  PGS.TS Ngô Trí Long đề xuất.


Không đồng ý với dự thảo Luật này, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu có cái nhìn ở khía cạnh khác. Theo ông, việc đánh thuế tài sản liên quan đến bất động sản cần phải đạt hai yêu cầu: Chính sách thuế phải hỗ trợ chủ trương của Chính phủ là giúp người dân mua nhà, bởi nhu cầu nhà ở của người dân còn rất cao; đồng thời bảo đảm công bằng, tức người giàu đóng thuế nhiều hơn người nghèo.

Vì vậy, ông đề xuất chỉ nên đóng thuế quyền sử dụng đất như hiện nay nhưng xem xét mức thuế cho phù hợp hơn, không nên đánh thuế trên giá trị của tài sản được xây trên đất.


“Tiền người dân dùng để mua hoặc xây nhà đã bị đánh thuế thu nhập. Nếu chúng ta thực hiện đánh thuế tài sản nhà, người dân sẽ chịu thuế kép, thuế chồng thuế”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Để đáp ứng nguyên tắc công bằng khi đánh thuế, ông cho rằng nên có chính sách ưu đãi đối với người mua nhà lần đầu bằng cách miễn trừ thuế thu nhập đối với số tiền người dân dùng để trả lãi ngân hàng khi phải vay tiền để mua nhà, nhưng với nhà thứ hai trở lên thì không được hưởng chính sách này.

Trả lời câu hỏi về việc liệu người dân có tìm cách "lách" để được ưu đãi khi mua nhà thứ hai bằng cách nhờ người đứng tên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, đây là vấn đề khó nhưng cần giải quyết. Cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân về nghĩa vụ đóng thuế, cũng cần có biện pháp, chế tài xử phạt nặng những trường hợp đứng tên hộ để "lách" luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng: Liệu có là thuế chồng thuế?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.