Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu cà phê: Nhiều thách thức

Đỗ Minh| 20/05/2019 06:58

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê nước ta liên tục giảm về khối lượng và giá trị, kể cả tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Đức…

Giảm về khối lượng và giá trị

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm đáng kể. Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê chỉ đạt 629 nghìn tấn với kim ngạch 1,1 tỷ USD, giảm 13,4% về khối lượng và 22,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Dự kiến, xuất khẩu cà phê trong tháng 5-2019 tiếp tục giảm bởi giá cà phê trong nước và thế giới đang có chiều đi xuống.

Ngành cà phê đang đứng trước nhiều thách thức về thị trường xuất khẩu.


Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, giá cà phê trong nước đang ở mức dưới 30.000 đồng/kg - thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tại thị trường thế giới, từ đầu tháng 5 đến nay, giá cà phê giao dịch ở mức 1.295 USD/tấn, giảm 500 USD/tấn so với thời điểm trước đó.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Toản, giá cà phê thế giới bị tác động do các thị trường tiếp tục phản ứng mạnh trước thông tin về quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc. Giá cà phê thế giới giảm khiến giá cà phê tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cũng giảm đáng kể.

Bên cạnh tác động về giá và quan hệ thương mại thì xuất khẩu cà phê Việt Nam còn chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia cùng sản xuất, xuất khẩu mặt hàng này. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam Nguyễn Viết Vinh, trong 4 tháng đầu năm 2019, cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ giảm tới 19,8%; tương tự, thị trường nhập khẩu cà phê truyền thống của Việt Nam là Đức cũng giảm 13%. Hiện, cà phê Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh lớn với cà phê của Brazil và Colombia tại 2 thị trường truyền thống này.

Ngoài ra, tại nhiều thị trường, xuất khẩu cà phê cũng đang giảm mạnh: Nhật Bản 12,5%, Algeria 25,2%, Hàn Quốc 11,2%, Pháp 14%, Ấn Độ 33,7%...

Tập trung nâng cao chất lượng

Đối với sản xuất và xuất khẩu cà phê Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Ngoài những tác động về quan hệ thương mại, sự sụt giảm xuất khẩu cà phê Việt Nam chủ yếu do chất lượng chưa cao; còn thiếu linh hoạt trong khâu thị trường; đồng thời, sản phẩm còn mang tính sơ khai, truyền thống… Trong khi đó, ngành cà phê Việt Nam được coi là thế mạnh; là một trong những mặt hàng xuất khẩu nông sản chiến lược của Việt Nam (đứng thứ 3 thế giới)...

Để khắc phục khó khăn, ngành cà phê cần thay đổi phương thức sản xuất. Đặc biệt, trong bối cảnh hạn hán, sản lượng cà phê trong nước giảm dần qua từng niên vụ thì ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm bảo đảm chất lượng là vấn đề cần tập trung giải quyết hiện nay.

Đơn cử, như chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh: "Sản phẩm cà phê xuất khẩu phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật ngày càng cao của các nước nhập khẩu và tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu nên việc giải bài toán chất lượng phải đặt lên hàng đầu. Ngoài việc trồng giống mới (thay thế giống cà phê cũ, đã thoái hóa), các địa phương trồng cà phê trọng điểm cần tập trung sản xuất cà phê chất lượng tốt, ứng dụng công nghệ cao trong các khâu: Trồng, thu hái, phơi sấy, bảo quản, chế biến…".

Cùng với bài toán chất lượng, cà phê Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu sản phẩm đặc sản. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (chuyên chế biến, xuất khẩu cà phê tại Gia Lai) Thái Như Hiệp thông tin: Hiện, thị phần loại cà phê đặc sản mới chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản lượng cà phê thế giới. Tuy thị phần thấp nhưng giá trị gia tăng gấp từ 5 đến 10 lần (tùy theo loại cà phê), và Việt Nam có nhiều vùng sản xuất loại hạt chất lượng này.

Cụ thể hơn, theo khảo sát của Bộ NN&PTNT, tại tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã lấy 130 mẫu cà phê tại vùng nguyên liệu để các chuyên gia nếm thử và đánh giá chất lượng. Kết quả, hơn 10% mẫu cà phê đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản, có thể xuất khẩu. Các địa phương trồng cà phê trọng điểm, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, cần phát huy lợi thế này.

“Trong giai đoạn tới, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cà phê Việt Nam nhờ việc cắt giảm thuế quan; đặc biệt là đối với các sản phẩm cà phê chế biến. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này, tập trung nâng cao chất lượng cà phê, đa dạng hóa sản phẩm, hướng đến sản phẩm chế biến có giá trị cao để mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo vị thế tương xứng cho mặt hàng chiến lược này" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường định hướng.

Năm 2019, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu sản lượng cà phê nhân đạt 1,67 triệu tấn, tăng 52.400 tấn so với năm trước. Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho rằng, sản lượng cà phê năm 2019 có thể giảm 20% do thời tiết xấu và diện tích canh tác giảm.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu cà phê: Nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.