Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm toán Nhà nước có thể kiểm toán về giá điện trong năm 2019

Hoa - Hương| 30/05/2019 17:25

(HNMO) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã đề xuất Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu để có thể đưa vào kế hoạch kiểm toán tài chính nội dung chuyên đề về giá điện của EVN trong năm 2019.


56 đại biểu thảo luận và tranh luận trong ngày đầu tiên diễn ra phiên thảo luận kinh tế - xã hội.


5 biện pháp mạnh để kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI)

Thay mặt Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình về tình hình kiềm chế lạm phát, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, việc kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát luôn là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Chính phủ.

“Trong 3 năm qua, chúng ta liên tiếp kiểm soát được chỉ số CPI dưới 4%, được nhiều đại biểu đánh giá, ghi nhận như điểm sáng trong bức tranh điều hành kinh tế vĩ mô”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Năm 2019, Quốc hội đề ra nghị quyết kiểm soát chỉ số này khoảng 4%. Ban Chỉ đạo điều hành giá, trên cơ sở 5 kịch bản được xây dựng, đã lựa chọn kịch bản điều hành giá từ 3,3-3,9%. Chỉ số CPI tháng 5 này tăng 0,49% so với tháng 4. Bình quân 5 tháng, chỉ số CPI tăng 2,74% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng thấp nhất trong vòng với 3 năm qua.

Chia sẻ và đồng tình với nhiều ý kiến mà các đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thời gian tới, để kiên trì mục tiêu giữ lạm phát ở mức 3,3-3,9%, dự kiến Chính phủ thực hiện 5 biện pháp chủ yếu, gồm:

Thứ nhất, điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách vĩ mô khác để kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Thứ hai, chủ động theo dõi sát diễn biến cung - cầu thị trường và giá để có giải pháp bình ổn, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu và khó lường như giá điện, giá xăng dầu, giá gas và một số mặt hàng có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng.

Thứ ba, tiếp tục đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện. Điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá thế giới và sử dụng công cụ bình ổn giá để bảo đảm bình ổn theo mục tiêu.

Thứ tư, tăng cường công tác dự báo và tính toán các mặt hàng thiết yếu trên tinh thần điều chỉnh vào thời điểm thích hợp với liều lượng, mức độ điều chỉnh phù hợp.

Thứ năm, công khai, minh bạch các chi phí đầu vào, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và xử lý nghiêm sai phạm trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ về kiểm soát lạm phát.

Đề xuất Kiểm toán Nhà nước kiểm toán chuyên đề về giá điện của EVN

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)


Về vấn đề giá điện và giá xăng dầu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã có báo cáo chi tiết ngày 21-5-2019 gửi Quốc hội. Phó Thủ tướng nêu thêm về cơ sở điều chỉnh giá điện năm 2019 và thời điểm điều chỉnh giá điện.

Cụ thể, trên cơ sở rà soát tổng cơ cấu và nguồn điện, tổng chi phí đầu vào của ngành điện năm 2019 tăng thêm khoảng 20.032 tỷ đồng. Để bảo đảm bù đắp khoản thiếu hụt và có mức lợi nhuận tối thiểu cho ngành Điện là 3%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Bộ Công Thương đã đề xuất 3 kịch bản tăng giá điện. Sau khi cân nhắc nhiều mặt, Thường trực Chính phủ đã họp, thảo luận kỹ và kết luận chọn phương án tăng 8,36%, điều chỉnh trong khoảng thời gian từ ngày 15 đến 30-3.

“Lý do lựa chọn thời điểm đó là vì sau khi tăng mạnh trong các tháng 1 và 2, CPI thường giảm trong tháng 3. Thực tế, trong 11 lần điều chỉnh giá điện thì có 4 lần điều chỉnh vào tháng 3. Nếu muộn hơn, hoặc giữa năm, hoặc sau tháng 7 thì tỷ lệ điều chỉnh sẽ phải cao hơn để bù đắp được khoản chi phí tăng thêm”, Phó Thủ tướng nêu.


Về việc tiền sử dụng điện tháng 4 của các hộ dân tăng, theo báo cáo bước đầu của Bộ Công Thương, trên cơ sở kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành, sơ bộ đánh giá có 3 nguyên nhân: Điều chỉnh tăng giá điện; số ngày ghi công tơ tháng 4 nhiều hơn tháng 3 là ba ngày; nhu cầu điện tăng cao do thời tiết nắng nóng bất thường.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định chưa phát hiện sai phạm trong cách tính và thu tiền điện của EVN.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan tiếp tục giảm chi phí, giảm tổn thất điện năng, minh bạch các yếu tố chi phí đầu vào; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện văn bản pháp lý, rà soát, nghiên cứu xây dựng mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh phù hợp với điều kiện của Việt Nam, dự kiến thí điểm vào năm 2021.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trên cơ sở ý kiến đề xuất của các chuyên gia, người dân và doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và EVN sớm nghiên cứu để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các biểu giá điện cho hợp lý hơn, bảo vệ được người có thu nhập thấp nhưng đồng thời cũng phù hợp với nhu cầu dùng điện ngày càng cao, đảm bảo hài hòa lợi ích của các hộ tiêu thụ điện.

Thanh tra Chính phủ sẽ sớm công bố kết quả thanh tra và xử lý nghiêm các sai phạm nếu có của EVN và các cơ quan liên quan.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thêm, Chính phủ đang đề xuất Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu để có thể đưa vào kế hoạch kiểm toán tài chính năm 2019 nội dung chuyên đề về giá điện của EVN.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong ngày thảo luận đầu tiên về kinh tế - xã hội, đã có 52 đại biểu phát biểu, 4 ý kiến tranh luận. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tham gia thảo luận, trao đổi các vấn đề được các đại biểu quan tâm. 

Trong sáng mai (31-5), tiếp tục phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, Đoàn chủ tịch sẽ mời Bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư tham gia thảo luận làm rõ những vấn đề được các đại biểu tập trung cho ý kiến.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm toán Nhà nước có thể kiểm toán về giá điện trong năm 2019

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.