Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng giá trị cho đặc sản vùng miền

Hiền Phạm| 25/12/2018 07:16

(HNM) - Mỗi vùng, miền đều có một loại sản phẩm đặc sản riêng, là niềm tự hào của địa phương. Tuy nhiên, sự hạn chế trong các khâu tiếp thị, quảng bá, xây dựng thương hiệu… đang là rào cản khiến những sản phẩm này chưa nâng được giá trị, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.

Khách hàng lựa chọn vải thiều được bày bán tại siêu thị của Tổng công ty Thương mại Hà Nội.


Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu… và phong phú các loại trái cây, thủy sản. Tuy vậy, còn nhiều nhà sản xuất, địa phương chưa quan tâm tới bảo hộ sở hữu trí tuệ và rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế. Theo điều tra của cơ quan chức năng, có nhiều nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu hàng hóa nước ngoài; mới có khoảng 50 mặt hàng đạt tiêu chí chỉ dẫn địa lý quốc gia và 140 nhãn hiệu chứng nhận nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, chỉ một số ít trong đó được đăng ký bảo hộ ở nước ngoài...

Tại hội nghị giao thương kết nối cung - cầu năm 2018 do UBND TP Hà Nội vừa tổ chức, bà Vũ Thị Hậu - đại diện hệ thống siêu thị Vinmart cho biết, hiện nay các siêu thị yêu cầu sản phẩm phải có nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng bảo hộ, trong khi đa phần đặc sản vùng, miền trong nước do các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, nên hầu như không đăng ký bảo hộ; nguồn hàng cung cấp không ổn định... Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho rằng, các doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tiềm năng phát triển của đặc sản, các sản phẩm còn đơn điệu trong thiết kế mẫu mã; doanh nghiệp chưa liên kết tốt với nhau để xây dựng hệ thống phân phối trong và ngoài nước.

Để khắc phục những bất cập trên nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản bền vững, ổn định, từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội đã hỗ trợ doanh nghiệp 46 tỉnh, thành phố đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, trong đó có cả hệ thống phân phối của nước ngoài tiêu thụ, như: Aeon (Nhật Bản), Lottemart (Hàn Quốc); Tập đoàn Central Group (Thái Lan); chợ đầu mối Rungis (Pháp)... Bên cạnh đó, hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam đã trở thành sự kiện xúc tiến thương mại, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, địa phương quảng bá sản phẩm đặc sản tới người tiêu dùng, tham gia chuỗi cung ứng - tiêu thụ hiệu quả tại thị trường Thủ đô và phục vụ xuất khẩu.

Thời gian tới, chương trình hội chợ đặc sản vùng, miền được định hướng phát triển đáp ứng chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị, bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phấn đấu trở thành một hội chợ xuất khẩu vào năm 2022. Ðể thực hiện lộ trình này, Hà Nội sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của các địa phương đầu tư phát triển sản phẩm mẫu, bao bì, nhãn mác…; nghiên cứu và phát triển chiến lược thị trường cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm để mời các nhà nhập khẩu vào tham quan, giao dịch, từng bước tăng giá trị cho mặt hàng đặc sản vùng, miền của Việt Nam.

Trao đổi về vấn đề này, theo Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc, việc Nhà nước chủ trì những chương trình truyền thông, quảng bá các thương hiệu đặc sản vùng miền; hỗ trợ kinh phí cho chương trình kết nối các địa phương để hình thành hệ thống cung ứng và phân phối hàng hóa, bảo đảm chất lượng và rõ nguồn gốc là hướng đi phù hợp thực tế hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ này, nông dân cũng phải chủ động liên kết, thay đổi phương thức sản xuất; doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh rõ ràng, dài hạn với mục tiêu cụ thể, thay vì lập kế hoạch từng năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng giá trị cho đặc sản vùng miền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.