Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019: Gỡ bỏ rào cản để tăng tốc

Dạ Khánh - Chinhphu.vn - Ảnh: Viết Thành| 02/05/2019 15:36

(HNMO) - Chiều 2-5, phiên họp toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Sự kiện do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Diễn đàn.


Tham dự phiên đối thoại, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung và lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh, thành phố.


Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam chứng kiến nhiều thành quả của nền kinh tế. Đặc biệt, năm 2018 là năm thứ 4 liên tiếp có số doanh nghiệp thành lập mới với số vốn kỷ lục, trong đó có vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Khối kinh tế tư nhân đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách. Nhiều doanh nghiệp đã khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường và được người dân tin tưởng. Dù chưa có đánh giá đầy đủ, nhưng 2 năm qua cho thấy khát vọng vươn lên của khu vực này.

"Khu vực này có vai trò hết sức quan trọng của nền kinh tế, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa. Diễn đàn hôm nay là cơ hội để Chính phủ lắng nghe các ý kiến, phát triển hơn nữa doanh nghiệp tư nhân", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định...

Sau phát biểu khai mạc, Thủ tướng bắt đầu phiên đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là Chính phủ, Thủ tướng có quyết sách gì trong thời gian tới để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế.

Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, với các “từ khóa”: “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.

Về tạo bình đẳng, trước hết là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực.

Về từ khóa được “bảo vệ”, Thủ tướng nêu rõ là được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật. Giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.

Được “khích lệ” là được Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Ngược lại, cần lên án, đấu tranh đối với các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật.

“Trao cơ hội” là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Thủ tướng đề cập đến việc đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền cũng là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng.

Câu hỏi thứ hai là trong những năm tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết sách nào để những ý tưởng, sáng tạo có có hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa?

Trước câu hỏi này, Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam có nhiều cơ hội cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ khởi nghiệp thành công. Nền kinh tế Việt Nam đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh. Việc Chính phủ phải làm là tạo nên một thể chế pháp luật, nhân lực, hạ tầng và thị trường để tạo điều kiện cho khởi nghiệp.

Trước hết, về nguồn nhân lực, chú trọng số lượng, chất lượng nhân lực đáp ứng các yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là có những chính sách tốt hơn nữa để thu hút và giữ chân những nhà đầu tư “thiên thần”.

Thứ hai là về hạ tầng, Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan chú trọng hơn nữa hạ tầng viễn thông thông minh, ví dụ phát triển nhanh mạng 5G trong thời gian tới, thanh toán không dùng tiền mặt, các hạ tầng kỹ thuật công nghệ khác.

Thứ ba là tạo thị trường, theo đó, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo nhiều hơn, cho thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong đó, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với những cơ chế thông thoáng nhất. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia để tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công.

Các đại biểu dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019.


Tại diễn đàn, gần 30 ý kiến của lãnh đạo các cơ quan trung ương, bộ, ngành, các doanh nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư... chỉ ra những nút thắt cản trở khu vực kinh tế tư nhân, cũng như những kiến nghị, đề xuất đối với Chính phủ nhằm có sự điều chỉnh, tạo điều kiện tốt nhất cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. 

Trong đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng còn một số vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách cần giải quyết, như: Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đất đai... Những luật này phải phá vỡ rào cản và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được với nguồn lực về đất đai, tài chính, yếu tố sản xuất... Hay Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Nobufumi Miura cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam gặp khó vì thủ tục rườm rà. 

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế cần khắc phục để phát triển doanh nghiệp tư nhân: Thủ tục hành chính còn rườm rà, lạc hậu; các quy định còn chồng chéo; vấn đề thiếu vốn, năng suất lao động thấp; tình trạng thiếu đất và nhà dẫn đến chưa đáp ứng nhu cầu quy hoạch hạ tầng ở các thành phố lớn... 

Nữ doanh nhân Thái Hương - nhà sáng lập Tập đoàn TH đưa ra một loạt kiến nghị để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, như: Tập trung thực hiện thành công dự án thí điểm hình thành, phát triển một số chuỗi nông - thủy sản có thương phẩm giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường "mục tiêu", như chuỗi sản phẩm sữa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc, chuỗi tôm xuất khẩu sang Mỹ, Canada, EU, hay chuỗi rau - củ - quả có chế biến sâu để dần làm chủ các thị trường trọng tâm...

Kết thúc phần đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các vấn đề liên quan kênh tiếp cận Chính phủ với doanh nghiệp đều đã được chuyển tới Thủ tướng và rất nhiều vấn đề đã được xử lý.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, phát triển kinh tế tư nhân là quy luật tất yếu trong thời kỳ quá độ của Việt Nam. Trong 3 năm qua, đã có nhiều chính sách, ý tưởng để tạo ra sự bứt phá cho các doanh nghiệp tư nhân. 

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết thêm, kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 40% GDP và phấn đấu đạt 60% GDP trong năm 2030. Để có được điều này, cần xây dựng những "con sếu đầu đàn" trong thành phần kinh tế tư nhân, thông qua việc định hướng chính sách, lắng nghe, tiếp cận và đối thoại, từ đó chọn lọc và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, phát triển thành phần kinh tế tư nhân; hỗ trợ cải cách hành chính. Cùng với đó, các doanh nghiệp phải vươn lên sáng tạo, có tâm huyết, có năng lực về vốn, hoài bão và văn hóa.

Phát biểu bế mạc, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 diễn ra tốt đẹp với chuỗi các sự kiện, phiên hội thảo chuyên đề, triển lãm... Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục tích cực, chủ động phản ánh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất và hiến kế phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng của Đảng, nhất là tham gia xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cho phát triển kinh tế tư nhân. Năm 2019 và những năm tiếp theo, khu vực kinh tế tư nhân cần tạo sự phát triển bứt phá hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019: Gỡ bỏ rào cản để tăng tốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.