Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội: Kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội

Thanh Hiền| 08/07/2019 06:48

(HNM) - Với mục tiêu tạo nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu đã được thành phố Hà Nội chú trọng triển khai, mang lại hiệu quả tích cực. Với những mặt hàng chất lượng mang thương hiệu Việt, người tiêu dùng Thủ đô đã được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này; qua đó, giúp nền kinh tế phát triển ổn định, kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội...

Chương trình bình ổn thị trường được thành phố Hà Nội chú trọng triển khai và mang lại hiệu quả tích cực.    Ảnh: Mạnh Hùng

Mạng lưới bán hàng phủ khắp thành phố

Bà Nguyễn Hòa Bình (số 8/3/80 phố Nhân Hòa, quận Thanh Xuân) mua hàng tại siêu thị Hapro cho biết: “Tôi thường xuyên đi siêu thị và chọn mua thực phẩm tại quầy bán hàng bình ổn thị trường. Điểm đáng ghi nhận của chương trình là tạo nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường. Nhờ đó, chúng tôi không còn phải lo gom thực phẩm vào những đợt mưa bão hay các dịp nghỉ lễ, Tết như trước đây”.

Về hiệu quả của chương trình, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông nhận định: “Chương trình bình ổn thị trường đã tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất, nhà phân phối đến người tiêu dùng”.

Đánh giá về kết quả Chương trình bình ổn thị trường thời gian qua, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: "Tiếp nối hiệu quả chương trình từ nhiều năm trước, từ tháng 6-2018, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; phối hợp với các quận, huyện, thị xã định hướng cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp lễ, Tết năm 2019. Thành phố đã tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn cung. Tham gia chương trình, các doanh nghiệp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chuẩn bị lượng hàng hóa tăng cao hơn kế hoạch, bảo đảm cung ứng cho thị trường kể cả khi có biến động. Hàng hóa của chương trình có chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, giá hợp lý, ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, góp phần ổn định thị trường”.

Chương trình tiếp tục có sự tham gia của các đơn vị chủ lực trong lĩnh vực phân phối như: Co.opmart, Hapro, Big C, Vinmart, Aeon Mall, Lotte… với hệ thống hơn 4.000 cửa hàng bình ổn. Qua đó, mặt hàng lương thực - thực phẩm, hàng thiết yếu dịp Tết đã được đưa đến người tiêu dùng với mức giá hợp lý, ổn định.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tham gia chương trình còn đưa hàng bình ổn phủ rộng khắp thành phố đến 10.688 điểm bán hàng. Các tổ chức tín dụng tham gia chương trình cho các doanh nghiệp vay vốn với tổng hạn mức hơn 2.700 tỷ đồng. Sở Công Thương cũng xây dựng quy trình, tổng hợp, báo cáo thông tin thị trường hàng hóa và kịch bản ứng phó khi thị trường xảy ra biến động...

Với cách làm đó, tổng lượng hàng bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 trên địa bàn Hà Nội đã chiếm khoảng 30-40% thị phần, đạt giá trị khoảng 28.500 tỷ đồng. 

Đồng bộ giải pháp  để tăng hiệu quả

Tuy được đánh giá là có hiệu quả, nhưng trong quá trình triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn, cần sự hỗ trợ của ngành chức năng, cấp có thẩm quyền để người dân được tiếp cận nhiều hơn với các mặt hàng bình ổn giá. 

Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền (huyện Thanh Oai) sản xuất hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường. Ảnh: Linh Ngọc

Ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân (huyện Phúc Thọ) chia sẻ: “Những năm trước, nhà phân phối hỗ trợ chiết khấu nên giá bình ổn bảo đảm, nhưng hiện nay các hệ thống phân phối tăng mức chiết khấu nên các doanh nghiệp gặp khó khăn. Áp lực với doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn ngày càng cao khi vừa phải bảo đảm chất lượng hàng hóa, vừa giữ giá bình ổn, trong khi doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đầu vào ngày càng tăng”.

Ông Đào Ngọc Nam - Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại An Việt (khu VL1, khu thương mại dịch vụ Trung Văn 1, quận Nam Từ Liêm) cho rằng: “Cần đẩy mạnh phối hợp giữa các bên để tạo nguồn hàng ổn định, giá hợp lý hơn. Việc phê duyệt giá bán cũng cần sát sao, kịp thời hơn”.

Hóa giải từng bước những khó khăn trên và để tăng tính hiệu quả của chương trình, ngày 10-6-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND về thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố năm 2019. Các nhóm hàng hóa trong chương trình bình ổn tiếp tục tập trung vào nhóm sản phẩm thiết yếu như: Lương thực; thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến; rau củ quả tươi; đường; dầu ăn; sữa…

Theo kế hoạch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng thương mại để tăng các điểm phục vụ cố định trên địa bàn thành phố; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống kho bãi, hạ tầng logistics, đáp ứng nhu cầu dự trữ, bảo quản hàng hóa theo quy định; hỗ trợ cấp phép, tạo thuận lợi cho phương tiện tham gia chương trình chở hàng hóa thiết yếu hoạt động 24/24 giờ để bảo đảm hàng hóa được luân chuyển liên tục, kịp thời phục vụ nhân dân... 

Thực hiện kế hoạch này, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: "Sở sẽ chủ trì cùng các sở, ngành liên quan tăng cường hoạt động liên kết vùng giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác để chủ động nguồn cung những mặt hàng thiết yếu và hàng có nhu cầu sử dụng cao trong dịp lễ, Tết. Sở cũng tham mưu, trình UBND thành phố các giải pháp thực hiện kết nối giữa doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng tham gia chương trình, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh; yêu cầu các quận, huyện, thị xã rà soát các chợ bán lẻ, các địa điểm thuận lợi gần khu dân cư để giới thiệu cho các doanh nghiệp tạo lập cửa hàng chuyên bán hàng bình ổn giá phục vụ người dân...".

Dự báo nhu cầu hàng hóa, thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán sẽ tăng cao, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại khẳng định, Cục sẽ tăng cường kiểm tra phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá... nhằm bảo đảm ổn định thị trường. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm.

Với các giải pháp đồng bộ, việc bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2019 sẽ đem lại kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội: Kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.