Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng hỗ trợ chính sách để kinh tế tập thể phát huy nội lực

Hiền Lương (ghi) - Ảnh: Viết Thành| 11/05/2019 12:17

(HNMO) -  Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ, nhiều đại biểu đã tham luận, nêu ý kiến, kiến nghị, trọng tâm là tăng cường hỗ trợ để kinh tế tập thể phát huy nội lực phát triển.

Quang cảnh hội nghị


Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng: Cần miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp


Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ, quận Hà Đông đã thành lập mới được 54 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn lên 90. Số thành viên hợp tác xã cũng tăng mạnh, từ hơn 23.000 người năm 2003 lên hơn 44.000 năm 2019. Kinh tế tập thể trên địa bàn quận đã phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống thành viên, khẳng định được vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho kinh tế tập thể, chúng tôi kiến nghị cần có chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hợp tác xã; ưu tiên khi tham gia đấu thầu thuê đất thực hiện dự án có sử dụng đất; quản lý kinh doanh, khai thác chợ tại các địa bàn khi chuyển đổi mô hình quản lý.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn: Hợp tác xã phải vươn lên bằng nội lực

Ứng Hòa là huyện thuần nông với cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm 36,5%. Đến nay, toàn huyện có 111 hợp tác xã. Từ kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi cho rằng, củng cố, phát triển các hợp tác xã phải trên cơ sở tập hợp, liên kết rộng rãi người lao động, các hộ sản xuất kinh doanh và bảo đảm đúng nguyên tắc, bản chất và giá trị của hợp tác xã.

Ngoài ra, các cơ sở kinh tế tập thể, hợp tác xã phải vươn lên bằng nội lực của chính mình, có định hướng hoạt động phù hợp, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chủ động, tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt có năng lực, trình độ và tâm huyết...

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Tạ Văn Tường: Chỉ hỗ trợ trực tiếp khi tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị

Điều quan trọng hiện nay để phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là phải thay đổi toàn diện phương thức tổ chức sản xuất truyền thống sang phương thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn, truy xuất được nguồn gốc.

Trong đó, doanh nghiệp và hợp tác xã là nòng cốt để thực hiện phương thức tổ chức sản xuất mới, với vai trò là đầu mối xây dựng chuỗi giá trị, chia sẻ lợi ích hài hòa cho các tác nhân, từ cung cấp đầu vào đến sản xuất, chế biến, thương mại, người tiêu dùng. Chính sách cần hướng tới hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và hợp tác xã để tạo sinh kế cho người dân, chỉ hỗ trợ trực tiếp cho người sản xuất khi tham gia vào hợp tác xã hay liên kết với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển kinh tế hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đặng Văn Thanh: Giải thể dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động

Với mức đóng góp từ 0,71-0,72% trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), kinh tế tập thể của Hà Nội chưa tương xứng với sự phát triển tổng thể của nền kinh tế Thủ đô. Thành phố cần sớm thành lập Phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư theo thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đồng thời, thành phố xem xét giải thể dứt điểm các hợp tác xã ngừng hoạt động (304 hợp tác xã), sớm chuyển đổi xong các hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã 2012 (hiện còn 5%) để giảm thiểu tâm lý mặc cảm hợp tác xã kiểu cũ, tạo dư địa cho việc thành lập hợp tác xã mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng hỗ trợ chính sách để kinh tế tập thể phát huy nội lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.