Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ nông dân làm giàu

Sơn Tùng| 25/07/2018 07:08

(HNM) - Thời gian qua, Hội Nông dân TP Hà Nội đã có nhiều đổi mới hoạt động, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, đẩy mạnh hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường tiêu thụ nông sản…, để đạt được mục tiêu giúp nông dân làm giàu.


Hiện nay, Hội Nông dân huyện Ba Vì đang duy trì 32 mô hình kinh tế tập thể và chỉ đạo xây dựng 8 mô hình kinh tế mới. Thông qua việc hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật, các mô hình kinh tế tập thể ngày càng phát triển, khẳng định vị trí, vai trò của các cấp Hội Nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Điển hình như mô hình chăn nuôi gia cầm của gia đình anh Nguyễn Văn Sắc, xã Thụy An, đang nuôi hơn 1 vạn con gà, doanh thu 1 tỷ đồng/năm. Anh Sắc cho hay, nhờ sự hỗ trợ tích cực của Hội Nông dân huyện, thương hiệu gà đồi Ba Vì ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường...

Tương tự, Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và Phát triển đàn bò Ba Vì, thôn Xuân Hòa, xã Vân Hòa (huyện Ba Vì), dù mới đi vào hoạt động được 5 năm, nhưng đã từng bước khẳng định lợi thế trong chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn. Đến nay, hợp tác xã đang duy trì tổng đàn bò là 205 con, trong đó có 175 con bò sữa và 30 con bò thịt; bình quân mỗi năm thu hơn 350 tấn sữa. Hiệu quả trên đã mang lại thu nhập cho mỗi thành viên hợp tác xã từ 5 đến 13 triệu đồng/tháng.

Hội Nông dân huyện Thanh Trì cũng tập trung xây dựng 17 mô hình kinh tế tập thể, trong đó có 6 mô hình kinh tế điểm cho hiệu quả kinh tế cao; hỗ trợ hơn 7.500 hộ gia đình được vay vốn ưu đãi với hơn 120 tỷ đồng. Còn Hội Nông dân huyện Ứng Hòa đã có nhiều đổi mới trong hoạt động hỗ trợ nông dân, phối hợp với các ngành, giúp đỡ 1.200 gia đình hội viên nông dân thoát nghèo bằng nhiều hình thức như: Hỗ trợ vốn vay, cây, con giống phát triển sản xuất nông nghiệp…

Ông Lê Trọng Khuê, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, Hội Nông dân thành phố đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ nông dân xây dựng tổ hội nghề nghiệp, Câu lạc bộ Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, xây dựng nhãn hiệu tập thể do Hội Nông dân các cấp làm chủ sở hữu… Qua đó, thu hút ngày càng nhiều hội viên nông dân tham gia và khẳng định được vai trò, vị trí, uy tín của Hội Nông dân đối với lãnh đạo chính quyền địa phương. Tuy nhiên, so với yêu cầu đổi mới hoạt động, Hội Nông dân các cấp vẫn còn nhiều bất cập như: Đội ngũ cán bộ Hội tại một số địa phương chưa đồng đều về chất lượng; phương thức hoạt động còn chung chung, nặng về hình thức; sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn manh mún, quan hệ liên kết rời rạc, tiếp cận thị trường kém... Việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể ở cơ sở khó nhân rộng các mô hình hiệu quả do thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường...

Để khắc phục hạn chế trên, ông Lê Trọng Khuê cho hay, thời gian tới Hội Nông dân thành phố sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên và tình hình của nông dân. Cùng với đó, chăm lo bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp Hội và hội viên trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh các hoạt động giám sát phản biện xã hội… Đặc biệt, Hội Nông dân thành phố tiếp tục đẩy mạnh bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và ý thức trách nhiệm cho cán bộ Hội, nhất là cán bộ cơ sở theo hướng kiên trì, sáng tạo, đồng hành cùng nông dân và chính quyền địa phương, doanh nghiệp… nhằm đưa phong trào của Hội ngày càng phát triển toàn diện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ nông dân làm giàu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.