Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới cung cấp dịch vụ công cho chuỗi thực phẩm

Ngọc Quỳnh| 08/08/2018 07:17

(HNM) - Hà Nội đã, đang cung cấp dịch vụ công cho phát triển chuỗi thực phẩm an toàn nhằm chứng nhận hợp quy và các dịch vụ về chứng nhận an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, để tiếp tục khắc phục những tồn tại như các chuỗi hình thành nhưng còn rời rạc, thiếu bền vững, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ từng bước đổi mới công tác cung cấp dịch vụ công cùng với việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tăng cường hậu kiểm.

Chăm sóc đàn gà tại trang trại ở xã Cổ Đông (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Bá Hoạt


Vẫn còn vướng mắc

Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Thủ đô là nơi có lượng tiêu thụ lớn sản phẩm thịt lợn (khoảng 1.000 tấn/ngày), trong khi đó, thành phố mới cung cấp được 60%, còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Hà Nội cũng đã xây dựng được 80 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, trong đó có 36 chuỗi có nguồn gốc động vật, còn lại là thực vật. Do đó, việc cung cấp những giấy tờ cần thiết cho chuỗi thực phẩm thông qua chứng nhận hợp quy, các dịch vụ về chứng nhận an toàn dịch bệnh; xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng sản phẩm... đóng vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, hiện nay việc cung cấp dịch vụ công cho phát triển chuỗi thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn còn không ít vướng mắc. Theo ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, nguyên nhân là do nông dân sản xuất theo tập quán cũ, khi sang tư duy sản xuất kinh doanh theo chuỗi còn lạ lẫm. Đặc biệt, việc người dân tới các cơ quan quản lý nhà nước làm thủ tục hành chính để được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ chưa thành nếp. Người dân cũng chưa sẵn sàng trả phí cho các dịch vụ công. Hơn nữa, tiêu chuẩn cho mỗi loại sản phẩm khác nhau nên nảy sinh nhiều rườm rà, tốn kém, trong khi lợi nhuận các mặt hàng thực phẩm còn thấp.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách; nhận thức của các tác nhân tham gia chuỗi còn hạn chế, chưa có chế tài minh bạch giữa sản phẩm được chứng nhận an toàn và sản phẩm không an toàn. Mặt khác, sự tham gia của doanh nghiệp vào cung cấp dịch vụ công chưa được chú trọng.

Là người trực tiếp đi làm dịch vụ công cho chuỗi thực phẩm, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường cho biết, hiện nay, người dân khi đi làm các giấy tờ liên quan đến phát triển chuỗi thực phẩm còn khó khăn do thủ tục hành chính phức tạp, phiền hà, quy trình cung ứng dịch vụ phải qua nhiều công đoạn, phòng, ban. Thực tế, vẫn có một số cán bộ khi cung cấp dịch vụ công còn chưa chuyên nghiệp, gây khó khăn cho các hợp tác xã, người dân...

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật

Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết khó khăn trong công tác cung cấp dịch vụ công về chuỗi giá trị, các sở, ngành cần chuyển từ cấp các loại giấy phép hành chính công sang tư vấn, chứng nhận hoàn thiện những điều kiện sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; đồng thời tiến hành đồng bộ từ khâu chăn nuôi, sản xuất, chế biến cho đến cung ứng sản phẩm trong khâu tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc xuất xứ bảo đảm khép kín.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó trưởng Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), các cơ quan quản lý nhà nước cần đổi mới trong cung cấp dịch vụ công, chẳng hạn như: Chuyển từ cấp các loại giấy phép hành chính công sang tư vấn, chứng nhận hoàn thiện những điều kiện sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chuỗi sản xuất tiêu thụ cho những tổ chức tư vấn chứng nhận được Nhà nước chỉ định. Các cơ quan quản lý nhà nước cần cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ công, chuyển từ "cho không" sang "thu phí", nhưng cần đa dạng hóa hình thức cung cấp dịch vụ công. Nhà nước, tư nhân và đối tác công tư sẽ góp phần đẩy nhanh việc phát triển các chuỗi giá trị thực phẩm.

Để nâng cao hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công cho chuỗi giá trị thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, các đơn vị của ngành Nông nghiệp thành phố cần đánh giá, lựa chọn khâu then chốt của các chuỗi để Nhà nước tác động, cung cấp dịch vụ nhằm gia tăng giá trị cho người dân, doanh nghiệp tham gia trong chuỗi thực phẩm. Theo đó, giai đoạn trước mắt, khi chưa có đơn giá cụ thể về dịch vụ công thì các bên cần có sự thỏa thuận, thống nhất giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và đơn vị hưởng lợi từ các dịch vụ công này. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các hợp tác xã, doanh nghiệp cần đánh giá những ưu điểm và bất cập của từng loại dịch vụ công được cung cấp, để các cơ quan quản lý nhà nước từng bước điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

"Thời gian tới, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ từng bước đổi mới công tác cung cấp dịch vụ công cùng với việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp và tăng cường hậu kiểm, kiểm tra đánh giá chất lượng. Từ đó, tạo tiền đề thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng truyền thống sang hoạt động theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước", ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới cung cấp dịch vụ công cho chuỗi thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.